Tim Walz và Trung Quốc: diều hâu hay bồ câu?

Ông Tim Walz từng có cuộc gặp với Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2016
Chụp lại hình ảnh,Ông Tim Walz từng có cuộc gặp với Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2016

Chỉ vài giờ sau khi ông Tim Walz được chọn làm phó tướng của bà Kamala Harris, Đảng Cộng hòa bắt đầu ồ ạt cáo buộc ông Walz thân Trung Quốc.

“Trung Quốc Cộng sản hẳn rất hài lòng,” ông Richard Grenell, cựu đại sứ Mỹ tại Đức dưới thời Donald Trump, viết trên Twitter/X.

“Không ai thân Trung Quốc hơn ông Walz Mác-xít.”

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton nói rằng ông Walz cần có một lời giải thích “về mối quan hệ bất thường kéo dài 35 năm với Trung Quốc Cộng sản.”

MAGA War Room, một tài khoản ủng hộ ông Trump và có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội X, đã xới lại một video từ năm 2016 quay cảnh ông Walz nói với trang tin chính sách nông nghiệp Agri-Pulse rằng Mỹ và Trung Quốc không cần phải có “mối quan hệ đối đầu”.

Trong khi đó, hồ sơ cho thấy điều gì?

Đảng Cộng hòa có thể đang muốn dùng mối quan hệ giữa ông Walz và Trung Quốc để tấn công ông, nhưng đấy có lẽ không phải là lựa chọn đúng.

Hồ sơ của ông Walz

Mối quan hệ của cá nhân ông Walz với Trung Quốc đúng là đã kéo dài hàng thập kỷ.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1989 khi ông Walz vừa tốt nghiệp đại học và tham gia chương trình dạy học tình nguyện của Đại học Harvard môn lịch sử Mỹ và tiếng Anh tại Trường trung học Số 1 Phật sơn ở miền nam Trung Quốc.

Sau đó, ông cùng vợ là bà Gwen thành lập một doanh nghiệp tổ chức các chuyến trải nghiệm du lịch giáo dục hè thường niên tới Trung Quốc.

Dự án này kéo dài hơn một thập kỷ. Theo ước tính của ông Walz, ông đã tới Trung Quốc khoảng 30 lần.

Tuy nhiên, ông Walz lại có quan điểm khá diều hâu với chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền.

Với tư cách dân biểu liên bang, ông Walz đã gặp Đạt Lai Lạt Ma và nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) của Hong Kong trước khi Wong bị giam giữ.

Cả hai người này đều bị liệt vào nhóm đầu trong danh sách kẻ thù của nhà nước Trung Quốc.

Trung Quốc cũng không thích thú với những gì ông Walz đã làm trong tư cách dân biểu.

Ông Walz làm việc hơn một thập kỷ trong Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc – cơ quan tập trung vào việc giám sát các vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc.

Năm 2016, cùng năm với cuộc gặp Đạt Lai Lạt Ma, ông Walz đã mời lãnh đạo Tây Tạng lưu vong lúc bấy giờ là Lobsang Sangay tới văn phòng Quốc hội của mình ở Mỹ để gặp một nhóm học sinh trung học bang Minnesota.

Hong Kong

Một người biểu tình ủng hộ dân chủ bị bắt trong cuộc biểu tình ở Hong Kong vào năm 2019
Chụp lại hình ảnh,Một người biểu tình ủng hộ dân chủ bị bắt trong cuộc biểu tình ở Hong Kong vào năm 2019

Ông Walz thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong (HKHRDA) – đạo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc và Hong Kong đã vi phạm nhân quyền trong các cuộc biểu tình dân chủ ở thành phố này.

Jeffrey Ngo, một nhà hoạt động dân chủ hiện đang sống tại Mỹ, đã ca ngợi nỗ lực của ông Walz trong việc thúc đẩy Mỹ thông qua đạo luật này vào năm 2019.

“Chúng tôi đã gõ cửa khắp nơi khi đạo luật HKHRDA mất đà,” ông Ngo viết trên tài khoản X sau khi ông Walz trở thành lựa chọn phó tổng thống của bà Harris.

