- Trần Thế Kỷ – 6 tháng 8, 2024
Ismail Haniyeh, một trong những thủ lĩnh của Hamas vừa bĩ ám sát. (Hình: Ashraf Amra/Anadolu Agency/Getty Images)
Rất có thể những nhà lãnh đạo phong trào Hồi giáo Hamas đang phải cay đắng nhìn nhận cuộc tấn công của họ vào Israel ngày 7 Tháng Mười 2023 là một sai lầm lớn.
Cuộc tấn công bất ngờ đó đã giết khoảng 1,200 người và khiến hàng trăm người bị phe Hamas bắt làm con tin. Cuộc tấn công nhất thời có thể làm Hamas hả hê nhưng lại khiến phe này trả một giá vô cùng đắt ngay sau đó.
Khi tung ra cuộc tấn công này, phe Hamas dường như chỉ muốn chém giết cho sướng tay rồi muốn ra sao thì ra. Nếu đúng vậy thì có thể nói các lãnh tụ Hamas có cái đầu quá nóng nảy, không hề biết tính sâu, tính xa. Nếu họ biết nghĩ sâu xa thì hẳn sự kiện ngày 7 Tháng Mười 2023 đã không xảy ra, và Hamas đã không phải trả cái giá quá đắt như hiện nay. Có hối tiếc thì cũng đã muộn rồi.
Để đáp trả vụ tấn công tàn bạo của Hamas, quân đội Israel cho san bằng hầu hết các cơ sở của Hamas ở Gaza, giết chết hàng ngàn tay súng Hamas và có thể nói đã đánh bật phe Hamas ra khỏi Gaza, nơi từng là chốn dung thân lý tưởng của phe này. Không chỉ thế, Israel còn liên tiếp hạ sát nhiều lãnh tụ Hamas mà gần đây nhất là Ismail Haniyeh.
Câu hỏi đặt ra là nếu vụ 7 Tháng Mười là một sai lầm của Hamas thì liệu vụ ám sát Ismail Haniyeh (cứ cho là Israel thực hiện vụ này dù Israel chưa bao giờ thừa nhận) có phải là một sai lầm của Israel, khi mà cái chết bi thảm của Haniyeh thổi bùng lòng thù hận bấy lâu nay của Iran đối với Israel và từ đó có thể gây nên một cuộc chiến toàn diện giữa hai nước?
Câu trả lời là một cuộc chiến đầy máu lửa giữa Israel và Iran, nếu xảy ra, có thể không nằm ngoài tính toán của Israel. Tel Aviv không giết Haniyeh cho sướng tay rồi muốn ra sao thì ra như Hamas khi gây ra vụ 7 Tháng Mười. Giết Haniyeh, cũng như các quan chức Hamas khác, hẳn Tel Aviv muốn làm suy yếu phe Hamas, từ đó buộc phe này phải có nhiều nhượng bộ với Israel. Ít nhất từ nay Hamas phải biết “lễ độ” với Israel mà không dám tiếp tục có những hành động “láo xược” như vụ 7 Tháng Mười.
Hạ sát Haniyeh ngay trên đất Iran, Israel hẳn đã tính tới việc Iran sẽ nổi điên mà động binh với Israel, đất nước mà Iran luôn xem là kẻ thù bất cộng đới thiên. Và rằng dẫu có giận dữ thế nào đi chăng nữa, Tehran cũng không dám tử chiến với Israel tới người Iran cuối cùng. Iran không điên tới mức vì một Haniyeh mà đưa đất nước vào cuộc binh đao vô vọng. Nói “vô vọng” là vì Tehran hẳn biết họ hoàn toàn không có cửa giành chiến thắng trước Israel. Bởi Israel có Mỹ chống lưng, còn Iran thân cô thế cô, chẳng có ai để dựa.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel là Yoav Gallant tuyên bố Israel đã có phương án tấn công phủ đầu đối với Iran. Có thể tin rằng Israel không chỉ nói được mà còn làm được. Israel có thực lực, còn Iran thì không. Trong lễ nhậm chức, tân tổng thống Iran là Masoud Pezeshkian trong khi tiếp tục xem Israel là kẻ thù, đã cam kết với người dân là sẽ làm tất cả để phục hồi nền kinh tế đang suy thoái của Iran.
Kinh tế của Iran sẽ phục hồi thế nào nếu nước này lao vào chiến tranh với Israel? Nói thẳng ra, nền kinh tế suy yếu đó không thể nào giúp Iran kham nổi một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel. Không chỉ thế, chiến tranh sẽ càng khiến nền kinh tế vốn đã suy yếu của Iran rơi vào cảnh suy thoái nghiêm trọng. Điều này sẽ dễ làm bùng lên sự chống đối vốn đang âm ỉ của người dân Iran đối với chính quyền, và rất có thể dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước Hồi giáo Iran.
Tehran cần tỉnh táo để thấy rằng dẫu lòng hận thù của mình đối với Israel có chồng chất thế nào đi chăng nữa, Tehran tốt nhất cứ nhìn nó chất chồng. Chớ dại nghe lời xúi bậy của Medvedev mà ăn thua đủ với Israel. Nga chưa bao giờ hứa giúp Iran đánh nhau với Israel. Mà có muốn giúp cũng chẳng được khi Nga đang sa lầy ở Ukraine. Việc Kremlin cử tướng Shoigu sang Iran hôm 5 Tháng Tám vừa qua, được cho là chỉ để nhằm “tỏ tình đoàn kết với nhân dân Iran” và hỗ trợ tinh thần cho Iran đánh Israel mà thôi. Bởi Nga làm gì có dư vũ khí mà hỗ trợ cho Iran. Chưa nói là Nga không dám đùa với Israel. Nếu Nga có dư vũ khí để viện trợ cho Iran thì khác nào chọc giận Israel, khiến Israel trả đũa bằng cách viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.
Nếu Iran vẫn quyết “một mất một còn” với Israel thì có thể sẽ rơi vào bẫy của Israel. Bởi khi giết Haniyeh ngay trên đất Iran, rất có thể mục tiêu thực sự của Israel không phải là Haniyeh mà chính là Iran, quốc gia luôn miệng thề tiêu diệt nhà nước Do Thái. Israel không thể chờ Iran chế tạo được bom nguyên tử rồi mới đánh nhau với Iran, vì khi đó thì đã muộn. Đằng nào thì cũng phải sống chết một lần, nên động binh sớm thì vẫn hay hơn.
Rốt cuộc, Iran có thể chấp nhận trả một cái giá nào đó để rửa nhục với Israel, miễn là cái giá đó không quá cao. Iran chỉ nên mở một cuộc chiến ngắn hạn và có quy mô nhỏ với Israel, xem như rửa nhục được chút đỉnh. Như thế là khôn ngoan cho Iran!