- Tác giả,Kateryna Khinkulova
- Vai trò,BBC World Service
Việc Ukraine xâm nhập lãnh thổ Nga không chỉ gây bất ngờ cho Moscow mà còn cho nhiều người trong nội bộ Ukraine và hầu hết những người quan sát cuộc chiến từ bên ngoài.
Tại sao Kyiv lại quyết định tiến hành cuộc tấn công táo bạo này khi quân đội của họ đã bị giãn ra ở nhiều nơi dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km?
Gần một tuần sau, quân đội Nga vẫn đang chật vật ngăn chặn cuộc xâm nhập. Lý do Ukraine tiến hành cuộc tấn công cũng đang dần hé lộ.
Dưới đây là năm câu hỏi chính về diễn biến mới này trong cuộc chiến ở Ukraine – điều có khả năng định hình sự tiến triển của cuộc chiến trong những tháng sắp tới.
Điều gì đã xảy ra ở Kursk?
Vào ngày 6/8, quân đội Ukraine đã thực hiện mộtcuộc đột kích bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga, giáp với Ukraine. Không có nhiều thông tin đáng tin cậy về quy mô của cuộc tấn công này.
Ban đầu, hoạt động này có vẻ như chỉ dừng ở mức độ tương tự các cuộc xâm nhập gián đoạn trước đó do các nhóm phá hoại Nga thực hiện – các nhóm chống lại chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin. Họ đã cố gắng đột nhập từ Ukraine vào Nga và dường như có sự tham gia của hàng trăm người thuộc các sắc dân thiểu số tại Nga.
Nhưng khi cuộc tấn công mới nhất này tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga – các blogger quân sự Nga cho biết giao tranh dữ dội đã xảy ra cách biên giới khoảng 30km và tỉnh trưởng Kursk nói với Tổng thống Putin rằng 28 ngôi làng của Nga đã bị Ukraine kiểm soát – thì rõ ràng quân đội Ukraine chính quy đã tham gia vào hoạt động này.
Dường như trong khi Nga tập trung sức mạnh quân sự vào một số điểm quan trọng của tiền tuyến chính, nơi mà giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt, Ukraine đã quyết định nhắm vào vùng biên giới được bảo vệ lỏng lẻo, qua đó tiến vào Nga.
Một quan chức an ninh cấp cao giấu tên của Ukraine nói với hãng tin AFP:
“Chúng tôi đang trong thế tấn công. Mục đích là kéo giãn các vị trí của kẻ thù, gây ra tổn thất tối đa và làm mất ổn định tình hình ở Nga bằng cách cho thấy rằng họ không thể bảo vệ biên giới chính mình.”
Tại sao Ukraine tấn công Nga ở Kursk?
Ban đầu, Kyiv im lặng về cuộc tấn công vàTổng thống Volodymyr Zelensky chỉ gián tiếp thừa nhận vào ngày 10/8. Ông tuyên bố rằng Ukraine tiếp tục “đẩy cuộc chiến đến lãnh thổ của kẻ xâm lược”.
Ông không đưa ra lý do hay mục tiêu rõ ràng nào đằng sau hoạt động này, nhưng vào ngày 12/8, ông tuyên bố rằng khoảng 1.000km vuông lãnh thổ Nga hiện nằm dưới sự kiểm soát của Kyiv.
Các nhà phân tích quân sự và chính trị cố gắng trả lời câu hỏi “tại sao” và hầu hết đồng ý rằng việc đánh lạc hướng có thể là một trong những mục đích chính của cuộc xâm nhập này.
Trong những tháng qua, Ukraine đã vật lộn để kiềm chế các lực lượng Nga ở miền đông Ukraine – những nhóm đã dần tiến lên, chiếm thị trấn chiến lược Chasiv Yar vào tháng trước. Ở phía đông bắc và phía nam, tình hình cũng khó khăn tương tự.
Mặc dù bị Nga áp đảo về quân số và hỏa lực ở nhiều điểm trên chiến tuyến dài 1.100km, chính quyền Ukraine đã quyết định đánh cược vào việc tạo ra một điểm nóng chiến đấu mới cách xa hàng trăm dặm, để buộc kẻ địch phải phân bổ lại lực lượng, qua giảm bớt một phần áp lực từ miền đông Ukraine sang vùng Kursk của Nga.
Giáo sư an ninh Mark Galeotti nói với BBC rằng Ukraine đã bị mắc kẹt trong một cuộc chiến gây hao tổn trong những tháng qua, với rất ít tiến triển trên thực địa và giờ đây họ cần phải chấp nhận rủi ro để giành lợi thế.
Một chỉ huy Ukraine khi trả lời The Economist cũng cho biết đây là một canh bạc:
“Chúng tôi đã cử các đơn vị sẵn sàng chiến đấu nhất của mình đến điểm yếu nhất trên biên giới của họ.”
Ông nói thêm rằng canh bạc không có hiệu quả nhanh như Kyiv mong đợi.
“Các chỉ huy của họ không phải là những kẻ ngốc… Họ đang di chuyển lực lượng, nhưng không nhanh như chúng tôi mong muốn. Họ biết chúng tôi không thể kéo dài hậu cần thêm 80 hay 100km,” ông nói.
Nga đang phản ứng ra sao?
Cơ quan tuyên giáo của Nga đã nhanh chóng gọi những nỗ lực đẩy lùi cuộc xâm nhập của Ukraine là “hoạt động chống khủng bố”.
Có tới 121.000 người được yêu cầu sơ tán khỏi vùng Kursk và 11.000 người khác rời khỏi khu vực Belgorod lân cận. Chính quyền Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang tại khu vực này với khoản bồi thường cho mỗi cư dân địa phương là 115 USD (gần 2,9 triệu đồng).
