NASA vẫn tin tưởng vào Boeing dù tàu vũ trụ Starliner liên tục gặp sự cố

Từ hai tháng nay, hai phi hành gia Mỹ Butch Wilmore và Sunita Williams bị “kẹt” trên Trạm Không gian Quốc tế – ISS. Tàu vũ trụ Starliner, do Boeing sản xuất, đưa họ lên ISS không còn đủ an toàn để đưa họ trở về. Chuyến thử nghiệm dự kiến 8 ngày có thể kéo dài thành 8 tháng. Đã quá thời hạn “giữa tháng 8”, Cơ quan không gian NASA vẫn cần thêm “một cuộc họp xem xét khâu chuẩn bị bay” để đưa ra quyết định, theo thông tin họp báo ngày 14/08/2024.

Đăng ngày: 15/08/2024

Le Starliner de Boeing s'accroche à la Station spatiale internationale, le 6 juin 2024.
Tàu vũ trụ Starliner của Boeing đến Trạm Không gian Quốc tế ISS ngày 06/06/2024. © Nasa / AP

Thu Hằng

Butch Wilmore và Sunita Williams đã đặt chân lên trạm ISS ngày 06/06. Chuyến bay thử nghiệm lần thứ ba, cũng là chuyến đầu tiên có người bên trong, đã gặp trục trặc ngay trên đường đi. Trả lời đài France Inter ngày 14/08, Jean-François Clervoy, phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và là nhà sáng lập Air Zéro G., giải thích :

“Lúc đi, tàu đã có hai vấn đề. Thứ nhất là rò rỉ helium. Khí helium được sử dụng để tạo áp suất cho nhiên liệu trong bình trữ nhằm đẩy nhiên liệu ra ngoài khi van được mở để cung cấp năng lượng cho động cơ. Có 5 chỗ bị rò rỉ khí helium, nhưng các kỹ sư cho rằng những rò rỉ này khá yếu nên không cần hoãn chuyến bay. Sau đó, khi sắp tới trạm ISS, trong số các động cơ đẩy nhỏ – có khoảng 40-50 động cơ như vậy ở trên tàu và chỉ cần 6 động cơ là có thể đỗ được – có 5 động cơ bị hỏng. Giám đốc chuyến bay quyết định tiếp tục chuyến bay và vẫn cập vào trạm ISS với số động cơ đã giảm, nhưng vẫn đủ để có thể tiếp tục bay và có thể chấp nhận được thêm vài chỗ hỏng.

Trong lúc ở lại trạm ISS, dự kiến khoảng 10 ngày, người ta định phân tích các thông tin được hàng nghìn bộ cảm biến trên tàu ghi lại để tìm hiểu xem tại sao các động cơ đẩy lại bị hỏng. Những thông tin này vẫn được truyền bằng sóng radio cho các chuyên gia trên Trái đất. Tuy nhiên họ vẫn không hiểu được chính xác tại sao. Vì sợ có thêm hỏng hóc ở động cơ đẩy khi rời trạm ISS và trở lại Trái đất, nên họ quyết định tàu Starliner sẽ trở về mà không có hai phi hành gia. Cần phải nhắc lại là các động cơ đẩy này rất cần để đưa tàu vào đúng quỹ đạo trở về, điều hướng cho tàu và để đưa tàu vào bầu khí quyển”.

“Quá tam ba bận”

Vụ Starliner là một thất bại mới của Boeing, tập đoàn hàng không Mỹ đang phải đối mặt với nhiều sự cố máy bay dân sự trong những năm gần đây. Ngay trong năm 2014, cả Boeing và SpaceX được NASA giao phát triển một tàu vũ trụ đời mới. Sáu năm sau đó, tàu Dragon của SpaceX đi vào hoạt động và thực hiện tổng cộng 13 chuyến bay từ năm 2020. Boeing thì vẫn chật vật với Starliner. Chuyến bay thử đầu tiên không có phi hành gia bị thất bại năm 2019. Phải chờ gần 4 năm sau, Boeing mới thành công ở lần thứ hai : Starliner cập ISS vào tháng 05/2022.

Và phải chờ thêm hai năm sau, Boeing và NASA mới thử nghiệm tàu Starliner chở phi hành gia, nhưng hàng loạt sự cố lại xảy ra : gặp trục trặc với dù dùng để phanh tàu khi trở lại bầu khí quyển, hoặc phải tháo hết một loại băng dính gây cháy bên trong tàu… Starliner với phi hành đoàn bị hoãn khởi hành hai lần trong vòng một tháng. “Quá tam ba bận”, cuối cùng Starliner cũng xuất phát ngày 05/06 cùng với Butch Wilmore và Sunita Williams, từ Cap Canaveral, bang Florida. Mục đích là đưa hai phi hành gia lên trạm ISS, sau đó đưa họ về Trái đất để chứng minh phương tiện mới rất an toàn và có thể thực hiện những chuyến bay thường xuyên.

Mục đích của NASA là có hai xe “taxi” để bảo đảm cho các chương trình không gian. Jean-François Clervoy, phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), giải thích :

“NASA trông đợi nhiều vào Boeing để biến Starliner thành tàu vũ trụ an toàn, hiệu suất cao, có thể thay thế phi thuyền Dragon của SpaceX. Bởi vì sau chuyện xảy ra trong quá khứ (năm 2003) với phi thuyền con thoi Columbia, cần phải có ít nhất hai tàu vũ trụ luôn trong tư thế sẵn sàng hoạt động, để nếu tàu này không hoạt động thì tàu kia có thể thay thế. Từ 4 năm nay, NASA chỉ toàn phải trông cậy vào SpaceX”.

