- Tác giả,Mỹ Hằng
- Vai trò,BBC News Tiếng Việt
- 19 tháng 8 2024
Một báo cáo mới công bố của Dự án 88 mổ xẻ gói tài trợ 15,5 tỷ USD – mà các nước giàu cam kết hỗ trợ để giúp Việt Nam chuyển từ điện than sang năng lượng sạch – cho thấy những bất cập của thỏa thuận này và quyết tâm “yếu ớt” của Hà Nội.
Phân tích của hai nhà nghiên cứu, Ben Swanton và Michael Altman-Lupu, trong báo cáo mang tên “Sớm đến ngày tận thế? Sự trì trệ và hời hợt của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng được G7 tài trợ” công bố hôm 15/8 chỉ ra rằng Việt Nam không hề đặt ra một lộ trình cụ thể và minh bạch cho việc ngưng hoạt động các nhà máy điện than có tuổi đời non trẻ của mình.
Trong khi đó, hình thức tài trợ chủ yếu dưới dạng cho vay trả lãi từ các nước giàu có nguy cơ khiến Việt Nam mắc nợ.
Bất đồng nội bộ
Cuối năm 2021, trong một động thái mà sau này giới quan sát đánh giá là “vội vàng“, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Chính nói vậy trước các chính khách quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) ở Glasgow, Scotland.
Một năm sau, vào năm 2022, Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để nhận hơn 15,5 tỷ USD tài trợ từ các nước giàu nhằm thực hiện cam kết nói trên.
Chín nước tài trợ nằm trong nhóm International Partners Group (IPG), bao gồm các quốc gia thuộc khối G7, EU, Na Uy và Đan Mạch.
Theo các điều khoản của JETP, Việt Nam sẽ nhận được 15,5 tỷ USD trong vòng ba đến năm năm.
Sau khi nhất trí tiến hành JETP, Việt Nam và IPG đã dành một năm đàm phán kín về nguồn tiền và cách chi tiêu.
Tại COP28 vào tháng 11/2023, Việt Nam và IPG công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP), trong đó nêu chi tiết các nguồn tài trợ cho JETP và chỉ định những dự án nào sẽ là một phần trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Theo đó, chỉ một phần nhỏ trong 15,5 tỷ USD sẽ đến dưới hình thức tài trợ – cụ thể là chỉ 2%.
Số còn lại, tức khoảng 12 tỷ USD, sẽ đến từ các khoản vay thương mại theo lãi suất thị trường và có nguy cơ khiến Việt Nam mắc nợ, theo các nhà phân tích.
Bên cạnh đó, quá trình soạn thảo RMP đã bộc lộ lục đục nội bộ “vốn là đặc trưng giữa các bộ của chính phủ Việt Nam” (theo bình luận của Dự án 88).
Việc thực hiện JETP được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), nhưng MONRE đã không nhận được sự ủng hộ từ các bộ khác.
Các nhà ngoại giao tham gia vào các cuộc trao đổi về JETP với Việt Nam cho Dự án 88 hay rằng các cuộc đàm phán về RMP đã đổ vỡ do sự phản đối của Bộ Công Thương (MOIT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và Bộ Tài chính (MOF).
Bản tóm tắt của các quan chức Anh tham gia đàm phán nêu rằng “sự cản trở dai dẳng” và “sự trì hoãn” của MOIT, MPI và MOF đã đe dọa RMP cho đến phút cuối cùng.
Ưu tiên an ninh năng lượng hơn cam kết bỏ than?
Những con số gần đây cho thấy Việt Nam ưu tiên an ninh năng lượng hơn là chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch như đã cam kết.
Để đảm bảo nguồn cung năng lượng, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu tăng sản lượng than và khí đốt.
Trong năm tháng đầu năm 2024, lượng than nhập khẩu của Việt Nam tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam cũng đẩy mạnh các dự án nhập khẩu và khai thác, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) – loại năng lượng sinh ra carbon phá hủy tầng ozon.
Khai thác than trong nước cũng tăng.
Trong hai tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác than trong nước cao hơn 3,3% so với sản lượng trong hai tháng đầu năm 2023.
Vào ngày 5/8/2023, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã khởi công mở rộng công suất khai thác tại Mỏ than Cao Sơn.
Vào ngày 4/11/2023, ngay trước khi ban hành RMP, Vinacomin đã bắt đầu khai thác than sâu tại Mỏ Bình Minh.
Theo Vinacomin, ít nhất năm dự án phát triển mỏ bổ sung tại Mỏ Hà Rang, Mỏ Suối Lai, Mỏ Đồng Tràng Bạch, Mỏ Tân Yên và Cụm mỏ Cốc Sáu-Đèo Nai sẽ được triển khai trong thời gian tới để tăng sản lượng than trong nước.
Sau khi RMP được công bố, các kế hoạch phát triển cấp tỉnh đã được phê duyệt, tiếp tục liệt kê một số nhà máy điện chạy bằng than này là các dự án ưu tiên.
Đáng nói là, các nhà máy điện than của Việt Nam có tuổi đời trẻ nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Khoảng 82% các nhà máy điện chạy bằng than của Việt Nam hiện mới chỉ vận hành được dưới 10 năm.
