August 14, 2024
=== Thương Lê ===
Dưới cơn mưa tầm tã của Singapore, dòng người hối hả qua lại, một người phụ nữ Việt Nam liên tục đi qua đi lại giữa nhà chồng và nhà anh trai chồng, một tay cầm bỉm và bình sữa cho đứa con trai một tháng tuổi, tay còn lại liên tục bấm điện thoại cầu xin nhà chồng mở cửa. Không ai trả lời cô, người vừa đến bệnh viện để điều trị loét tử cung hậu sản.
Đó là hình ảnh những ngày Lily (không phải tên thật) bị chồng đuổi ra khỏi nhà và không cho gặp con hơn một năm về trước, vào tháng 2/2023.
“Tôi liên tục đi qua đi lại giữa hai căn nhà, cách nhau 7-8 trạm xe buýt từ sáng tới tối, gọi điện nhắn tin cầu xin họ cho vào nhà, nhưng họ không bắt máy,” Lily kể lại với BBC News Tiếng Việt trong nước mắt vào tháng 7/2024.
Bốn năm trước, Lily, 30 tuổi, từ Đồng Nai sang Singapore làm công việc phục vụ trong nhà hàng. Trước đó, vì là người Việt gốc Hoa và thông thạo tiếng Hoa, cô ở Việt Nam làm các công việc trợ lý và phiên dịch cho chủ người Trung Quốc hoặc Đài Loan.
‘Chê vợ béo, không dịu dàng như những cô gái tiếp bia’
Người chồng hơn Lily 15 tuổi, đã có hai đời vợ và làm nghề sửa chữa máy lạnh. Hai người hẹn hò rồi về ở chung được vài tháng trước khi Lily có bầu rồi kết hôn vào tháng 8/2022.
Tuy nhiên, mối quan hệ của họ bắt đầu rạn nứt trong thời gian cô dâu Việt mang thai. Người chồng liên tục chỉ trích cô tăng cân, thay đổi về ngoại hình và so sánh cô với những người phụ nữ khác.
“Anh ta suốt ngày lấy hình của vợ những người khác ra để chì chiết, chê bai tôi, nói tôi sao không thon gọn như họ và không dịu dàng bằng mấy cô tiếp bia. Còn nói là phụ nữ Việt Nam qua đây chỉ vì tiền,” Lily nói với BBC News Tiếng Việt.
Cặp vợ chồng cũng tranh cãi về số tiền 3.500 SGD (hơn 66 triệu đồng) mà Lily nói là dành dụm được để gửi về cho cha mẹ nhưng đã đưa cho người chồng vay để chuộc lại sợi dây chuyền đã cầm đồ.
Cô dâu Việt kể rằng trong quá trình mang bầu và ở cữ, cô không được tẩm bổ mà lâu lâu được chồng mua cho hộp cơm, hoặc “thích thì bỏ đói vợ”, “ném tàn thuốc lá vào người vợ”.
Tới tháng 1/2023, Lily sinh con trai nhưng nói rằng chồng cô không phụ giúp, nên cô phải di chuyển nhiều chăm con, không được nghỉ ngơi đầy đủ dẫn đến loét tử cung hậu sản.
Đỉnh điểm là ngày 11/2/2023 khi cô bị chồng đuổi khỏi nhà.
“Lúc đó tôi từ bệnh viện về, người đau yếu, tay xách nách mang nhìn như một người bán ve chai, chạy tới chạy lui giữa nhà chồng và nhà anh của chồng nhưng họ không cho vào. Mấy hôm sau tôi phải ngủ ở công viên và luôn sợ bị công an bắt, nghĩ mình là người không đàng hoàng.”
Khi đã kiệt sức, Lily đánh liều vào xin nghỉ nhờ và xin một bữa ăn tại nhà hàng xóm đối diện nhà anh chồng và mẹ chồng.
“Lúc đó dì hàng xóm nấu cho tôi một tô cháo cải chua và pha cho tôi một ly sữa nóng uống cho ấm bụng rồi hỏi chuyện, sau đó cho tôi 100 SGD (gần 1,9 triệu đồng) để có tiền nạp xe buýt,” cô kể lại.
Đến tối cùng ngày, con gái của người hàng xóm đi làm về biết được câu chuyện cô dâu ngoại quốc bị bạo hành không có chỗ ở thì đã gọi lên trung tâm Hỗ trợ Công lý gia đình trình báo về trường hợp của Lily.
10 tháng không gặp con
Lily được đưa vào nhà tạm lánh, ở cùng với những cô dâu ngoại quốc bị bạo hành người Philippines, Ấn Độ…
Thời gian đầu cô liên tục đau ốm và phải nhập viện cấp cứu vì loét tử cung, nhưng nhà chồng không hỗ trợ khi nhận được thông báo từ bệnh viện.