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, đã tuyên bố nhiều lần trong tuần trước rằng cuộc xâm nhập của Ukraine đã bị chặn đứng, trong khi bằng chứng trên thực tế lại cho thấy điều ngược lại.
Đáng chú ý là tướng Gerasimov đã không tham dự cuộc họp gần đây của Hội đồng An ninh Nga do Tổng thống Putin chủ trì, dành riêng cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Một trong những đồng minh thân cận của ông Putin, người đứng đầu cơ quan an ninh FSB của Nga, Alexander Bortnikov, đã có mặt.
Trong tuyên bố mới nhất về các sự kiện này, Tổng thống Putin đã cáo buộc Ukraine tấn công dân thường và nói sẽ có “đáp trả thích đáng”.
Giáo sư Galeotti cho rằng Ukraine đang đối mặt với nguy cơ trả đũa mạnh mẽ từ Nga.
“Putin có thể kêu gọi một đợt động viên khác và đưa thêm vài trăm ngàn binh sĩ vào lực lượng vũ trang của mình,” ông Galeotti nói.
Ông cho biết thêm rằng Nga có thể tìm ra những cách khác để leo thang xung đột. Trong những tháng gần đây, Ukraine đã phải đối mặt với một chiến dịch ném bom tàn khốc của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, khiến phần lớn bị phá hủy hoặc hư hại ít nhiều. Chiến dịch này có thể trở nên bạo liệt hơn nữa.
Ukraine đã đảo ngược cục diện?
Cuộc xâm nhập dễ dàng của Ukraine vào lãnh thổ Nga cần phải được xem xét kỹ – và điều này không hẳn là báo hiệu cho sự kết thúc chiến tranh trong thời gian tới.
Như Giáo sư Mark Galeotti nói, “đó là một khu vực có diện tích khoảng 50 dặm x 20 dặm (khoảng 80km x 32km), và xét theo quy mô của Nga và Ukraine, thì con số đó không đáng kể. Nhưng tác động chính trị quan trọng hơn nhiều”.
Một số nhà phân tích cho rằng Ukraine muốn chứng minh với các đồng minh phương Tây, đặc biệt là với Mỹ, rằng lực lượng của họ có thể tiếp tục chiến đấu.
Điều này cũng đã củng cố sức mạnh đàm phán của Kyiv, ít nhất là tạm thời vào lúc này: với quân đội của họ đã tiến sâu 30 km bên trong lãnh thổ Nga, dường như Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ đề nghị nào về việc đóng băng các tuyến chiến đấu ở nơi họ hiện đang đóng quân.
Chiến dịch của Ukraine cũng đã thay đổi câu chuyện về cuộc chiến này đối với những người dân Nga, rằng đây không còn là một cuộc xung đột xa xôi được dán nhãn là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nữa mà là một diễn biến ảnh hưởng trực tiếp đến họ ngay trong chính nước Nga.
Phóng viên Đông Âu của BBC Sara Rainsford nói:
“Khi đọc một số báo cáo từ Kursk, ngay cả trong môi trường báo chí bị kiểm soát chặt chẽ của Nga, có thể thấy người dân đang có thắc mắc.”
Cuộc xâm nhập này ảnh hưởng đến Zelensky và Putin ra sao?
Đối với cả nhà lãnh đạo Nga và Ukraine, đây là một thời điểm quyết định trong nhiệm kỳ tổng thống của họ.
Đối với Tổng thống Vladimir Putin, một nhà lãnh đạo độc đoán và thường cứng nhắc, người đã quen với việc dựa vào vòng tròn thân cận của mình và đặc biệt là các cơ quan an ninh, diễn biến này đặt ra một thách thức rất lớn.
Ngày càng khó để che giấu quy mô thương vong của quân đội Nga. Với hàng chục ngàn người Nga phải sơ tán, việc duy trì hình ảnh cho thấy rằng Điện Kremlin đang ở thế kiểm soát và đây không phải là một cuộc chiến toàn diện cũng trở nên khó khăn.
Giáo sư Mark Galeotti nhận định cứ mỗi lần sự kiện như vậy diễn ra, cỗ máy tuyên truyền của Điện Kremlin lại có thêm sạn.
“Chúng ta đã thấy điều này trong các cuộc chiến tranh trước đây, từ cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan đến các cuộc chiến của Nga ở Chechnya, rằng Điện Kremlin có thể duy trì một câu chuyện nhất quán. Nhưng sau một thời gian, những gì xảy ra trên thực tế đã có thể thâm nhập vào câu chuyện của họ,” vị giáo sư nói.
Đối với ông Volodymyr Zelensky, cuộc xâm nhập vào Nga cũng có thể dẫn tới rủi ro không kém, nhưng vì những lý do khác nhau.
Nhà phân tích Emil Kastehelmi cho biết kết quả tốt nhất cho Ukraine là Nga chuyển hướng “nguồn lực đáng kể từ những nơi quan trọng nhất để lấy lại từng cây số vuông [lãnh thổ Nga], bất chấp tổn thất”.
Mặc dù có tác dụng nâng cao tinh thần của người dân Ukraine trong ngắn hạn, nhưng điều này có thể dẫn đến tổn thất lãnh thổ lớn hơn ở phía đông, các khu vực tiền tuyến nơi giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt. Một số blogger quân sự Nga thì đang ca ngợi những bước tiến – mặc dù hiện chưa được xác nhận – tại các khu vực này.
Giáo sư Galeotti nói rằng thế bế tắc hiện tại trong cuộc chiến cần có sự thay đổi để mọi thứ chuyển động. Mặc dù sự thay đổi đang thực sự diễn ra, nhưng kết quả của nó vẫn chưa rõ ràng.