Các nhà máy điện chạy bằng than này có tuổi thọ 40-50 năm và do đó có thể hoạt động tốt sau năm 2050, thời điểm mà Việt Nam được cho là đã chuyển đổi hoàn toàn khỏi điện than.
Nếu chính phủ thực sự nghiêm túc về các cam kết về khí hậu, các nhà máy điện này sẽ phải ngừng hoạt động sớm.
Các mục tiêu loại bỏ dần nhà máy điện than cũng là một điều đáng chú ý.
Cụ thể, không có mốc thời gian cố định cho việc đóng cửa sớm các nhà máy điện than mà hiện nay Việt Nam đang vận hành.
Bà Lucy Hummer, nghiên cứu viên của Tổ chức Global Energy Monitor, nói với BBC hôm 8/8:
“Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) nêu rõ rằng các nhà máy cũ và kém hiệu quả sẽ bị loại bỏ, nhưng chúng tôi không biết đó là những nhà máy nào.”
Theo bà Lucy, nếu nhìn vào các kế hoạch phát triển điện quốc gia mà Việt Nam công bố trong vài năm qua, thì có thể thấy ngày càng có ít nhà máy điện than được đề xuất.
“Trong 10 năm qua, tôi nghĩ rằng đã có 90% công suất điện than được đề xuất tại Việt Nam bị cắt giảm.
“Đây là một dấu hiệu lạc quan một cách thận trọng, cho thấy nhà máy điện than cuối cùng tại Việt Nam có thể sớm được đưa vào vận hành.
“Và tại thời điểm đó, trọng tâm sẽ chuyển sang việc cho các nhà máy hiện tuổi đời còn rất trẻ ‘nghỉ hưu’.
“Điều thực sự quan trọng là phải lập kế hoạch cho từng dự án – khi nào chúng sẽ bị loại bỏ hoặc chuyển đổi, và trong khoảng thời gian nào.”
Việt Nam, thay vì thế, cho biết trong RMP rằng chỉ “loại bỏ dần các nhà máy điện than trên diện rộng ở Việt Nam là không khả thi trong tương lai gần”, và chỉ hướng đến mục tiêu thúc đẩy “tính linh hoạt của nhà máy điện than” thay vì cam kết đóng cửa sớm.
“Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ chỉ sử dụng than khi cần thiết để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt năng lượng, nhưng cũng có nghĩa là chính phủ có thể quay trở lại tình trạng phụ thuộc vào điện than bất cứ lúc nào,” ông Ben Swanton, đồng tác giả của báo cáo của Dự án 88, chỉ ra.
Thiếu minh bạch
Theo thỏa thuận JETP, Việt Nam được yêu cầu tham vấn với các tổ chức phi chính phủ (NGO), truyền thông và các bên liên quan khác trong các quyết định về năng lượng.
Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không chấp nhận sự tham gia của công chúng vào bất kỳ khía cạnh nào của quá trình chuyển đổi.
Trong Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) được công bố năm 2023, chính phủ Việt Nam thừa nhận rằng không có cơ chế nào cho công chúng tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước.
Theo một số nhà ngoại giao, một ngày trước khi RMP được hoàn thiện, Nhóm công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) chỉ được cho 24 giờ để đọc bản kế hoạch RMP 200 trang với khối lượng chi tiết và thông số kỹ thuật dày đặc.
Điều này cho thấy chính phủ Việt Nam không nghiêm túc trong việc đảm bảo sự tham gia của xã hội dân sự, theo Dự án 88.
Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) nói trên dài hơn 200 trang nhưng từ NGO (tổ chức phi chính phủ tham gia với vai trò giám sát) chỉ xuất hiện có một lần, theo một phân tích của Tiến sĩ Jörg Wischermann từ Viện GIGA nghiên cứu về châu Á, đăng trên trang của Quỹ Heinrich-Böll-Stiftung (Đức) hôm 10/3.
Ông nhận định, trên thực tế, các NGO ở Việt Nam đã không còn có thể lên tiếng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Các vụ bắt giữ và truy tố từ năm 2021 của chính phủ Việt Nam đã khiến sáu nhà lãnh đạo chủ chốt của phong trào biến đổi khí hậu phải ngồi tù, gồm Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương, Hoàng Thị Minh Hồng và Ngô Thị Tố Nhiên.
Trong đó, bà Ngụy Thị Khanh là người sáng lập GreenID và từng là thành viên của CCWG – được thành lập vào năm 2008 với thành viên gồm tám tổ chức phi chính phủ quốc tế và ba tổ chức phi chính phủ Việt Nam.
Những vụ bắt giữ này, theo giới quan sát, đã tạo ra bầu không khí sợ hãi trong cộng đồng NGO Việt Nam, khiến họ không muốn tham gia vào hoạt động chính sách, đặc biệt là liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam bị đánh giá là “yếu về mặt chính trị”.
Các bộ khác thì thường xuyên “chây ì”, “trì trệ”, “cản trở và quan liêu” trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng, theo ghi chép không công khai của quan chức Anh mà trang Politico tiếp cận được hồi tháng 12/2023.
Sau khi chính phủ Việt Nam bỏ tù sáu nhà hoạt động môi trường, khí hậu hàng đầu thì hiện nay, chưa có tổ chức nào trong nước giám sát việc Việt Nam tuân thủ các quy định của JETP.