- Tác giả,Deborah Nicholls-Lee
- Vai trò,BBC News
- 11 tháng 8 2024
Vào ngày 2/8/1939, Albert Einstein đã viết thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt. Lá thư của ông đã dẫn đến Dự án Manhattan và một trong những phát minh quan trọng nhất – và mang tính hủy diệt nhất – trong lịch sử.
Câu chuyện đầy kịch tính về việc khai thác loại năng lượng nguyên tử chết người được kể trong bộ phim bom tấn năm 2023 – Oppenheimer – có thể chẳng là gì ngoài khoa học viễn tưởng nếu như một lá thư dài hai trang, đề ngày 2/8/1939, chưa bao giờ được viết.
“Những nghiên cứu gần đây về vật lý hạt nhân cho thấy urani có thể được biến thành một nguồn năng lượng mới và quan trọng,” một lá thư đánh máy gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D Roosevelt, do nhà vật lý khả kính Albert Einstein ký tay, có đoạn. Ông viết tiếp, rằng năng lượng này có thể được sử dụng “để chế tạo những quả bom cực mạnh”.
Bày tỏ sự nghi ngờ về quyết định của Đức trong việc ngừng bán urani ở đất nước Tiệp Khắc bị chiếm đóng, lá thư này chính là động lực cho một chương trình nghiên cứu tuyệt mật trị giá hai tỷ đô la, “Dự án Manhattan”: một cuộc đua để đánh bại Đức trong việc phát triển vũ khí nguyên tử.
Dự án kéo dài ba năm do nhà vật lý Robert Oppenheimer đứng đầu sẽ đưa Hoa Kỳ vào kỷ nguyên hạt nhân và dẫn đến một trong những phát minh quan trọng nhất – và mang tính hủy diệt nhất – trong lịch sử: bom nguyên tử.
Vào ngày 10/9/2024, bức thư với câu chữ cẩn trọng của Einstein sẽ được đấu giá tại Christie’s New York và dự kiến sẽ thu về hơn bốn triệu USD.
Hai phiên bản của bức thư đã được soạn thảo: một phiên bản ngắn hơn, được Christie’s đấu giá và một phiên bản chi tiết hơn, được chuyển đến Nhà Trắng bằng tay và hiện đang nằm trong bộ sưu tập cố định của Thư viện Franklin D Roosevelt ở New York.
“Theo nhiều cách, bức thư này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử khoa học, công nghệ và nhân loại,” Peter Klarnet, chuyên gia cao cấp về hiện vật văn hóa-lịch sử Mỹ (Americana), sách và bản thảo tại Christie’s, nói với BBC.
“Đây thực sự là lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ tham gia trực tiếp về mặt tài chính vào các nghiên cứu khoa học lớn. Bức thư là chất xúc tác để Hoa Kỳ tận dụng tối đa các chuyển biến công nghệ đang diễn ra.”
Tiến sĩ Bryn Willcock, giám đốc chương trình của Khoa Chính trị, Triết học và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Swansea, đồng thời là giảng viên và nhà nghiên cứu về Lịch sử Hoa Kỳ và Hạt nhân, thừa nhận: “Hầu hết các tài liệu lịch sử về nguồn gốc của quả bom nguyên tử đều bắt đầu bằng một cuộc thảo luận về bức thư này,” ông nói với BBC.
“Nội dung của lá thư là chìa khóa để thúc đẩy Tổng thống Roosevelt hành động,” ông nói, nhấn mạnh rằng “Quỹ Di sản Nguyên tử thậm chí còn mô tả lá thư… là ‘trọng yếu’ trong việc thúc đẩy Roosevelt tiến hành nghiên cứu nguyên tử”.
Bộ phim đoạt nhiều giải thưởng Oscar, Oppenheimer, dựa trên câu chuyện về Dự án Manhattan và có nhắc đến lá thư trong một cảnh giữa Oppenheimer và nhà vật lý Ernest Lawrence, dự kiến sẽ thúc đẩy thêm sự quan tâm đến cuộc đấu giá.