Cô cũng không gặp được con trai mới sinh trong suốt 10 tháng, cho đến khi cô nhận được sự trợ giúp chương trình Hỗ trợ Công lý Gia đình Pro Bono Singapore – chương trình cung cấp hỗ trợ pháp lý miễn phí cho những người nước ngoài thu nhập thấp có con là người Singapore.
Bà June Lim, Giám đốc điều hành Công ty luật Focus Law Asia có trụ sở tại Singapore, đã nhận thụ lý vụ việc của Lily và xin được lệnh của tòa cho phép cô được gặp con trai một lần mỗi tuần, mỗi lần hai giờ.
“Hôm đó là ngày 30/11/2023, tôi nhận được giấy của tòa án thì mới được gặp con trai mình, cháu khóc rất nhiều và không nhận ra tôi.
“Ban đầu tôi rất mừng và cảm động nhưng sau hai giờ đồng hồ ngắn ngủi phải trả con về, tôi thật sự đau đớn. Có ai đứt ruột mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày mà không đau đớn khi bị chia cắt tình mẫu tử thiêng liêng, con mình không được uống sữa của mình,” Lily tâm sự.
Hiện tại, vì theo quy định chỉ được ở sáu tháng trong nhà tạm lánh nếu không phải trường hợp cần hỗ trợ đặc biệt, cô dâu Việt đã ra ngoài thuê trọ và làm lại công việc phục vụ ở nhà hàng.
Cô cũng lên các nhóm Facebook cộng đồng người Việt ở Singapore xin đồ dùng em bé và cố gắng mua cho con những thứ tốt đẹp nhất mà cô có thể.
Nhưng trong phán quyết lần hai của tòa án, quyền cấp dưỡng con thuộc về chồng cô, người tuyên bố muốn ly hôn.
Lily nói với BBC News Tiếng Việt cô cũng không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này và ôm niềm hi vọng rất mong manh về lần phán quyết quyền nuôi con vào tháng 11 tới đây của tòa.
“Tôi ở đây thân cô thế cô, chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của luật sư và các tổ chức bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tôi rất hi vọng câu chuyện của mình sẽ được mọi người biết đến và mong các cô dâu Việt Nam lấy chồng xứ người không gặp phải những trường hợp tương tự,” cô dâu Việt chia sẻ.
Cô dự định sẽ tiếp tục ở lại Singapore làm việc để kiếm thu nhập lo cho bản thân, lo cho con và gửi tiền về phụ giúp gia đình ở quê.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, luật sư June Lim cho biết vì Lily không phải là người chủ yếu được đăng ký ở trong căn hộ của chồng cô nên việc chồng Lily đuổi cô ra khỏi nhà sau khi sinh con sẽ không được coi là vi phạm pháp luật.
Nhưng hiện tại chồng của Lily phải tuân thủ lệnh của tòa án cho cô gặp con, nếu không sẽ phải chịu hình phạt.
Nữ luật sư cho biết Lily sẽ chính thức đệ đơn ly hôn vào năm 2025 sau mốc 3 năm tính từ lúc kết hôn theo quy định, các vấn đề về quyền nuôi con, chăm sóc và kiểm soát cũng như quyền tiếp cận con cái sẽ được thảo luận lại trong vụ ly hôn ở giai đoạn đó.
Bà Lim từng nói trong một cuộc phỏng vấn khác của BBC hồi tháng 4/2024 rằng có nhiều cô dâu Việt lấy chồng Singapore và sống hạnh phúc, nhưng cũng có người đang phải sống với bạo hành gia đình.
“Thậm chí có những người có thể duy trì cuộc hôn nhân bạo hành cả chục năm để con cái họ lớn lên. Họ chịu mọi hình thức bạo hành cho đến khi không thể chịu đựng được nữa thì mới bỏ trốn hoặc cảnh sát mới vào cuộc,” bà cho biết.
Trong trường hợp ly hôn, họ phải tìm được chỗ ở và công việc mới, điều đó không dễ dàng vì chi phí sinh hoạt ở Singapore rất đắt đỏ. Theo bà Lim, những khó khăn này khiến họ do dự trong việc trình báo bất chấp bị bạo hành về thể chất, tinh thần, tài chính.
Cũng theo bà Lim, nhìn chung, những phụ nữ Việt qua Singapore kết hôn thường không có học vấn cao, mạng lưới quan hệ xã hội của họ bị hạn chế ở Singapore.
Chỉ khi đến nhà tạm lánh, họ mới được nhân viên xã hội giúp đỡ và cho họ thấy rằng họ có nhiều cơ hội, hay có nhiều cách để giải quyết vấn đề.
Bộ Nội vụ Singapore (MHA) cho hay những người nuôi con mang quốc tịch Singapore được phép tạm trú dài hạn ở nước này cho đến khi con đủ 21 tuổi. Khi tròn 21 tuổi thì người con có thể bảo lãnh cho mẹ có thẻ tạm trú dài hạn.
(Theo BBC Tiếng Việt)