“Ông Walz là người duy nhất trả lời”.

Ông Ngo cũng ca ngợi ông Walz là “dân biểu Dân chủ duy nhất sẵn lòng tiếp tục bảo trợ cho dự luật này.”

Người bảo trợ còn lại là Dân biểu Cộng hòa Chris Smith.

Phản ứng của Trung Quốc

Việc ông Walz trở thành ứng viên phó tổng thống được mạng xã hội Trung Quốc chú ý.

Ông Walz từng nói rằng quyết định dạy học ở Trung Quốc là “một trong những điều tuyệt vời nhất” ông từng làm.

Một số người tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ Mỹ-Trung nếu ông Walz đắc cử.

Một người dùng Weibo cho rằng “lý lịch đặc biệt của Walz khiến ông ấy có cái nhìn thực tế về Trung Quốc”, và ông ấy có thể sẽ “thúc đẩy giao lưu văn hóa khi quan hệ [giữa hai nước] cực kỳ khó khăn”.

Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng đây có lẽ là một kỳ vọng quá xa vời.

Nhiều người nhận ra thời điểm ông Walz dạy ở Trung Quốc, năm 1989, chính là lúc vụ thảm sát ở Thiên An Môn diễn ra.

Người Trung Quốc không dám nói cụ thể về sự kiện này vì lo ngại bị kiểm duyệt. Họ nhắc tới nó một cách mơ hồ.

Một bình luận viết “nếu bạn biết, bạn sẽ biết”.

Những người ngoại quốc có mặt ở Trung Quốc vào thời đó là những người “bài Trung Quốc nhất”, một người khác bình luận.

Vụ thảm sát ở Thiên An Môn có ảnh hưởng sâu sắc tới ông Walz
Chụp lại hình ảnh,Vụ thảm sát ở Thiên An Môn có ảnh hưởng sâu sắc tới ông Walz

Quả thật, ông Walz thường công khai bày tỏ nỗi kinh hoàng của mình về cuộc đàn áp biểu tình ở Thiên An Môn.

Năm 2009, ông Walz đồng đại diện cho một nghị quyết của Quốc hội Mỹ đánh dấu 20 năm sự kiện Thiên An Môn.

Bà Gwen cho biết sự kiện đó có ảnh hưởng rất sâu sắc tới ông Walz, tới mức ông chọn ngày 4/6 – ngày Bắc Kinh đưa quân đội vào Thiên An Môn – làm ngày tổ chức đám cưới của hai người năm 1994 – 5 năm sau sự kiện Thiên An Môn.

Bà nói rằng “ông ấy muốn đó là ngày ông không bao giờ quên”.

Thời đại khác

Hơn 20 năm sau sự kiện tại Thiên An Môn, chính sách ngoại giao của Mỹ được xây dựng trên sự đồng thuận lưỡng đảng sâu sắc rằng việc có một mối quan hệ thương mại và giao thiệp với Trung Quốc về tổng thể là tốt.

Thế nên không có gì lạ khi ông Walz bày tỏ quan điểm hợp với sự thống nhất này.

Trong khi đó, những bộ com lê và cà vạt từ thương hiệu của chính ông Donald Trump lại được sản xuất tại Trung Quốc. Ông và cô con gái Ivanka đã đăng ký hàng chục nhãn hiệu tại Trung Quốc.

Hồ sơ của ông Walz cho thấy ông có góc nhìn phức tạp hơn, hoàn toàn không phải là thân Trung Quốc.

Ông từng nói về sự cần thiết của việc đối thoại và hợp tác trong các vấn đề như thương mại và biến đổi khí hậu, nhưng vẫn giữ lập trường chỉ trích mạnh mẽ khi đề cập tới nhân quyền.

Quan điểm này của ông đã có từ những ngày đầu tiên.

Sau một năm ở Trung Quốc, ông Walz trở về Nebraska và đã nói với một tờ báo địa phương rằng những thành tựu mà người Trung Quốc có thể đạt được là “không giới hạn”.

“Chỉ cần họ được lãnh đạo đúng đắn,” ông thêm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment