Maria Trần: minh tinh điện ảnh ‘hành động’

Đã ở đây hơn 40 năm, vậy mà hôm kia qua chương trình của Sean Le [1] tôi mới biết đến một tài năng trẻ Maria Trần, người từng bị cấm về Việt Nam do một hiểu lầm rất buồn cười.

Bản dễ đọc hơn: https://nguyenvantuan.info/…/maria-tran-minh-tinh-dien…

Maria Trần là ai? Là một người đa tài: minh tinh điện ảnh hành động, nhà làm phim, và … võ sĩ. Cô ấy là một nhân tài của Úc, đã được trao (chứ không phải ‘giành’) nhiều giải thưởng danh giá về điện ảnh, và các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, sân khấu. Nghe qua giới thiệu, tôi vào trang youtube của cô ấy [2] để xem Maria đóng những phim gì và ra sao. Chỉ xem qua những trailer, tôi phải thốt lên: “WOW”!

Những cách nhập vai cứ như là thật. Những màn đánh đấm ‘dữ dằn’. Những đòn phi cước ngoạn mục. Những màn múa kiếm cứ như là các ngôi sao kiếm hiệp bên Tàu. Nhưng cũng có những phim hài rất vui, làm tôi cười một mình. Không chỉ phim hành động và hài, Maria còn làm phóng sự về cộng đồng người Việt ở Úc nữa. Có phim cô ấy làm cho một em bé bị ung thư rất cảm động. Nói chung, các tác phẩm điện ảnh của Maria rất phong phú, chứ không phải chỉ ‘phim hành động’.

Tôi tự hỏi làm sao một cô gái gốc Việt nhỏ bé như thế (và đẹp gái) mà học đâu để có những màn diễn và đánh đấm ‘ghê gớm’ như thế? Quá trình lớn lên và học hành ra sao, luyện tập với ai, v.v. Hàng loạt câu hỏi thôi thúc tôi đi tìm câu trả lời.

Gia đình ‘Thuyền Nhân’

Năm nay (2024), Maria mới xấp xỉ tuổi 40 (sanh năm 1985), tức vẫn còn trẻ. Tuy ở tuổi 40, nhưng sắc diện cô ấy thì chỉ chừng 25-30 gì đó. Còn trẻ như thế, nhưng đã có một danh sách dài các thành tích và hoạt động phim ảnh. Hiện nay, cô ấy là giám đốc và nhà sáng lập Phoenix Eye Films, một nhà sản xuất phim ảnh, có trụ sở tại Úc và Mĩ.

Ba Má của Maria Trần là người tị nạn. Trước năm 1975, ba của Maria từng là sĩ quan trong quân đội VNCH. Sau 1975, ông đã trải qua 6 năm tù đày trong các trại ‘cải tạo’ của chế độ mới. Má cô làm việc trong ngành quảng cáo, và từng vượt biên 7 lần trước khi thành công! Cứ mỗi lần vượt biên không thoát, bà bị giam tù. Ra tù, bà lại tìm đường vượt biên, vì không thể nào sống trong chế độ mới.

Đầu thập niên 1980s, ba má Maria được chánh phủ Úc chấp thuận cho định cư ở Sydney như là người tị nạn (tức là cùng thời với tôi). Họ gặp nhau rồi thành hôn tại Sydney. Sau khi thành hôn, họ tìm được việc làm trong một nông trại trồng xoài ở Queensland (tiểu bang miền Bắc nước Úc) và vậy là chuyển về Queensland sông. Làm nông trại một thời gian, họ có đủ vốn rồi chuyển xuống vùng Ipswich, nơi có đông người Việt tị nạn ở Queensland. Họ mở một tiệm bán cá và khoai tây chiên (fish and chip), vì đó là món ăn truyền thống mà mà người Úc rất thích.

Maria được sanh ra ở Queensland. Maria cho biết lúc còn học tiểu học, cô bị mấy đứa học sinh da trắng gọi cô là ‘Ching-chong China girl’. Maria không nghĩ rằng họ miệt thị hay kì thị mà nghĩ là họ muốn nói chuyện với mình. Mỗi lần về nhà, ba má hỏi ‘hôm nay học ra sao’, Maria nói “tụi nó gọi con là ‘China Girl’,” rồi gia đình cười ồ lên.

Sau một thời gian bán cá và khoai tây chiên không mấy thành công, gia đình Maria rời Queensland và quay về Sydney, nơi mà họ đã tới định cư đầu tiên. Ba của Maria có việc làm như là một thợ hàn cơ khí. Họ định cư ở Cabramatta, nơi được mệnh danh là ‘Thủ đô của người Việt tị nạn’, vì nơi này có nhiều người tị nạn chọn làm nơi định cư.

Học võ vì bị … ăn hiếp

Maria tiếp tục học trung học tại trường Westfield Sports High ở gần Cabramatta. Maria tự xem mình là một người sáng dạ, học giỏi, và … mọt sách. Không giống như các học sinh người Úc thích đọc tạp chí Dolly, Maria thì đọc sách … giáo khoa.

Năm lớp 8, một hôm, chứng kiến cảnh một học sinh bị bắt nạt, Maria hiên ngang can thiệp, chỉ thẳng tay vào bọn du côn nói: “Ê! Bọn mày không được đánh nó.” Hậu quả của hành động nghĩa hiệp đó là chính Maria trở thành nạn nhân, bị bọn học sinh da trắng đánh. Từ biến cố đó, ba má Maria quyết định cho cô ấy đi học võ Tae Kwon Do. Sau này, Maria còn theo học các môn võ khác, và có đai đen Tae Kwon Do, đai xanh trong Hapkido, và đai nâu trong Thiếu Lâm.

Cũng trong thời gian đó thì gia đình bị đỗ vỡ. Ba của Maria hay bị dày vò bởi những kí ức thời trại cải tạo, trở thành nghiện rượu và cờ bạc, và ba má cô chia tay. Maria lúc đó mới 16 tuổi, chán nản, bỏ đi khỏi nhà và quay về Queensland. Ở quê cũ, Maria tham gia các cuộc thi đấu võ thuật, nhưng cô bị chấn thương đầu gối khi cố gắng tung cú đá vào đầu đối thủ.

Chỉ 1 năm ở Queensland, Maria lại quay về Sydney, hoàn thành việc học. Năm 2002, Maria tốt nghiệp trung học, và sau đó theo học ở Đại học Western Sydney. Năm 2007, Maria tốt nghiệp với bằng cử nhân về tâm lí học. Maria chọn học tâm lí học vì “Tôi nghĩ rằng tâm lí học là nghiên cứu về những kẻ tâm thần.”

Từ tâm lí học đến minh tinh điện ảnh!

Trong thời gian theo học đại học, Maria tham gia các khóa học làm phim miễn phí, và thực hiện nhiều bộ phim ngắn như “Maximum Choppage Round 2”, được quay tại Cabramatta trong khoảng thời gian bốn năm. Maria kể rằng trong thời gian quay phim, cảnh sát thường đuổi vì đoàn làm phim mang vũ khí và lại diễn ở nơi công cộng.

Từ những bộ phim ngắn và mang tính cộng đồng đó, Maria càng dấn thân vào sự nghiệp điện ảnh hành động. Năm 2013, Maria đồng đạo diễn bộ phim ngắn ‘Hit Girls’ (Nữ Sát Thủ), trong đó cô đồng đóng vai chánh cùng với ngôi sao điện ảnh Hồng Kông đang lên Juju Chan. Hit Girls kể về câu chuyện của hai nữ sát thủ giả làm các cô gái hộ tống để ám sát một tên giang hồ đẹp trai. Phim được quay trong một quán rượu ở Fairfield (gần Cabramatta). Maria và Chan đã cùng nhau chia sẻ giải thưởng “Ngôi sao hành động đột phá” tại Liên hoan phim Hành động năm 2013 cho vai diễn của họ.

Sau phim Hit Girls, Maria lại có dịp đóng phim “Fist of the Dragon” do Roger Corman bảo trợ và Antony Szeto đạo diễn. Szeto giao cho Maria cả vai trò giám sát các cảnh chiến đấu và một vai trong bộ phim. Szeto mô tả Maria là “một người rất quyết tâm,” một cá tánh rất cần thiết cho sự thành công.

Maria còn được biết đến với công việc làm phim tài liệu và phim cho cộng đồng, bao gồm “Once Upon a Time in Cabramatta” và “My Mother, The Action Star”, đã giành giải thưởng Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim WIFT-V Fest.

Ngoài diễn xuất và sản xuất phim, Maria còn xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình như “My Place”, “Maximum Choppage”, “Street Smart” và “Fat Pizza”. Maria cũng đã tham gia vào vai trò diễn viên đóng thế trong các bộ phim như “Bleeding Steel” của Thành Long (Jackie Chan) và “MEG” tại Tân Tây Lan.

Năm 2022, Maria sang Mĩ và nhận được vai diễn đột phá của mình là Madame Tiên trong loạt phim tội phạm 10 tập “Last King of the Cross”, đóng chung với Tim Roth. Maria cũng đã tham gia vào các sản phẩm sân khấu, bao gồm vai trò đạo diễn và biểu diễn trong “Macbeth” của Bell Shakespeare và sản phẩm sân khấu của chính cô là “Action Star”, được công chiếu tại Lễ hội OzAsia ở Adelaide vào năm 2022.

Maria đã nhận được giải thưởng danh giá $50,000 từ Quỹ Nghệ thuật Tây Sydney Create NSW. Bộ phim hành động li kỳ của cô, “Echo 8”, đã được trao nhiều giải thưởng, bao gồm Giải thưởng Phim Tokyo cho Phim xuất sắc nhất và Giải Phim truyện xuất sắc nhất – Phim của Phụ nữ tại Liên hoan phim Carnival – Thế giới Singapore.

Từng bị cáo buộc ‘khủng bố’ ở Việt Nam

Năm 2015, Maria được mời về Việt Nam đóng phim chung với diễn viên Trương Ngọc Ánh trong phim Tracer (Truy Sát). Nhưng Maria không được chào đón ở Việt Nam. Maria kể lại rằng nhân viên an ninh scan sổ thông hành của cô, rồi sau đó là một nhúm công an và những người mặc quân phục áp giải cô vào một phòng ở ohi trường để thẩm vấn. Họ đưa ra một đống hình ảnh, rồi hỏi cô có biết người này, người kia là ai không, và Maria hồn nhiên trả lời rằng đó là những người quen, bà con, hàng xóm, v.v. “Cộng đồng” ở đây là vậy: là những người quen biết với nhau tụ tập thành một tổ chức cộng đồng văn hoá.

Maria kể chuyện thẩm vấn một cách hài hước và tự nhiên. Cô nói người nhân viên an ninh bảo cô viết lời khai bằng tiếng Việt, và bắt đầu bằng dòng chữ “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Độc Lập – Tự Do …” Viết đến chữ ‘Tự Do’, Maria hỏi anh chàng an ninh một cách hết sức hồn nhiên bằng một loại ‘tiếng Việt ba rọi’: “Ủa, Việt Nam mà cũng có tự do hả? Tự do mà bắt tui ở đây?” Cô ấy cho biết là hỏi thật chứ không hề móc méo gì cả, làm cho chính anh chàng an ninh cũng lắc đầu cười.

Hoá ra, Maria nằm trong danh sách đen, và được xem là một thành viên trong một tổ chức khủng bố! Tổ chức khủng bố nào? Hoá ra, đó là Cộng Đồng Người Việt Tự do Úc Châu, chi nhánh NSW. Đây là một tổ chức chính danh cộng đồng được Chánh phủ Úc công nhận giúp đỡ và có bầu cử đàng hoàng. Cộng Đồng này đã có từ những năm trong thập niên 1970s. Maria từng được bầu làm Phó chủ tịch của tổ chức này. Maria kể rằng thời làm Phó chủ tịch Cộng đồng, Maria hay tổ chức các lớp dạy giới trẻ tự tin hơn, năng động hơn và chống lại bọn kì thị chủng tộc. Những lớp đó bị tình báo Việt Nam theo dõi và nghi ngờ là dạy chống cộng! Maria còn kể rằng thời gian làm phó chủ tịch, cô bị các chú bác ‘chửi’ là dốt tiếng Việt. Ngay cả nhân viên an ninh ở Việt Nam cũng ngạc nhiên là tại sao Cộng Đồng lại bầu một đứa con gái tuổi 20s mà dốt tiếng Việt làm Phó chủ tịch!

Nhà cầm quyền Việt Nam muốn trục xuất cô về lại Úc, nhưng qua sự bảo trợ của Trương Ngọc Ánh, Maria cuối cùng cũng được phép vào Việt Nam để quay bộ phim Tracer. Điều trớ trêu là trong phim Tracer, Maria được giao vai diễn như là một kẻ khủng bố!

Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn giữ sự nghi ngờ, vì vậy Maria không được mời dự buổi ra mắt phim để đề phòng trường hợp người phụ nữ đóng vai kẻ khủng bố và bị bắt giữ vì là kẻ khủng bố thực sự là một kẻ khủng bố!

Thế hệ hai ở hải ngoại

Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, rất ít người theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, báo chí, và phim ảnh lại càng ít hơn, vì đây là lãnh vực khó hơn nhiều so với khoa học và kĩ thuật. Thế nhưng Maria lại ‘chen chân’ vào cái lãnh địa đầy cạnh tranh và khó khăn đó. Tôi nghĩ cộng đồng người Việt hải ngoại may mắn khi có một thành viên tài năng như Maria, người có khả năng kể lại câu chuyện tị nạn bằng phim ảnh mà thế hệ ba má cô ấy (và tôi nữa) chưa thể làm.

Maria là một người lớn lên trong nghịch cảnh. Ba má cô ấy là người tị nạn đến Úc không một đồng xu dính túi, cũng giống như tuyệt đại đa số ‘Thuyền Nhân’ tới Úc thời đó. Ba má định cư ở vùng dân lao động, nghèo khó. Những trường trung học và đại học Maria theo học không phải là hạng ‘danh giá’, ấy vậy mà cô ấy vượt qua tất cả những khó khăn đó và trở thành một người nổi tiếng với những tác phẩm đóng góp một cách có ý nghĩa cho xã hội Úc.

