Olympic Paris 2024 : Trung Quốc và Mỹ cáo buộc nhau sử dụng doping

Từ nhiều ngày qua, truyền thông Trung Quốc liên tục cáo buộc các vận động viên Mỹ sử dụng chất kích thích và Hoa Kỳ cũng lên án Trung Quốc về những điều tương tự. Cuộc chiến doping này vừa mang tính thể thao vừa mang tính địa chính trị.

Đăng ngày: 16/08/2024

Ảnh minh họa : Trung Quốc và Hoa Kỳ cáo buộc nhau sử dụng doping tại Thế Vận Hội Paris 2024.
Ảnh minh họa : Trung Quốc và Hoa Kỳ cáo buộc nhau sử dụng doping tại Thế Vận Hội Paris 2024. © France Médias Monde

Phan Minh

Sự kình địch giữa Hoa Kỳ, đứng đầu bảng xếp hạng huy chương, và Trung Quốc, về nhì, được thể hiện rõ nét, sau khi hai nước thống trị Thế Vận Hội Paris 2024. Đằng sau hậu trường, cuộc đối đầu giữa hai nước cũng diễn ra kể từ khi Olympic bắt đầu ngày 26/07/2024, với tinh thần kém mã thượng hơn.

Thế Vận Hội đã làm nổi bật sự đối đầu giữa hai cường quốc, theo đúng nghĩa đen. Những vụ vận động viên bị cáo buộc doping được hai siêu cường khai thác để bôi nhọ nhau. Và rõ ràng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở thể thao hay kỷ lục thế giới.

Bị ám ảnh bởi các vận động viên dùng doping của Mỹ

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc dường như ngày càng bị ám ảnh bởi các vận động viên Hoa Kỳ vướng nghi vấn bị bắt quả tang sử dụng chất cấm. Marc Lanteigne, chuyên gia về Trung Quốc tại đại học Bắc Cực của Na Uy, cho biết : “Chỉ trong một buổi sáng, tôi đã đọc năm bài báo và bài xã luận về chủ đề này trên báo chí Trung Quốc.

Bài xã luận đăng hôm 09/08 trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) bày tỏ sự phẫn nộ : “Thế giới có quyền được biết sự gian lận có mang tính hệ thống trong nền thể thao Bắc Mỹ hay không. Nhật báo tiếng Anh của Trung Quốc rất thân Bắc Kinh này dẫn lại thông tin do Reuters đưa vào tuần trước. Hãng tin Anh hôm 07/08 cho biết Hoa Kỳ đã giao nhiệm vụ cho các vận động viên dùng doping làm nội gián để vạch mặt những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong đường dây doping này.

Các vận động viên nêu trên vẫn có thể tiếp tục tham gia thi đấu để duy trì “vỏ bọc” của mình, bởi chính quyền Mỹ không tiết lộ kết quả xét nghiệm dương tính của những vận động viên đó cho Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA). Đối với Global Times, lập luận của Mỹ là một lời biện minh không đủ sức thuyết phục cho việc làm ngơ trước hiện tượng những “kẻ gian lận” được xá tội và tiếp tục gặt hái huy chương.

Hoa Kỳ khẳng định những vận động viên vi phạm các quy định của WADA có thể được giảm hình phạt hoặc thậm chí không bị phạt nếu họ đóng góp “đáng kể” cho cuộc điều tra chống doping. WADA nhận thấy lời biện bạch này không đủ sức thuyết phục, vì trên thực tế, cơ quan này ban đầu thậm chí không hề biết về “hoạt động” này của Hoa Kỳ, bắt đầu vào giữa những năm 2010. Đối với Trung Quốc, đây chỉ là một dấu hiệu mới cho “doping có hệ thống trong nền thể thao Bắc Mỹ.

Vụ án nội gián doping xảy ra ngay sau vụ mà truyền thông Trung Quốc gọi là “bê bối” Erriyon Knighton. Chinada, cơ quan phòng chống doping của Trung Quốc, đã chính thức yêu cầu một cuộc điều tra hôm 08/08 về hành động của cơ quan phòng chống doping của Mỹ (USADA), sau khi cơ quan này bị cáo buộc đã xá tội cho vận động viên chạy nước rút người Mỹ ngay trước khi Thế Vận Hội Paris khai mạc, mặc dù trước đó Knighton bị xét nghiệm dương tính với steroid đồng hóa.

Những cáo buộc này nối tiếp một loạt “tiết lộ” trong tuần qua, chủ yếu trên tờ Global Times, khiến Erriyon Knighton, từng giành hai huy chương tại giải vô địch điền kinh thế giới ở nội dung chạy 200 mét, trở thành gương mặt đại diện cho một nước Mỹ đang bị tha hóa bởi doping.

Hoa Kỳ lập luận rằng vận động viên chạy nước rút này đã vô tình dính doping sau khi bị ngộ độc thực phẩm, song lời giải thích này không đủ sức thuyết phục với Bắc Kinh.

