Trung Quốc sắp khai thác mỏ khí đốt ‘siêu cạn ở vùng nước siêu sâu’ trên Biển Đông

Mỏ Lăng Thủy 17-2 trên Biển Đông
Chụp lại hình ảnh,Giàn khoan Biển sâu số 1 của Trung Quốc tại mỏ Lăng Thủy 17-2 trên Biển Đông

Lăng Thủy 36-1 là một mỏ khí đốt lớn và siêu cạn ở vùng biển siêu sâu ước tính có trữ lượng 100 tỷ mét khối, theo Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC).

CNOCC, một trong ba tập đoàn khai thác dầu khí lớn nhất của Trung Quốc, vào ngày thứ Tư 8/8 nói các cơ quan chính phủ đã phê duyệt phần dữ liệu.

Lăng Thủy 36-1 là mỏ khí đốt nằm ở vùng biển phía đông nam Hải Nam, tỉnh cực nam của Trung Quốc.

CNOOC ước tính trữ lượng khí đốt có sẵn ở các bồn trũng Oanh Ca Hải, Quỳnh Đông Nam, Châu Giang Khẩu ở Biển Đông là hơn 1.000 tỷ mét khối.

“Mỏ Lăng Thủy 36-1 nằm ở phía tây Biển Đông, với độ sâu trung bình khoảng 1.500 mét,” CNOOC thông báo hồi tháng Sáu.

Thông cáo của CNOOC dẫn lời ông Chu Tâm Hoài, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn, cho biết, “Biển Đông là một khu vực chính cho tập đoàn để tăng cường trữ lượng và sản xuất khí đốt tự nhiên. Việc khai thác thử nghiệm thành công mỏ Lăng Thủy 36-1 càng củng cố nền tảng để hướng đến phát triển một khu vực khai thác với trữ lượng hàng ngàn tỷ mét khối khí đốt ở Biển Đông và tăng cường nguồn cung năng lượng cho chúng ta.”

Bản đồ về mỏ Lăng Thủy
Chụp lại hình ảnh,Nhà nghiên cứu độc lập Song Phan đã phác thảo địa điểm của mỏ Lăng Thủy 36-1 dựa theo bản đồ của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) và Google Earth

Chưa có thông tin cụ thể về mỏ Lăng Thủy 36-1 chính xác nằm tại đâu.

Nhận xét sơ lược về mỏ Lăng Thủy 36-1, nhà nghiên cứu độc lập Song Phan từ Úc đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào ngày thứ Sáu 9/8:

“Mặc dù Trung Quốc không tiết lộ vị trí cụ thể của lô này nhưng theo cách gọi tên thông thường và cái tên Lăng Thủy thì có nhiều khả năng mỏ khí này nằm trong lô 36 (theo bản đồ của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI).”

“Nếu đúng vậy thì Lăng Thủy 36-1, như thấy ở bản đồ, có phần nằm trong vòng 200 hải lý của Hoàng Sa. Nhưng dựa theo phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thì khó có khả năng Hoàng Sa có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Hiện nay, Trung Quốc chưa nộp hồ sơ về ranh giới thềm lục địa mở rộng (ECS) khu này nhưng với thế nước lớn của họ, có lẽ khó có nước nào trong ASEAN lên tiếng tranh chấp.”

Hiện vẫn chưa rõ việc Trung Quốc khai thác mỏ Lăng Thủy sẽ gây nên những tác động gì về mặt môi trường cùng địa chính trị trên Biển Đông hay không.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông bằng “đường 9 đoạn”, xâm phạm đến vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia ven bờ bao gồm Việt Nam.

Bên cạnh Philippines thì Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng có các tuyên bố chủ quyền liên quan đến Biển Đông, tuyến đường vận chuyển hàng hóa trị giá 3.000 tỷ USD mỗi năm.

Giàn khoan Biển sâu số 1 (Shenhai-1)
Chụp lại hình ảnh,Giàn khoan Biển sâu số 1 (Thâm Hải, Shenhai-1) của Trung Quốc trên Biển Đông, ảnh chụp vào ngày 22/6/2023

Những năm qua, việc khai thác dầu khí của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây căng thẳng ngoại giao với các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam.

Trung Quốc cũng ra sức ngăn chặn các nước khác, như Malaysia và Việt Nam, khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông.

Lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển có tranh chấp với Việt Nam là vào ngày 1/5/2014, đặt tại địa điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chỉ cách đảo Lý Sơn chừng 120 hải lý. Sự kiện này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.

Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông hồi tháng 5/2014 đã dẫn tới đối đầu trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), lần cập nhật gần nhất vào cuối tháng 3/2024, thì Biển Đông có tiềm năng lớn về lượng hydrocarbon và có tầm quan trọng đáng kể về mặt chiến lược và chính trị.

EIA trích dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu năng lượng Rystad cho biết có khoảng 3,6 tỷ thùng dầu và các loại nhiên liệu khác và hơn 1.141 tỷ mét khối khí tự nhiên trong các vỉa chứa dầu khí đã được phát hiện hoặc có tiềm năng ở Biển Đông.

Một tàu cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981
Chụp lại hình ảnh,Tàu cảnh sát biển Việt Nam vào ngày 14/5/2014 gần khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981

Vào các năm 2017, 2018 và 2019, Trung Quốc đã quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển gần Bãi Tư Chính và được cho là đã đe dọa, buộc Việt Nam ngừng hoạt động thăm dò tại các lô của Repsol – công ty dầu khí Tây Ban Nha.

Giáo sư Carl Thayer nhận định với BBC vào năm 2023:

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phản ứng bằng cách ra lệnh cho PetroVietnam ngừng hoạt động và hủy bỏ hợp đồng với Repsol của Tây Ban Nha. Việt Nam đã phải bồi thường. Khi Trung Quốc yêu cầu Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ra lệnh cho Rosneft ngừng hoạt động, ông đã từ chối. Tuy nhiên, áp lực của Trung Quốc đủ để khiến Rosneft của Nga bán cổ phần cho Zarubezhneft và rời khỏi Việt Nam.”

Năm 2018, Repsol từng nhận được yêu cầu của PetrolVietnam về việc ngưng dự án Cá Rồng Đỏ tại lô 07/03, nơi Repsol có 52% cổ phần, do sức ép từ Trung Quốc.

Hồi tháng 9/2019, Trung Quốc nói Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.

Về mặt địa lý, Bãi Tư Chính có vị trí cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển Đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý.

Đây là nơi Việt Nam đã có các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí với các đối tác nước ngoài từ nhiều năm.

Năm 2020, tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã ký thỏa thuận với PetroVietnam để chuyển nhượng cổ phần tại ba lô thăm dò dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam – vốn không hoạt động được từ ba năm nay do sức ép từ Trung Quốc, trong đó có dự án Cá Rồng Đỏ.

Tháng 5/2023, tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7/5, gần các lô dầu khí mà Việt Nam cùng Nga khai thác.

Trong một báo cáo đầu tháng 3/2023 về sự phát triển của các dự án Nam Côn Sơn của Việt Nam, Kasawari của Malaysia và Tuna của Indonesia, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, trực thuộc CSIS ở Washington DC, đã cảnh báo rằng hoạt động phát triển dầu khí có thể nổi lên như một điểm nóng ở Biển Đông.

Bài Liên Quan

Leave a Comment