2024.08.05
Người tị nạn Việt Nam bị cảnh sát Thái bắt giữ năm 2023
MFSJ
Cổng thông tin điện tử Công an nhân dân, hồi cuối tháng 7, cho biết Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, đã đưa ông Nay Tri – một nghi can lẩn trốn ở Thái Lan về nước và bàn giao lại cho gia đình một cách an toàn.
Ông Nay Tri bị cáo buộc là có hành vi hủy hoại rừng và đang trong thời gian chờ Toà án huyện Krông Pa xét xử. Vào ngày 4/1/2-24, ông này đã bỏ trốn sang Thái Lan.
Theo công an huyện Krông Pa, ông Nay Tri bị các đối tượng hiện đang ở Thái Lan như Siu Thoan, Ksor Non… lôi kéo, bắt ép tham gia quay phim làm YouTube nói xấu chính quyền, vu cáo, xuyên tạc sự thật trong nước nhưng Nay Tri không nghe theo nên bị cô lập. Do đó, ông này có nguyện vọng trở về nước. Công an địa phương đã chủ động liên hệ, hướng dẫn ông trở về Việt Nam hôm 27/7.
Truyền thông cũng cho biết ông Nay Tri hiện đã được chính quyền xã Đất Bằng, nơi ông sinh sống, động viên, đồng thời tạo điều kiện để ông sớm hòa nhập cộng đồng.
Ông Siu Thoan, người bị chính quyền huyện Krông Pa cáo buộc trong bài viết trên, chia sẻ với RFA: .
“Công an Việt Nam bịa đặt thôi, làm gì có chuyện tôi dụ dỗ họ đâu. Họ chạy trốn khỏi Việt Nam do bị đàn áp về đất đai hay tôn giáo gì đó, họ nói như vậy mà.
Ông Nay Tri này tôi chỉ gặp có hai lần thôi. Ổng nói hồi trước ổng làm rẫy 40 năm rồi nhưng mà nhà nước nói là đất của nhà nước, tính bắt ổng vào tù nên ông ấy chạy trốn.
Ổng không biết nói tiếng Kinh đâu, biết ít thôi, mà ổng cũng không có làm YouTube.”
Công an Việt Nam, thông qua các kênh truyền thông Nhà nước, luôn đăng tải thông tin kêu gọi những người trốn truy nã, đang lẩn trốn ở Campuchia hoặc Thái Lan về nước để được “hưởng sự khoan hồng” của pháp luật.
Ông Y Phic, một người tị nạn từng ở Thái Lan, hiện đang ở Hoa Kỳ, nói với RFA rằng những người Thượng hay người dân tộc thiểu số đang sống ở Thái Lan chủ yếu là vì lý do bị chính quyền cưỡng chế thu hồi đất hoặc bị đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Ông Y Phic cho biết mình cũng từng nhận được nhiều tin nhắn, email . từ an ninh Việt Nam kêu gọi ông về nước. .Tuy nhiên, theo ông Y Phic đó chỉ là chiến thuật:
“Lời vận động như vậy là chiến thuật quen thuộc của họ. Họ nói rằng về thì chính quyền sẽ lo hết nhưng mà thực ra sau khi về thì những cái quyền lợi đó cái đấy nó không có thực tế, nó không có đúng. Cũng có nhiều người về xong rồi là nó vẫn như cũ à, không bao giờ có thay đổi.”
Ông Siu Thoan cho biết ông không còn tin bất kỳ lời vận động, kêu gọi hay hứa hẹn nào từ phía nhà nước Việt Nam:
“Bởi vì tôi ở tù nhiều lần rồi, tôi biết Đảng Cộng sản Việt Nam là nói một đằng làm một nẻo. Họ không giữ lời họ nói đâu. Họ nói trên giấy tờ thôi chứ thực chất việc họ làm là khác. Riêng tôi hiện tại không tin bất cứ lời nào của Đảng cộng sản cả. Họ toàn nói dối không à.”
Ông Siu Thoan là một người đấu tranh chống cưỡng chế đất và quyền tự do tôn giáo từ năm 2001. Đến năm 2004, ông bị bắt và kết án ba năm tù vì tội “Phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc”. Đến năm 2008, ông bị bắt lần hai và chịu án 10 năm tù với cùng tội danh. Năm 2018, ông Siu Thoan bỏ trốn qua Thái Lan tị nạn và được Cao ủy nhân quyền LHQ tại Thái Lan cấp quy chế tị nạn.
Theo ông Y Phic, từ khi ông Y Quynh Bdap bị bắt ngay tại Thái Lan, nhiều người tị nạn bắt đầu lo sợ mình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nên đã đồng ý quay trở về Việt Nam. Những người khi đã quay trở về thì rất khó liên hệ được với họ:
“Người tị nạn sợ sẽ bị bắt cũng y chang giống như ông Y Quỳnh, nên là tôi đã biết chắc là họ cũng sẽ làm y chang như vậy để vận động những người nào mà họ thực sự mà họ sợ hãi thì có thể là họ đăng ký đi về.”
Ngoài việc kêu gọi người tị nạn về nước, theo lời những người tị nạn ở Thái Lan, nhà chức trách Việt Nam còn .cử người tìm tới xóm trọ của những người tị nạn để thuyết phục, hoặc đe dọa họ phải hồi hương, đồng thời truy tìm những người đang có lệnh truy nã liên quan đến vụ việc ở Đắk Lắk.