Hãng hàng không giá rẻ VietJet vừa thua kiện trong vụ tranh chấp thương mại với công ty cho thuê máy bay FitzWalter Aviation có trụ sở tại Anh, đối mặt với khoản bồi thường 180 triệu USD cũng như phải trả lại bốn máy bay, theo phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh hôm 31/7.
Vụ tranh chấp đã diễn ra trong một thời gian dài tại các tòa án ở London, Singapore và Hà Nội kể từ khi FitzWalter Aviation (FWA) đệ trình kiện việc VietJet ký thuê bốn máy bay Airbus nhưng nhiều lần trễ hạn thanh toán trong năm 2021.
Trả lời phỏng vấn của BBC ngày 6/8 về phán quyết mới nhất này, đại diện truyền thông của VietJet cho biết hãng khẳng định sẽ kháng cáo và tin tưởng vào hệ thống tòa án Anh quốc, đồng thời “chắc chắn rằng công lý sẽ chiến thắng và quyết định cuối cùng sẽ công bằng cho hãng hàng không trong phiên tòa dự kiến đưa ra vào năm 2025”.
Phán quyết mới nhất
Sau phiên tòa kéo dài hai tuần hồi tháng 6/2024, Thẩm phán Simon Picken của Tòa Thượng thẩm Anh hôm 31/7 đã ra quyết định bên cho thuê FWA thắng kiện, nói rằng các khoản nợ không thanh toán của VietJet là “có giá trị lớn và lâu dài, và rằng VietJet đã có thể hoàn thành các nghĩa vụ của mình nhưng đã chọn không thực hiện dù biết điều gì sẽ xảy ra nếu không trả”.
Thẩm phán Picken nói rằng VietJet “đã dàn xếp và thực hiện một chiến dịch ở Việt Nam để can thiệp vào” các nỗ lực thu hồi máy bay của FWA trong nhiều năm.
Phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh ghi nỗ lực cản trở thu hồi máy bay của VietJet, hãng hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, được thể hiện rõ ràng trong lá thư gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 10/10/2023, khi hãng hàng không giá rẻ “vận động” cơ quan chính phủ cản trở việc đưa máy bay ra khỏi Việt Nam.
Ngoài ra, Thẩm phán Picken cũng chỉ rõ thời điểm “bất thường” mà công ty Silva Star, một cổ đông thiểu số của VietJet do Tổng Giám đốc VietJet Đinh Việt Phương làm giám đốc, đã tìm cách đề nghị nhà chức trách ngăn cản việc đưa máy bay rời khỏi Việt Nam.
Theo ông Picken, Silva Star đã cung cấp các tài liệu mà “một cổ đông thiểu số của VietJet lẽ ra không được sở hữu, bao gồm cả các tài liệu bí mật/không công khai liên quan đến các máy bay”.
Sau khi vấn đề liên kết với VietJet bị chỉ ra, Silva Star đã không tham gia tố tụng nữa mà thay bằng hai hãng khác là Công ty Bất động sản Universe Land Việt Nam và Mango Trading.
VietJet phản hồi với BBC rằng các luật sư của hãng nhận thấy một số hiểu lầm trong phản ánh ban đầu của tòa án về các sự kiện và tình tiết quan trọng của vụ việc.
VietJet cho biết không đồng ý với kết luận rằng bên cho thuê “đột ngột chấm dứt không hợp lệ những hợp đồng vay, thuê mua dài hạn, ổn định của hãng, đúng vào lúc đại dịch lên tới đỉnh điểm”, viện dẫn hãng đã thực hiện các chuyến bay đưa người ra khỏi tâm dịch và hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị y tế.
Thông cáo viết:
“Vào thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch với số người chết tại TP HCM lên tới 16.000 người, lấy cớ từ một khoản tiền thuê-mua chưa tới 7,4 triệu USD, là một kỳ thanh toán cho 4 tàu bay mà hãng đã đạt được thỏa thuận giãn thanh toán, các ngân hàng đã đột ngột chấm dứt không hợp lệ hợp đồng thuê-mua ổn định, dài hạn đang có với hãng hàng không và bán các khoản vay cho FWA.”
“Các ngân hàng có dấu hiệu không ngay tình trong thủ tục bán nợ, thông đồng với bên mua nợ cũng là các cựu quan chức ngân hàng. Các ngân hàng đã bán nợ cho FWA – nhà cho vay/nhà đầu tư tài chính không đủ tiêu chuẩn và xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay không qua đấu giá minh bạch, ảnh hưởng quyền lợi của bên đi vay.”
Hãng hàng không giá rẻ này tiếp tục “phản đối mọi cáo buộc của FWA”, “bao gồm những cáo buộc cản trở quyền sở hữu hay xuất khẩu tàu bay”.
“Hãng có khả năng tài chính, nhiều lần đề nghị tiếp tục trả tiền thuê hoặc mua lại máy bay, nhất là phục vụ cho nhu cầu của hành khách trong và sau đại dịch Covid 19, nhưng FWA không hợp tác,” thông cáo của VietJet gửi cho BBC viết.
Sau phán quyết hôm 31/7 của tòa về vụ án “khó khăn và phức tạp”, tờ The Australian Financial Review mô tả ông Ben Brazil, đồng sáng lập FWA, đã xuất hiện trong tư thế của người chiến thắng khi bước ra khỏi tòa án.
Báo này cũng dẫn lời ông Jonty Nel, giám đốc điều hành FWA, cho biết phán quyết mới nhất đã minh oan cho hãng:
“Với việc chiếc máy bay đầu tiên trong số 4 chiếc đã rời khỏi Việt Nam, sau khi được các cơ quan hữu quan của chính phủ Việt Nam cho phép, quyết định này của tòa án cho thấy hành động của VietJet kể từ khi chấm dứt hợp đồng thuê đã đi ngược lại với hệ thống quốc tế có hiệu lực, hợp pháp và phù hợp về việc sở hữu, cho thuê và vận hành máy bay.”
VietJet không trả lời câu hỏi của BBC về tình trạng khai thác và vị trí của bốn chiếc máy bay Airbus trong vụ tranh chấp.
Liên quan đến việc tiếp tục sử dụng máy bay trong năm 2022, đại diện VietJet cho biết hãng đã thực hiện những chuyến bay để đáp ứng nhu cầu đi lại cấp bách của người dân sau đỉnh điểm đại dịch COVID-19.
“Hãng khẳng định việc để 4 máy bay không hoạt động là lãng phí nguồn lực xã hội, trong khi hãng đã bảo dưỡng và duy trì tình trạng tốt của máy bay bằng chi phí riêng.”
Tình tiết của vụ kiện
Đơn khởi kiện của FWA được nộp vào ngày 26/8/2022, theo hồ sơ tòa án, và VietJet đã nộp giải trình vào ngày 7/12/2022.
Trong đơn giải trình, VietJet cho rằng việc các bên cho thuê bán tàu bay cho công ty mới và chấm dứt hợp đồng thuê dài hạn, ổn định đang có là không hợp lệ.
Vào thời điểm đó, VietJet cho rằng việc chậm thanh toán tiền thuê là bình thường, do ảnh hưởng của đại dịch và của việc áp dụng phong tỏa của các quốc gia, dẫn đến việc hãng phải tạm ngưng hoạt động.
FWA sau đó đã thu hồi bốn máy bay Airbus A321 và thay đổi đăng ký của bốn chiếc này từ Việt Nam sang Guernsey, một hòn đảo nằm ngoài khơi vùng biển giữa Pháp và Anh.
VietJet từ chối công nhận tính hợp lệ của các thông báo chấm dứt cho thuê, đồng thời giữ quyền sở hữu các máy bay và tiếp tục khai thác trong năm 2022.
