WHO cảnh báo về nguy cơ phát hiện thêm ca nhiễm Mpox tại châu Âu

Sau khi Thụy Điển thông báo ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus gây bệnh Mpox ( đậu mùa khỉ ), nguy hiểm và dễ lây lan hơn, hôm qua, 15/08/2024, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cảnh báo khả năng các ca nhiễm khác sẽ được phát hiện tại châu Âu.

Đăng ngày: 16/08/2024

Một bệnh nhân Mpox ở Munigi, tỉnh Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 19/07/2024.
Một bệnh nhân Mpox ở Munigi, tỉnh Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 19/07/2024. © Arlette Bashizi / Reuters

Chi Phương

Biến thể Clade 1b của Mpox, đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, có tỷ lệ tử vong lên đến 3,6 %. Người nhiễm Mpox bị sốt cao, nổi mụn nước. Bệnh này lây từ động vật sang người, hoặc qua tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm virus.

Hôm 14/08, WHO cũng đã phát đi cảnh báo toàn cầu ở mức cao nhất do số ca nhiễm bệnh Mpox ở châu Phi gia tăng trở lại. Tuy nhiên, theo trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), nguy cơ dịch bệnh lây lan tại châu lục là không cao.

Căn bệnh này dầu sao đang khiến nhiều nước quan ngại. Hôm nay, bộ Y Tế Pakistan thông báo ca nhiễm Mpox đầu tiên tại nước này, cho biết bệnh nhân vừa trở về từ một nước vùng Vịnh và không nêu rõ chủng virus.

Chính quyền Trung Quốc cũng thông báo tăng cường kiểm soát nhập cảnh. Kể từ hôm nay, những người đến từ các nước mà Mpox lây lan, hoặc đã tiếp xúc với người bệnh, hoặc có triệu chứng bệnh, đều phải khai báo với hải quan. Các phương tiện, xe cộ hoặc hàng hóa đến từ những khu vực đã phát hiện ca nhiễm Mpox sẽ phải được khử trùng trước khi nhập cảnh vào Trung Quốc. Biện pháp này sẽ kéo dài 6 tháng.

Hãng dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic, hiện đang có sẵn 500.000 liều vac-xin trong kho, cho biết sẵn sàng sản xuất 10 triệu liều vac-xin ngừa Mpox. Hãng này cũng đã đề nghị Cơ quan dược phẩm châu Âu cấp phép sử dụng vac-xin cho vị thành niên 12-17 tuổi, « vì vac-xin có tác dụng tương tự như ở người trưởng thành ». Cổ phiếu chứng khoán của tập đoàn này cũng tăng mạnh hôm qua.

Theo số liệu của Liên Hiệp Châu Phi, được AFP trích dẫn, hơn 38.000 người tại 16 quốc gia châu Phi đã mắc căn bệnh này từ năm 2022 và 1.456 người đã bỏ mạng, với số ca trong năm 2024 đã tăng 160% so với năm ngoái.

Bài Liên Quan

Leave a Comment