Đằng sau mức tăng trưởng tốt lại là tin xấu cho tổng thống Putin

Bất chấp hàng loạt đợt trừng phạt của phương Tây từ tháng 03/2022 sau khi Matxcơva xâm chiếm Ukraina, tăng trưởng của Nga vẫn gây bất ngờ cho giới chuyên gia. Ngày 09/08/2024, cơ quan thống kê Rosstat thông báo GDP Nga tăng 4% trong quý II/2024 và được dự báo tăng 3,2% cho cả năm 2024. Tuy nhiên, đằng sau thành tích này không hẳn là tin vui cho tổng thống Vladimir Putin.

Đăng ngày: 13/08/2024

People buy fruits at a hypermarket in Moscow, Russia, on Nov. 3, 2023. The shelves at Moscow supermarkets are full of fruit and vegetables, cheese and meat. But many of the shoppers look at the select
People buy fruits at a hypermarket in Moscow, Russia, on Nov. 3, 2023. The shelves at Moscow supermarkets are full of fruit and vegetables, cheese and meat. But many of the shoppers look at the selection with dismay as inflation makes their wallets feel empty. AP

Thu Hằng

Nga đang cho thấy cả một hệ thống « vững như thép », theo trang Géo ngày 13/08. Bí mật của « sức mạnh » này nằm trong chính sách tài chính và tiền tệ không còn « thắt lưng buộc bụng » như từng được triển khai trong thập niên 2010. Trang The Economist giải thích số tiền cần cù tiết kiệm từ thời điểm đó đang được Matxcơva dốc hết ra để duy trì tăng trưởng trong khi doanh thu từ xuất khẩu chất đốt không còn dồi dào như trước.

Tổng chi tiêu của Nhà nước tăng trung bình khoảng 15% trong năm 2022 và 2023. Thâm hụt ngân sách được dự kiến chiếm 2% GDP trong năm 2024. Chính quyền phải hào phóng hỗ trợ sức mua trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh và phải tiếp tục « nuôi » chiến tranh ở Ukraina. Vào tháng 07, chính phủ đã tăng gấp đôi tiền thưởng cho những người đến Ukraina chiến đấu, cũng như bồi thường hậu hĩnh cho gia đình liệt sĩ. Cả một nền kinh tế chiến tranh được triển khai để thúc đẩy tăng trưởng, với ngân sách dành cho an ninh và quốc phòng chiếm đến 8,7% GDP.

Chính phủ tạo điều kiện cho người dân mua bất động sản với lãi suất ưu đãi. Biện pháp này thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng và xây dựng nhưng đổi lại, chính phủ phải chi một khoản tiền khổng lồ hàng năm để bù phần chênh lệch lãi suất cho ngân hàng. Mặt khác, được khuyến khích mua nhà, người Nga nợ ngân hàng tới 374 tỉ euro tính đến tháng 05/2024, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Theo thẩm định của Meduza, khoảng 50 triệu người Nga (chiếm 40% người trưởng thành) phải gánh nợ và khoảng 8,6% người Nga có ít nhất 5 khoản vay.

Tuy nhiên, sức tăng trưởng này lại kéo theo tình trạng lạm phát tăng mạnh, tăng 9,13% trong tháng 07, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 4% và như vậy ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Cho dù chính phủ đặt « ưu tiên là kiềm chế lạm phát », theo người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov trong một cuộc họp báo cuối tháng 07 nhưng Ngân hàng Trung ương Nga (BCR) không lạc quan được như vậy. Ngay cuối tháng 07, BCR đã tăng lãi suất chỉ đạo từ 16% lên thành 18% và điều chỉnh mức lạm phát từ 6,5% đến 7% vào cuối năm.

Theo trang La Dépêche ngày 09/08, quyết định này không được các doanh nghiệp Nga hoan nghênh trong khi từ lâu, họ phải đối mặt với một khó khăn khác, đó là không thể chuyển khoản thanh toán ra nước ngoài. Cho dù nhiều nước không theo phương Tây ban hành trừng phạt Nga, nhưng theo giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, « những rủi ro trừng phạt thứ cấp đã thực sự gia tăng ». Điều này càng khiến các mặt hàng nhập khẩu tăng giá, dẫn đến lạm phát.

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp ở những nước « bạn hữu » của Nga, như Trung Quốc và Ấn Độ, đã giảm nhập khẩu đáng kể khối lượng chất đốt, cho dù năm 2023, cả hai nước châu Á này trở thành đối tác lớn nhất của Matxcơva. Ví dụ tổng trao đổi thương mại Nga-Trung năm 2023 đạt mức kỉ lục 240 tỉ đô la ; Matxcơva trở thành nhà cung cấp dầu lửa lớn nhất cho Bắc Kinh với 107,2 triệu m3. Nhưng hai đối tác châu Á này vẫn không thể bù cho thiệt hại doanh thu dầu khí từ các đối tác châu Âu.

Theo Business Insider và Bloomberg, trước sức ép trực tiếp và gián tiếp từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, ba công ty lọc dầu lớn của Ấn Độ là India Oil, Bharat Petroleum và Hindustan Petroleum đã đình chỉ nhiều thỏa thuận hoặc các cuộc đàm phán về cung cấp dầu khí lâu dài với tập đoàn Nga Rosneft. Liên quan đến Trung Quốc, khó khăn lại nằm trong các ngân hàng. Nhiều nhà xuất khẩu dầu khí Nga cho Bloomberg biết là trao đổi với Trung Quốc ngày càng khó khăn do các lệnh thanh toán bằng nhân dân tệ bị chặn hoặc bị hoãn vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ngân sách của Nga, vốn chủ yếu trông đợi từ nguồn xuất khẩu tài nguyên, đã bị cắt giảm vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Sức tăng trưởng hiện nay của Nga phụ thuộc vào nguồn tiền tiết kiệm được chính phủ tung ra để trấn an người dân. Tuy nhiên, theo The Economist, nếu tiếp tục đà chi tiêu này, nguồn dự trữ tài chính của Nga sẽ bị cạn kiệt trong khoảng 5 năm tới.

Bài Liên Quan

Leave a Comment