Tới tháng 2/2024, trong một phiên tranh tụng trực tuyến, FWA cáo buộc VietJet tìm cách cản trở quá trình thu nợ, thu hồi máy bay bằng cách can thiệp nhằm ngăn chặn việc đưa một trong số bốn chiếc tàu bay chở khách ra khỏi Việt Nam.
VietJet đã phản hồi trong một văn bản gửi BBC qua email vào tháng 2/2024, gọi FWA là “‘một quỹ kền kền” và rằng FWA “không thể thực hiện các quy định xuất khẩu tại Việt Nam và không tuân thủ luật pháp, dẫn đến gây ra các lỗi rất cơ bản”.
FWA là công ty cho thuê máy bay, thuộc tập đoàn đầu tư FitzWalter Capital, đồng sáng lập bởi Ben Brazil, cựu quân sư của Tập đoàn đầu tư Macquarie của Úc, và được hỗ trợ bởi các quỹ hưu trí của Anh và Úc có trụ sở tại London, Anh.
VietJet khẳng định “FWA muốn đổ lỗi cho VietJet là hoàn toàn sai trái.”
Tuy nhiên, phía VietJet không cung cấp được bằng chứng để hỗ trợ cho các luận điểm mà họ đưa ra trong thư phản hồi khi BBC liên hệ đặt thêm câu hỏi cho luật sư của hãng này, đồng thời đề nghị cung cấp bằng chứng.
‘Phép thử’
Hãng tin Reuters khi đó đã nhận định vụ việc được coi là phép thử về quyền của bên cho thuê ở Việt Nam, quốc gia có hàng trăm máy bay Airbus và Boeing được thuê, cũng như cũng như về các quy định cho thuê quốc tế theo quy tắc được gọi là Công ước Cape Town.
Hãng tin Bloomberg vào tháng 6/2023 nhận định vụ việc có thể gây rủi ro cho một quốc gia đang cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế rằng đây là một nơi tốt để kinh doanh.
VietJet đã gặp khó khăn trong đại dịch Covid 19 nhưng đã hồi phục và hiện có vốn hóa thị trường hơn 3,5 tỷ USD trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.
Hãng hàng không này cho biết “tranh chấp thương mại là thông thường trong hoạt động của doanh nghiệp và không ảnh hưởng tới hoạt động của hãng”, nhấn mạnh rằng công ty đã “đạt kết quả kinh doanh xuất sắc sau đại dịch, tiếp tục đóng góp cho cộng đồng”.
Bà Thảo, 54 tuổi, là một trong sáu tỷ phú người Việt có tên trong Danh sách Tỷ phú Thế giới 2024 của Forbes.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VietJet xếp ở vị trí 1.187 với khối tài sản 2,8 tỷ USD.
Bloomberg nhận định, giống như nhiều triệu phú và tỷ phú khác, bà Thảo luôn tìm cách sử dụng của cải để mua uy tín trên trường quốc tế.
Tháng 10/2021, bà cam kết tặng 155 triệu bảng Anh (198 triệu USD) cho trường Linacre College thuộc Đại học Oxford. Đổi lại, trường Linacre nói họ sẽ đổi tên trường thành Thao College, lấy theo tên của chủ tịch tập đoàn Nguyễn Thị Phương Thảo.
Trường Linacre đã được chính phủ Anh cho phép nhận khoản tài trợ 155 triệu bảng Anh sau khi chính phủ kết thúc việc xem xét.
Tuy nhiên, sau những ồn ã ban đầu, khoản tài trợ 50 triệu bảng đầu tiên vẫn chưa được chuyển dù đã quá hạn.
“Lý do, nhiều khả năng là bởi có một số phản ứng từ Việt Nam, những người nói rằng số tiền đó đi ra khỏi Việt Nam, một nước nghèo, để tới một nước phương Tây giàu có,” báo Telegraph cuối năm 2022 dẫn lời một nguồn tin đánh giá.
Vào tháng 9/2023, có thông tin là Linacre College đã từ bỏ kế hoạch đổi tên này.