SpaceX muốn thám hiểm cực Trái đất từ không gian

SpaceX giữ thế “độc quyền” cùng hợp tác với NASA thực hiện 7 chuyến bay đưa người lên trạm ISS từ năm 2020. Ngoài ra, SpaceX bán 6 “tour trọn gói” cho các “nhà du hành vũ trụ tư nhân”. Chuyến du hành vũ trụ tư nhân đầu tiên là Inspiration4 năm 2021, do tỉ phú Mỹ Jared Isaacman tài trợ. Còn chuyến bay đưa phi hành gia tư nhân đầu tiên lên trạm ISS được thực hiện ngày 08/04/2022 với 4 thành viên của công ty khởi nghiệp Axiom Space. Tập đoàn của tỉ phú Mỹ Elon Musk còn hướng đến tham vọng cao hơn : phá vỡ giới hạn trong việc khám phá các cực của Trái đất bằng cách triển khai một chương trình không gian có phi hành đoàn đầu tiên bay qua đó.

Ngày 13/08, SpaceX thông báo tàu Dragon dự kiến chở phi hành đoàn 4 người, chỉ huy là doanh nhân Chun Wang, người Malta gốc Trung Quốc, cùng với ba chuyên gia về cực, bay trên các cực Trái đất vào cuối năm 2024. Chuyến bay được đặt tên là Fram2, theo tên một tàu thám hiểm cực Trái đất từ thế kỷ XIX, dự kiến kéo dài 3-5 ngày. Nếu thành công, SpaceX sẽ tiến thêm một bước về công nghệ vũ trụ. Bởi vì, theo trang web của chương trình Fram2, cho đến nay, “độ nghiêng quỹ đạo lớn nhất mà tàu vũ trụ chở người đạt được là 65 độ (so với mặt phẳng xích đạo), do tàu Vostok 6 của Liên Xô thực hiện”, trong khi các cực Trái đất lại không thể quan sát được từ trạm ISS.

Nhiều vệ tinh đã bay qua các cực nhưng do chuyển động quay của Trái đất, việc tiếp cận khu vực này có thể tốn nhiều năng lượng hơn và cũng phải tính đến vấn đề bức xạ, theo giải thích của nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell ngày 13/08 với AFP. Fram2 sử dụng tàu Dragon trang bị vòm quan sát của SpaceX. Tàu sẽ bay ở độ cao 425-450 km. Phi hành đoàn dự kiến tiến hành nhiều nghiên cứu, như chụp ảnh X-quang đầu tiên trong không gian và nghiên cứu một hiện tượng ánh sáng giống cực quang. Một chuyến ra ngoài không gian đầu tiên dành cho tư nhân cũng được dự kiến trong chương trình

Lịch hoạt động của SpaceX dày đặc, vì trước chương trình Fram2, tập đoàn của Elon Musk phục vụ một chương trình tư nhân khác, mang tên Polaris Dawn, chở 4 phi hành gia, trong đó có tỉ phú Mỹ Jared Isaacman, dự kiến khởi hành ngày 26/08. Do đó, một số chuyên gia và truyền thông cho rằng hai phi hành gia Mỹ Butch Wilmore và Sunita Williams có lẽ phải chờ đến tháng 02/2025 mới có thể trở về Trái đất.

Mỹ muốn có hai “taxi” thay nhau bay vào không gian

Về số phận của tàu Starliner, đang ở trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, tại buổi họp báo ngày 14/08, Ken Bowersox, một lãnh đạo NASA cho biết : “Chúng tôi có thời gian trước khi đưa Starliner về nhà và chúng tôi muốn sử dụng nó một cách đúng đắn”. Riêng khả năng dùng Starliner đưa hai phi hành gia Mỹ trở về có lẽ đã bị loại, theo giải thích của Jean-François Clervoy, phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), trên đài France Inter :

“Đội ngũ của Boeing cho rằng cho dù hệ thống có hoạt động tốt, có thể trở về an toàn, nhưng nếu có nhiều trang thiết bị hơn, gấp đôi, gấp ba, thậm chí là gấp bốn, thì sẽ có thêm khả năng bảo vệ tốt hơn trong trường hợp gặp sự cố mới. Các kỹ sư không chắc rằng tàu vũ trụ của họ sẽ an toàn như mong muốn, có nghĩa là không chỉ phụ thuộc vào hệ thống đang hoạt động, mà chẳng may tàu bị hỏng thì cần phải có hệ thống dự phòng”.

Dù Boeing gặp hàng loạt sự cố, “Starliner có một tương lai tốt đẹp” và các trục trặc đó sẽ sớm “được khắc phục”, theo khẳng định của Steve Stich, một lãnh đạo của NASA. Nếu thành công, Mỹ là nước duy nhất có hai tàu vũ trụ thường xuyên đưa được phi hành gia vào không gian. Kể từ năm 2011, sau khi ngừng khai thác tàu, phi hành gia Mỹ phải dùng tàu Soyouz của Nga. Để không còn  phụ thuộc vào Nga, NASA đã ký hợp đồng với SpaceX và Boeing năm 2014 để phát triển phi thuyền mới.

Bài Liên Quan

Leave a Comment