Hai tuần sau khi phát động chiến dịch tấn công vào vùng biên giới Kursk của Nga, một thách thức to lớn đang được đặt ra cho quân Ukraina: Làm sao giữ được “vùng đệm” tại khu vực này?
Đăng ngày: 21/08/2024
Hôm Chủ Nhật 18/08/2024, tức là ngày thứ 12 của cuộc đột kích, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã kêu gọi thành lập một “vùng đệm” ở khu vực Kursk. Đối với ông, nhiệm vụ của quân Ukraina rất rõ ràng: “Tiêu diệt càng nhiều tiềm năng chiến tranh của Nga càng tốt và thực hiện càng nhiều cuộc phản công càng tốt”.
Khi tấn công vào vùng Kursk, Kiev hy vọng sẽ buộc được Matxcơva rút bớt lực lượng khỏi Donbass ở miền đông Ukraina, nơi mà từ nhiều tháng qua tình hình chiến sự thuận lợi hơn với quân Nga. Nhưng trong khi quân Ukraina tiếp tục đà tiến ở vùng biên giới Kursk, chưa ai biết phạm vi của “vùng đệm” tại khu vực này sẽ như thế nào và quân Ukraina có thể giữ được “vùng đệm” đó trong bao lâu khi mà Matxcơva đã thề sẽ “đánh đuổi quân thù ra khỏi lãnh thổ”?
Giống như các vùng Bryansk và Belgorod giáp với Ukraina, vùng Kursk trong 30 tháng qua là hậu cứ của quân Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng, tức là nơi có nhiều kho vũ khí, đạn dược và các cơ sở hạ tầng khác cần thiết cho cuộc chiến. Nay Ukraina đã chuyển cuộc chiến sang lãnh thổ Nga và “đó là một mức độ áp lực hoàn toàn khác” theo giải thích của ông Guillaume Ancel, cựu sĩ quan quân đội, với trang Franceinfo của Pháp.
Hôm thứ Hai vừa qua, tổng thống Zelensky tuyên bố lực lượng của Kiev đã kiểm soát hơn 1.250 km2 lãnh thổ và 92 địa phương ở vùng Kursk, nơi mà hàng ngàn thường dân Nga đã chạy lánh nạn kể từ tuần đầu tiên của tháng 8. Nhưng đà tiến đó chắc rồi cũng sẽ dừng lại, chứ quân Ukraina không có đủ phương tiện và chắc là cũng không có ý định tiến quá sâu vào trong lãnh thổ Nga.
Trong chiến dịch đột kích vào vùng Kursk, quân Ukraina đã phá hủy 3 cây cầu bắc qua sông Seim, nên đã cô lập hoàn toàn quận Glucochevo, phần phía tây của vùng bị đánh chiếm. Theo nhận xét của cựu sĩ quan Guillaume Ancel, “chiến dịch dường như đã được Kiev chuẩn bị rất kỹ lưỡng”, huy động “khoảng 10.000 binh sĩ Ukraina”.
Hiện giờ đang tiếp tục di chuyển, lực lượng của Kiev vẫn tránh được các cuộc oanh kích của quân đội Nga. Thật ra thì Matxcơva cũng khó mà nã pháo dồn dập vào vùng Kursk do sự hiện diện của nhiều thường dân Nga. Như ghi nhận của ông Jérôme Pellistrandi, cựu tướng quân đội Pháp và tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng: “Bắn phá Ukraina bất kể thiệt hại vật chất không giống như đánh vào lãnh thổ của chính mình”.
Tuy nhiên, ông Pellistrandi lưu ý, về lâu dài, quân Ukraina sẽ khó mà bám trụ. Họ sẽ phải nấp dưới hầm để tránh hỏa lực pháo binh đối phương một khi các vị trí đã được cố định. Lực lượng của Kiev cũng phải có một hệ thống phòng không vững chắc để chống trả các cuộc không kích của Nga.
Cũng theo cựu tướng Pellistrandi, một cái gai khác đối với quân Ukraina trên lãnh thổ Nga, đó là “trận chiến hình ảnh”. Ông giải thích: “Kiev phải làm sao để thường dân được bảo vệ tốt nhất có thể và chứng tỏ binh lính Ukraina đến đó với tư cách là những người giải phóng chứ không phải những kẻ chiếm đóng”. Ông Pellistrandi cũng cảnh báo nếu lực lượng của Kiev hiện diện lâu dài ở vùng Kursk, họ sẽ gặp các vấn đề về bảo vệ an ninh trật tự và quản lý dân sự.
Đối với cựu sĩ quan Guillaume Ancel, phải rất cẩn trọng với dự án lập “vùng đệm”. Tuy nhiên, theo ông, nhờ chiến dịch đột kích này mà Kiev có thể sắp xếp lại quân bài để đàm phán với Matxcơva trong thế mạnh. Trong những ngày đầu tiên của cuộc tấn công, quân Ukraina đã bắt giữ hàng trăm tù binh Nga. Số tù binh này sẽ rất hữu ích trong các cuộc thương lượng để trao đổi với những người lính Ukraina bị Nga bắt.
Nhưng có lẽ đó sẽ là tác động duy nhất. Cựu tướng Pellistrandi lưu ý, về việc buộc quân Nga phân bổ lại lực lượng trên tiền tuyến, “hiệu quả của cuộc tấn công không thực sự rõ ràng”. Cho đến nay, không có sự điều động đáng kể nào của quân Nga từ vùng Donbass ở miền đông Ukraina hay từ vùng đồng bằng Dniepr ở miền nam được ghi nhận.