Maria Trần cũng là một người may mắn vì đã được sanh ra và lớn lên ở Úc, nơi mà nọi người đều có thể [nói theo cách nói hoa hoè là] ‘toả sáng’. Đó là môi trường tương đối bình đẳng cho mọi người, kể cả những người đến Úc với hai bàn tay trắng. Trong môi trường đó, Maria được tự do theo đuổi những giấc mơ và possibility, và được sự hỗ trợ của các thiết chế xã hội.

Thật khó tưởng tượng nếu Maria lớn lên ở Việt Nam mà đạt được những thành tích như tôi vừa mô tả. Câu chuyện Maria bị bắt giữ ở Việt Nam nghĩ lại thật là … khôi hài. Nó chứng tỏ rằng nhiều người trong giới chức trách ở Việt Nam chưa am hiểu về cộng đồng người Việt ở nước ngoài nên họ không những đánh giá sai mà còn gây ra những xung đột đáng lí ra không nên có.

Một đặc điểm nổi bật ở những người trẻ thành đạt ở hải ngoại, đặc biệt là nữ, là họ rất … sáng. Những người Maria Trần, Tracy Võ, Leyna Nguyễn, và đứa học trò tên Yến của tôi, tất cả đều toả lên một nét rất sáng … hồn nhiên. Họ nói năng mà không phải ‘uốn lưỡi bảy lần’. Cách nói biểu hiện cái tâm của họ sáng. Tôi nghĩ tài năng và tánh bẩm sanh là một phần, nhưng sự thành đạt của họ làm cho họ tự tin hơn. Họ đã trải qua những thất bại, nên họ kể chuyện hấp dẫn.

Và, họ cũng rất thật thà. Như Maria kể chuyện bị câu lưu (do hiểu lầm) ở Việt Nam mà cô ấy cười một cách tự nhiên, cứ như là đang diễn phim hài!

Maria cũng nói về dự tính trong tương lai là sẽ làm một bộ phim về Hai Bà Trưng, nhưng với một motif hiện đại. Kịch bản đã có, và hiện nay equip làm phim cần tài chánh để thực hiện. Tại sao không thực hiện phim Hai Bà Trưng ở Việt Nam? Maria nhận xét rằng người làm phim ở Việt Nam không có tự do vì họ rất sợ các thế lực chánh trị và sợ cả bên Tàu, và điều này cũng không hợp với bộ phim Hai Ba Trưng mà Maria đang lên kế hoạch thực hiện.

Maria nói cách làm phim ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào những người đẹp, trình diễn những sự giàu có và sang chảnh. Còn Maria thì muốn làm phim hiện thực hơn, phản ảnh đúng xã hội còn nghèo khổ. Điều đáng khen là Maria sử dụng kĩ năng phim ảnh của mình để giúp người khác kể chuyện tị nạn, chuyện ‘thuyền nhân’, chuyện kì thị, chuyện bệnh tật, v.v. Hiếm thấy ai làm như Maria.

Hiện nay, Maria đang vận động tài trợ cho bộ phim hành động ‘ECHO8 TRILOGY’. Cô cho biết phim của cô không phải loại hàng triệu USD, mà chỉ vài chục ngàn, nhưng có chất lượng và sâu sắc. Các bạn có thể ủng hộ Maria qua trang web sau đây:

https://www.indiegogo.com/…/the-echo-8-trilogy-action…

Những người trẻ như Maria Trần làm cho những người thuộc thế hệ tôi có lí do để tin tưởng rằng cộng đồng người Việt ở hải ngoại sẽ có những người tiếp nối tài ba và làm cho chúng ta tự hào.

_______

[1] Trang youtube ‘Người Việt Hải Ngoại’ do Sean Le (cũng là một người trẻ ở Mĩ) thực hiện rất hay, và cách làm khá chuyên nghiệp. Anh ấy phỏng vấn (trò chuyện thì đúng hơn) với những nhân vật trong cộng đồng ở hải ngoại như nghệ sĩ, ca sĩ, sĩ quan quân đội Mĩ, v.v. Có những câu chuyện rất hay. Các bạn có thể subscribe vào trang ‘Người Việt Hải Ngoại’ ở đây: https://www.youtube.com/@nguoiviethaingoai2024

[2] Podcoast trò chuyện với Maria Trần (dài hơn 1 tiếng đồng hồ): https://www.youtube.com/watch?v=BGbn8sGiPUA&t=1121s

[3] Bộ phim ‘Silent Warriors’ về những bệnh nhân ung thư: https://www.youtube.com/playlist…

[4] Trang youtube của Maria Tran: https://www.youtube.com/@MariaTran/videos

Bài Liên Quan

Leave a Comment