Nước Bangladesh ở Nam Á đột ngột trở thành tâm điểm thời sự quốc tế với phong trào phản kháng của sinh viên chống chính sách độc đoán của thủ tướng Sheikh Hasina, đã dẫn dến việc con gái của nhà sáng lập quốc gia Bangladesh phải chạy sang Ấn Độ. Phong trào đòi dân chủ ghi điểm, nhưng sự sụp đổ của Sheikh Hasina mở ra một giai đoạn đầy bất trắc với Bangladesh, và đặt ra những thách thức mới đối với thế trận Mỹ – Ấn đề kháng Trung Quốc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Đăng ngày: 06/08/2024 – 16:05Sửa đổi ngày: 06/08/2024
Vì sao nói khủng hoảng chính trị ở Bangladesh đặt ra những thách thức với Mỹ – Ấn ?Một bài viết của trang mạng Hồng Kông South China Morning Post (SCMP), của phóng viên Khushboo Razdanin, công bố hôm nay dẫn lời của chuyên gia Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á thuộc Trung tâm Wilson, nhấn mạnh việc thủ tướng Sheikh Hasina, bị lật đổ sau 15 năm cầm quyền, đang đặt ra ‘‘các thách thức chiến lược mới’’ với Mỹ – Ấn, vì ‘‘khoảng trống chính trị’’ hiện nay có thể cho phép tạo điều kiện cho các phe phái chính trị thân Trung Quốc nắm quyền Bangladesh, đặc biệt là đảng đối lập, Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP).
Đối tác đáng tin cậy duy nhất của Ấn Độ tại Nam Á
Bangladesh được coi là ‘‘quốc gia duy nhất ở Nam Á còn là đối tác chiến lược đáng tin cậy của New Delhi’’ trong lúc ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng tại Nam Á, đa số các nước dần thoát dần khỏi phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ. Về mặt địa chính trị, Bangladesh nằm ở vị trí quan trọng bậc nhất đối với Ấn Độ. Bất kỳ thay đổi lớn nào về chính trị của Bangladesh đều sẽ tác động ngay lập tức đến Ấn Độ.
Hồi cuối năm 2023, trước cuộc bầu cử Quốc Hội Bangladesh, đã có nhiều lo ngại về viễn cảnh đảng cầm quyền Liên đoàn Awami của bà Sheikh Hasina mất đa số có thể đưa Ấn Độ vào tình thế bất ổn lớn. Có nhiều lý do. Trước hết về mặt an ninh, Ấn Độ và Bangladesh có đường biên giới chung dài đến 4.000 km. Các lực lượng nổi dậy thuộc các bang đông bắc Ấn Độ thường trú ẩn ở Bangladesh. Ấn Độ dựa nhiều vào Bangladesh để tăng cường an ninh tại các khu vực biên giới phía đông bắc.
Trụ cột an ninh ”vùng Đông Bắc”, thể chế thế tục chống Hồi giáo cực đoan
Về mặt tôn giáo và chính trị, theo Imankalyan Lahiri, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Jadavpur, Kolkata, với sự cầm quyền của thủ tướng Hasina, Bangladesh là quốc gia Hồi giáo duy nhất trong khu vực mà tiếng nói tự do vẫn còn được duy trì’’ (dẫn theo SCMP). Sự sụp đổ của chính quyền Hasina sẽ đe dọa các giá trị dân chủ và chế độ thế tục tại Bangladesh nói riêng và toàn bộ khu vực Nam Á’’. Chuyên gia Michael Kugelman nhấn mạnh, lo ngại rất lớn của New Delhi là các đối thủ lớn như đảng đối lập Đảng Dân Tộc Bangladesh BNP và ‘‘phong trào Hồi giáo nguy hiểm’’ Jamaat-e-Islami – gây bất ổn nếu họ lên nắm quyền.
Lo ngại trước cuộc bầu cử Quốc Hội hồi cuối năm ngoái giờ đây đã biến thành hiện thực, khi phong trào phản kháng mạnh mẽ của sinh viên, thanh niên phản đối chính sách tuyển công chức ưu ái cho con em của những người trong bộ máy chính chính quyền đã biến thành một cuộc ‘‘cách mạng’’, sau các đàn áp khốc liệt khiến hơn 350 người chết. Bangladesh đứng trước một thay đổi chính trị chưa từng có từ hơn 30 năm nay.
Chính sách với Bangladesh của Mỹ dựa hẳn vào Ấn Độ
Ấn Độ là một thành phần trụ cột trong Bộ Tứ (Quad) Ấn Độ – Thái Bình Dương, do Hoa Kỳ dẫn dắt, với mục tiêu trọng tâm là đối phó với các tham vọng của Trung Quốc, nhằm bảo vệ ‘‘một khu vực tự do, rộng mở, dựa trên luật pháp’’. Theo chuyên gia Michael Kugelman, trong chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương này, Bangladesh là một nhân tố quan trọng có ý nghĩa chiến lược, bởi gắn bó mật thiết với Ấn Độ.
