Thứ Hai, 05/08/2024, một làn gió hoảng loạn thổi qua nhiều thị trường chứng khoán. Nhiều chỉ số châu Á, châu Âu và Mỹ đã rơi tự do ngay khi mở phiên giao dịch. Theo nhiều nhà quan sát, nỗi lo suy thoái kinh tế ở Mỹ đã khiến nhiều thị trường bị chao đảo.
Đăng ngày: 06/08/2024
Giới đầu tư tại châu Á hôm nay thở phào nhẹ nhõm, sau một ngày nhốn nháo thị trường chứng khoán trên khắp thế giới. Theo AFP, các chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Seoul và Đài Loan hôm qua đã sụt giảm đến chóng mặt. Chỉ số Nikkei ở Tokyo tụt mất 12,4%, mức tệ hại nhất trong lịch sử đất nước. Chứng khoán ở Đài Loan cũng bị giảm mạnh, mất 8,4%, mức thấp nhất trong một phiên giao dịch kể từ năm 2000, trong khi ở Seoul, các chỉ số chứng khoán bị giảm đến hơn 9%. Riêng các chỉ số ở Trung Quốc là giảm vừa phải, từ 1,54% (Thượng Hải) đến 2,13% (Hồng Kông).
Tại châu Âu, chỉ số các chứng khoán trên thị trường Paris, Luân Đôn, Frankfurt, Milano cũng lần lượt bị rớt vào lúc kết thúc phiên giao dịch, trong khi thị trường New York gần như hoảng loạn với các chỉ số sụt giảm nghiêm trọng vào cuối phiên giao dịch.
Theo các nhà quan sát, bên cạnh nguy cơ leo thang xung đột ở Trung Đông, các quan ngại về chính sách tiền tệ Nhật Bản, thì chính nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái và rủi ro bùng nổ bong bóng trí tuệ nhân tạo đã khiến các thị trường chính trên thế giới rơi vào tình trạng hốt hoảng.
Stephen Innes, nhà phân tích tài chính tại SPI Asset Management, giải thích « bản báo cáo về việc làm tại Mỹ » công bố hôm thứ Sáu (02/8) là yếu tố châm ngòi. Bản báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh từ nhiều tháng qua, tăng trưởng trì trệ của châu Âu và mức cầu thấp ở Trung Quốc được bù đắp bằng một sức tăng trưởng kinh tế năng động ở Mỹ, từ 2,5% trong năm 2023 đến mức kỳ vọng 2,7% cho năm 2024.
Sự năng động này còn được hỗ trợ bởi việc duy trì lãi suất chỉ đạo ở mức cao nhất từ 20 năm qua, trong khoảng từ 5,25-5,50%, phần nào thành công giúp nền kinh tế Mỹ tuy giảm tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn hạn chế được lạm phát.
Cho đến lúc này, các nhà phân tích ghi nhận kinh tế Mỹ vẫn vững chắc và tăng trưởng nhẹ, trong khi lạm phát chậm lại, đây thực sự là một kịch bản trong mơ, đi theo kịch bản « Goldilocks » – nghĩa là một quỹ đạo kinh tế theo hình thức « khuyên vàng », tức một nền kinh tế không quá mạnh mà cũng không quá yếu theo như giải thích của nhà kinh tế học Jean-François Robin tại Natixis với nhật báo Libération.
Tuy nhiên, việc công bố tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 tăng lên 4,3% so với mức kỷ lục 4,1 tính từ tháng 10/2021 đã làm dấy lên nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái trong khi vẫn duy trì lãi suất chỉ đạo cao. Kinh tế giá Thomas Stolper, nhà sáng lập Systemacro, văn phòng chuyên nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, giải thích với Libération rằng đó còn do « quy luật Sahm » – một học thuyết kinh tế do Claudia Sahm, cựu kinh tế gia của Ngân hàng Trung ương Mỹ và của Nhà Trắng đề xuất.
Theo học thuyết này, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình của ba tháng gần nhất cao hơn mức thấp nhất của 12 tháng sau cùng là 0,5 điểm. Rủi thay, chỉ số được công bố cho tháng 7 là 0,53 điểm. Giới đầu tư lập tức suy ra rằng suy thoái tại Mỹ là điều không thể tránh khỏi.
Thêm vào đó là nỗi lo bùng nổ bong bóng cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt những doanh nghiệp có liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Đây là những lĩnh vực có giá cổ phiếu cao ngất ngưởng từ nhiều tháng qua và hậu thuẫn tất cả các sàn chứng khoán trên thế giới.
Trong tuần rồi, tập đoàn bán dẫn Intel đã đưa ra một báo động đỏ khi thông báo sa thải 15 ngàn nhân viên. Giá cổ phiếu của hãng cũng vì thế sụt đến 36%. Cuối tuần qua, nhà đầu tư hàng đầu Warren Buffet cũng thông báo bán một nửa số cổ phiếu Apple của ông, khiến cổ phiếu của hãng Quả táo bị mất giá.
Libération kết luận : Ngần ấy sự việc đủ để làm trỗi dậy những hoài nghi về giá trị cổ phiếu của cả lĩnh vực công nghệ cao.