“[Lá thư] này là thứ đã trở thành một phần của nền văn hóa đại chúng từ năm 1945 trở đi, vì vậy nó đã có một vị trí vững chắc, nhưng tôi nghĩ bộ phim Oppenheimer đã đưa nó đến với một thế hệ mới,” Klarnet nói.
Klarnet mô tả Einstein là “một nhân vật huyền thoại” trong văn hóa đại chúng.
Ông chắc chắn có đặc điểm đó trong bộ phim Oppenheimer, lẩn khuất ở rìa của bộ phim như một vai phụ bất ngờ mà chúng ta háo hức chờ đợi.
Danh tính của ông trong phim chỉ được tiết lộ khi chiếc mũ của ông rớt, để lộ ra mái tóc trắng nổi tiếng.
Mặc dù phương trình E = mc2 của Einstein giải thích năng lượng được giải phóng trong phản ứng hạt nhân và mở đường cho ứng dụng đen tối của nó, nhưng vai trò của ông trong việc chế tạo bom nguyên tử có lẽ đã bị cường điệu hóa trong bộ phim.
Cuộc đối thoại cảm động giữa Oppenheimer và Einstein trong cảnh kết thúc phim (Oppenheimer: “Khi tôi đến gặp anh với những tính toán như vậy, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể bắt đầu một phản ứng dây chuyền sẽ hủy diệt toàn bộ thế giới…”) là “vớ vẩn”, Klarnet nói.
Einstein, người có quan điểm thiên tả và nguồn gốc là người Đức khiến ông luôn bị nghi ngờ, “không có đủ thẩm quyền để làm việc đó”, ông nói. Trên thực tế, nhân vật công khai theo chủ nghĩa hòa bình này đã tách mình khỏi dự án và luôn khẳng định rằng vai trò của ông trong việc giải phóng năng lượng nguyên tử là “hoàn toàn gián tiếp”.
Nếu có một người khởi xướng thì đó chính là Leo Szilard, một cựu học trò của Einstein. Bức thư, với ghi chú bằng bút chì của Szilard “Bản gốc chưa được gửi!”, vẫn nằm trong tay Szilard cho đến khi ông qua đời vào năm 1964.
Cả Einstein sinh ra ở Đức và Szilard sinh ra ở Hungary đều là người Do Thái chạy sang Hoa Kỳ sau sự trỗi dậy của chủ nghĩa Quốc xã và hiểu rõ hơn bất kỳ ai về mối đe dọa mà nước Đức gây ra.
Bức thư là ý tưởng của Szilard nhưng ông đã kiên trì theo đuổi Einstein để Einstein viết và ký.
Einstein có sức ảnh hưởng đáng kể, và khi giành giải Nobel năm 1921, ông đã trở thành “hiện thân của khoa học hiện đại”, Klarnet nói.
Ông ấy có sức ảnh hưởng mà không ai khác có được. Đã từng có những người dường như đã cố gắng cảnh báo Roosevelt về những tiến bộ trong nghiên cứu hạt nhân ở các quốc gia khác, đặc biệt là Đức, trước khi tổng thống được khuyến khích về việc nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử.
Nhưng đột nhiên, có người bước vào cửa với một lá thư từ Albert Einstein nói rằng ông nên tiến hành – điều này thực sự có sức ảnh hưởng.
Vào ngày 16/7/1945, những khán giả đã trải qua kiểm tra an ninh đã thấy qua kính bảo hộ một nguyên mẫu của quả bom được kích nổ thành công trong một sa mạc ở New Mexico.
Kết quả này được đón nhận với cả niềm hân hoan và lo sợ.
Vào ngày này, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S Truman đã viết trong nhật ký của mình: “Chúng ta đã phát minh ra quả bom khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới.”
Đức, không phải Nhật Bản, đã đầu hàng.
Người ta cho rằng việc tấn công các cảng Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản bằng một sức mạnh khủng khiếp chưa từng có sẽ đẩy nhanh việc kết thúc chiến tranh.
Szilard đã đưa ra một bản kiến nghị một ngày sau các cuộc thử bom, khuyến nghị rằng Nhật Bản nên được mời đầu hàng trước khi các hành động quyết liệt như vậy được thực hiện.