Ăn miếng trả miếng

Làn sóng chỉ trích nặng nề từ Trung Quốc nhắm vào USADA có thể coi là hành động ăn miếng trả miếng. Trước khi Thế Vận Hội Paris bắt đầu, vào tháng 4, tờ New York Times cùng với kênh ARD của Đức tiết lộ rằng 23 vận động viên bơi lội giỏi nhất Trung Quốc bị xét nghiệm dương tính vào đầu năm 2021 với trimetazidine, một chất kích thích. Tờ báo Mỹ sau đó, vào tháng 6 và sau khi Thế Vận Hội bắt đầu, lại tiếp tục chỉ trích các vận động viên Trung Quốc, nêu bật những cáo buộc nhắm vào các vận động viên bơi lội quốc gia châu Á này, sau khi 11 người trong số này được chọn để thi đấu ở Paris, còn Cơ quan phòng chống doping thế giới WADA thì bị nghi ngờ “đồng lõa” với liên đoàn Olympic Trung Quốc.

Các dân biểu Mỹ hôm 30/07 thậm chí còn đưa ra dự luật đe dọa ngừng tài trợ cho WADA, nếu cơ quan này không có biện pháp nào để ngăn chặn Trung Quốc “che giấu” các vụ doping.

Số huy chương mà các vận động viên Trung Quốc giành được đã tăng lên gấp bội trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ doping. Kỷ lục thế giới ở nội dung 100 mét bơi tự do mà thần đồng người Trung Quốc Phan Triển Nhạc (Pan Zhanle) phá vào ngày 01/08 đã khiến giới chuyên môn choáng ngợp, mặc dù vận động viên này chưa bao giờ có kết quả dương tính với chất kích thích. Brett Hawke, cựu vận động viên bơi lội Olympic người Úc, nhận định “con người không thể bơi nhanh đến vậy”.

Những nghi ngờ về tính trung thực của những tấm huy chương mà vận động viên Trung Quốc giành được là điều không thể chấp nhận đối với chính quyền Bắc Kinh. Marc Lanteigne nhấn mạnh “vào thời điểm này, Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược chiều, đặc biệt về kinh tế, và chính phủ cần có được những tin tốt lành. Việc giành được nhiều huy chương giúp Trung Quốc củng cố vị thế của một cường quốc”.

Trung Quốc ngày càng bức xúc trước những cáo buộc về doping này bởi những lời tố cáo đó do đối thủ chính của họ là Hoa Kỳ đưa ra. Chuyên gia Lanteigne nhấn mạnh “Bắc Kinh nghi ngờ Mỹ đã dàn dựng một chiến dịch nhằm giảm tầm quan trọng của những thành công của Trung Quốc”.

Một sự giằng co muôn thuở

Đây không chỉ là vấn đề lòng tự hào dân tộc bị tổn thương. Marc Lanteigne lưu ý cuộc chiến doping này còn “là cơ hội để hai nước lặp lại những chỉ trích nhắm vào nhau trong nhiều lĩnh vực khác”.

Do vậy, việc Mỹ đả kích cả cơ quan phòng chống doping của Trung Quốc lẫn WADA nhằm “ám chỉ rằng mọi người không thể tin tưởng một Trung Quốc vốn không chơi đẹp” và sẽ tìm cách mua chuộc người khác để đạt được mục đích, theo nhận định của ông Lanteigne. Đây cũng chính là lập luận được Washington đưa ra để tố cáo “sự cạnh tranh không lành mạnh” mà Bắc Kinh được cho là thể hiện trong lĩnh vực kinh tế, do Trung Quốc dường như đã mua được sự ủng hộ của các nước đang phát triển bằng các khoản cho vay hào phóng.

Về phần mình, các phương tiện truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh trong các bài báo rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Cơ quan phòng chống doping thế giới và khẳng định Hoa Kỳ là một thế lực xấu xa đang tìm cách áp đặt tầm nhìn của họ trong cuộc chiến chống doping. Marc Lanteigne nhận định “Trung Quốc đang cố gắng thể hiện bản thân là một quốc gia gương mẫu, biết cư xử đúng mực trên trường quốc tế và cáo buộc Hoa Kỳ làm mọi cách để ngăn chặn điều đó”.

Chuyên gia Lanteigne cho biết thêm rằng Bắc Kinh cũng tìm cách gửi thông điệp rằng trong thể thao cũng như trong các lĩnh vực khác, “Hoa Kỳ tìm cách áp đặt các quy tắc của riêng họ”. Hoa Kỳ thường xuyên bị chỉ trích như vậy, và không chỉ bởi Trung Quốc, trong bối cảnh Washington muốn quảng bá các tiêu chuẩn của họ ra toàn thế giới. Thể thao được xếp cùng hạng mục với cuộc chiến chống khủng bố hay rửa tiền, hai lĩnh vực mà Hoa Kỳ muốn đóng vai sen đầm thế giới.

Nguồn : France 24

Bài Liên Quan

Leave a Comment