Chính sách với Bangladesh lâu nay của Mỹ vốn dựa rất nhiều vào Ấn Độ. Trước biến cố lớn này, Washington đã không có những can thiệp cụ thể để đáp lại các lên án về tình trạng nhân quyền bị xâm phạm tại Bangladesh, do chính quyền của thủ tướng Hasina được Ấn Độ bảo trợ. Giờ đây, theo Michael Kugelman, trong tình hình phức tạp hiện nay, chính sách với Bangladesh chắc chắn phải thay đổi, nhưng Washington và New Delhi sẽ chỉ ‘‘hiệu chỉnh’’, chứ sẽ không có những ‘‘thay đổi lớn’’.
Chính sách mới với Bangladesh : Mỹ, Ấn sẽ phối hợp mật thiết để ‘‘hiệu chỉnh’’
Cùng đánh giá với ông Michael Kugelman, bà Farwa Aamer, giám đốc Sáng kiến Nam Á thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á (Asia Society Policy Institute) cho biết ‘‘Hoa Kỳ có thể sẽ dựa vào Ấn Độ nhiều hơn nữa với tư cách là đối tác chủ chốt ở khu vực Nam Á’’, và điều này có nghĩa là ‘‘mở rộng các chính sách hiện có hơn là thay đổi đáng kể’’.
Chuyên gia Michael Kugelman dự đoán trong suốt thời kỳ khủng hoảng chính trị hiện nay ở Bangladesh, Hoa Kỳ và Ấn Độ ‘‘sẽ trao đổi, tham vấn, thông báo với nhau về các cuộc đối thoại mà mỗi bên có thể có với Bangladesh’’, để phối hợp hành động. Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller hoan nghênh việc quân đội phản đối lệnh đàn áp người biểu tình, theo một số nguồn tin, và khẳng định đây là điều đáng khuyến khích, và vấn đề cấp thiết hiện nay là làm sao để người dân Bangladesh có thể tự chọn lựa cho mình một chính phủ mới ‘‘trong những ngày tới và tuần tới’’.
Hai thách thức lớn: Bảo vệ hòa bình trong xã hội và khôi phục dân chủ
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Bangladesh đặt quốc gia Nam Á này trước tương lai đầy bất trắc. Tuần báo Anh The Economist, trong bài ‘‘Nhà độc tài Bangladesh bỏ trốn – để lại khoảng trống nguy hiểm’’ (Bangladesh’s dictator flees-leaving behind a dangerous vacuum) nhấn mạnh đến ba vấn đề chính.Một là nguy cơ đất nước rơi vào hỗn loạn, với bạo lực trả đũa, thanh trừng gia tăng tại một đất nước mà xã hội phân cực cao độ, với nhiều thù hận nhắm vào giới đặc quyền đặc lợi, khi dự trữ ngoại hối giảm xuống còn một nửa so với năm 2021, tiền ồ ạt được chuyển ra nước ngoài, trong lúc hai phần năm giới trẻ không có việc làm.
Vấn đề thứ hai là liệu sau một giai đoạn quân đội tạm quyền trực tiếp bảo đảm an ninh, liệu có thể khôi phục hệ thống dân chủ được hay không. Nhiều hy vọng được đặt vào kinh tế gia, giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus, với hy vọng sang trang thời kỳ thống trị của các tài phiệt. Tuy nhiên, theo The Economist, chiến dịch đàn áp đối lập từ nhiều năm nay đã tạo nên một ‘‘khoảng trống chính trị’’ lớn khó khắc phục tại quốc gia Nam Á này.
Can thiệp nước ngoài : Bàn tay Trung Quốc đằng sau các thế lực Hồi giáo cực đoan ?
Vấn đề lớn thứ ba là sự can thiệp của các thế lực nước ngoài vào Bangladesh. Dưới thời của thủ tướng Sheikh Hasina, Bangladesh cố tìm cách cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng kết quả không thực khả quan. Chuyến công du hồi tháng 6/2024 của thủ tướng Bangladesh đến Trung Quốc, điểm đến thứ hai sau khi bà Sheikh Hasina nhậm chức, cho thấy Bắc Kinh đã không mấy hưởng ứng chính phủ Sheikh Hasina.
Sau khi phong trào phản kháng lật đổ thủ tướng Seikh Hasina, tin tức tình báo Ấn Độ cho hay, đã có bằng chứng về sự tiếp tay của Trung Quốc đối với một số tổ chức Hồi giáo cực đoan, hoạt động ngay tại Bangladesh hoặc thông qua Pakistan. Với cuộc khủng hoảng chính trị và tình hình đầy bất trắc ở Bangladesh hiện nay, thế trận Mỹ – Ấn đối phó với Trung Quốc tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đang đứng trước những thách thức mới.