Tuy nhiên, bản kiến nghị đã không đến được tay nhà chức trách kịp thời.
Vào ngày 6/8, một quả bom có mật danh “Cậu bé” được thả xuống Hiroshima.
“Ông Béo” được kích nổ ở Nagasaki vào ngày 9/8.
Ước tính có khoảng 200.000 người đã thiệt mạng hoặc bị thương.
Nhiều người khác tử vong nhiều năm sau đó do tác dụng của phóng xạ.
Cho đến nay, đây là những lần duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng trực tiếp trong xung đột.
Liệu Dự án Manhattan có từng tồn tại nếu không có lá thư của Einstein hay không – thật khó để kết luận.
Willcock lưu ý rằng Anh đã “cố gắng hết sức để thúc đẩy Hoa Kỳ hỗ trợ các nghiên cứu lớn hơn” và mô tả Báo cáo MAUD do Anh đứng đầu (1941), một nghiên cứu về tính khả thi của vũ khí hạt nhân, là “rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu của Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, lá thư của Einstein chỉ có thể đẩy nhanh quá trình này.
Nếu không có nó, có thể đã có sự chậm trễ mà theo Willcock, “có nghĩa là quả bom sẽ không sẵn sàng để được sử dụng vào mùa hè năm 1945”.
Về phần mình, Einstein vô cùng hối tiếc về bạo lực và hỗn loạn mà bức thư năm 1939 của ông đã gây ra.
Năm 1946, ông đồng sáng lập Ủy ban Khẩn cấp của các Nhà khoa học Nguyên tử để phổ biến thông tin về những nguy cơ của chiến tranh hạt nhân và đề xuất một con đường dẫn đến hòa bình thế giới.
Trong một bài báo trên Tạp chí Newsweek năm 1947 có nhan đề do Einstein đặt, Người khởi xướng tất cả, ông tuyên bố: “Nếu tôi biết rằng người Đức sẽ không thành công trong việc phát triển bom nguyên tử, tôi đã không làm gì với việc phát triển loại bom đó.”
Ngày nay, mặc dù có bí quyết công nghệ, Đức vẫn không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Einstein dành phần đời còn lại của mình để vận động giải trừ vũ khí hạt nhân.
Phát biểu với nhà hóa học đoạt giải Nobel Linus Pauling năm 1954, ông mô tả bức thư gửi Roosevelt là “một sai lầm lớn trong cuộc đời tôi”.
Quả bom nguyên tử đã thay đổi hoàn toàn cục diện chiến tranh và gây ra cuộc chạy đua vũ trang Đông-Tây – cuộc chạy đua này tiếp tục định hình quan hệ quốc tế.
Với chín quốc gia hiện đang sở hữu vũ khí hạt nhân, phần lớn nguy cơ mà chúng ta cảm thấy có thể bắt nguồn từ bức thư đó.
“Vấn đề này vẫn còn rất thời sự ngày nay. Đó là một cái bóng bao trùm lên nhân loại,” Klarnet nói.
“Bức thư này là lời nhắc nhở về nguồn gốc thế giới hiện đại của chúng ta và là lời nhắc nhở nghiêm khắc làm thế nào mà chúng ta lại ở vào tình thế này”.
Vào tháng 7/1955, cái tên đã ký vào bức thư quan trọng năm 1939 gửi cho Roosevelt đã nổi lên sau khi ông qua đời trong tiêu đề của Tuyên ngôn Russell-Einstein, một nghị quyết với lời lẽ đầy cảm xúc chống lại chiến tranh hạt nhân do triết gia Bertrand Russell khởi xướng và được Einstein ủng hộ chỉ một tuần trước khi ông qua đời.
“Chúng tôi, với tư cách là con người, kêu gọi con người,” một phần của bản tuyên ngôn viết. “Hãy nhớ đến nhân tính của mình và quên đi những thứ khác. Nếu bạn làm như vậy, sẽ mở ra con đường đến một thiên đường mới; nếu bạn không làm như vậy, thì trước mắt bạn sẽ là nguy cơ nhân loại toàn cầu bị diệt vong.”