Hà Nội : Đến bao giờ cầu Long Biên mới được trùng tu ?

Đăng ngày: 21/08/2024

Làm gì với cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ? Câu hỏi được đặt ra từ 20 năm nay vẫn chưa có lời giải đáp trong khi cây cầu 120 tuổi ngày càng xuống cấp vẫn gồng mình nối hai bờ sông. Tám tháng kể từ khi Pháp thông báo tài trợ cho nghiên cứu tiền khả thi và hai tháng kể từ khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc Hội thông qua, hy vọng rằng cây cầu lịch sử sẽ sớm được trùng tu.

Poses pour les photos de mariage sur le pont Doumer Long Bien, Hanoi, Vietnam, le 29 novembre 2009
Cô dâu chú rể chụp ảnh kỷ niệm trên cầu Long Biên, Hà Nội, ngày 29/11/2009. © RFI/Đức Tâm

Trong thông cáo báo chí ngày 25/12/2023, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thông báo khoản tài trợ không hoàn lại 700.000 euro”, được trích từ Quỹ Nghiên cứu và Hỗ trợ lĩnh vực tư – FASEP của Kho bạc Pháp, để góp phần trùng tu “công trình biểu tượng mạnh mẽ của mối liên kết độc đáo gắn kết hai nước”. Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 13/06/2024, đại sứ Pháp Olivier Brocher giải thích mục đích của dự án :

Đến thời điểm này, khoản ngân sách 700.000 euro được tặng cho thành phố Hà Nội là nhằm giúp tiến hành nghiên cứu tiền khả thi để sau đó thực hiện dự án cải tạo cầu Long Biên. Chúng ta biết là cây cầu này rất quan trọng và hữu ích đối với người dân Hà Nội. Cây cầu đó cũng là một phần lịch sử, bản sắc của Hà Nội, người Hà Nội rất gắn bó với cầu Long Biên. Thế nhưng đó cũng là một cây cầu đã phải chịu đựng rất nhiều, rất cũ vì cũng đã 120 tuổi và cần được trùng tu sâu rộng.

Nhưng trước khi tiến hành thi công, cần phải hiểu rõ nhu cầu, phân tích và đó chính là mục đích của nghiên cứu tiền khả thi, được công ty xây dựng Pháp Artelia tiến hành. Đây là một công ty nổi tiếng chuyên nghiệp trong vấn đề này. Hiện giờ, mọi người đã sẵn sàng để thực hiện công việc, chúng tôi đang chờ được thành phố Hà Nội bật đèn xanh để những nghiên cứu này có thể được bắt đầu. Và khoản tiền 700.000 euro đó là nhằm tài trợ cho công việc này.

Đó là phần thứ nhất, sau đó khi có những định hướng về công việc sẽ được thực hiện và lập ra được bản quy định cụ thể thì Pháp sẵn sàng làm việc với thành phố Hà Nội, dù là về khả năng cấp vốn để tài trợ cho công việc trùng tu thông qua Cơ quan Phát triển Pháp – AFD hoặc là tìm và mời các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực này tham gia để có thể mang kiến thức, kinh nghiệm của họ trong việc trùng tu cây cầu Long Biên xinh đẹp này”.

Cụ thể, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam – CCIFV ngày 28/12/2023, công ty Artelia chẩn đoán tình trạng của cây cầu thông qua mô hình một cây cầu kỹ thuật số tương ứng ; tiến hành nghiên cứu cấu trúc giúp xác định những công trình cải tạo cần thực hiện ; mô tả những công việc này, lập kế hoạch và thống kê (1). Ba mục đích chính của nghiên cứu được giao cho Artelia gồm : Bảo đảm an toàn cho người sử dụng công trình dù là giao thông đường sắt, người đi bộ hay xe hai bánh ; Nêu bật di sản biểu tượng cảnh quan của thành phố Hà Nội ; Trên cơ sở nghiên cứu về tác động môi trường, đưa những nguyên tắc phát triển bền vững… vào các kịch bản sử dụng cầu trong tương lai… có tính đến các dự án giao thông lớn và các dự án quy hoạch đô thị mà thành phố đang triển khai.

“Nghiên cứu khả thi đề xuất kỹ thuật” dài 32 trang đã được công ty Artelia gửi đến thành phố Hà Nội. Đến tháng 05/2024, sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết ý kiến với đề xuất kỹ thuật cải tạo cầu Long Biên của công ty Pháp Artelia (2). Đến ngày 28/06, theo Luật Thủ đô (sửa đổi) 2024 được Quốc Hội khóa XV thông qua, trong đó có nội dung Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, thì “không có tuyến đường sắt đô thị nào đi qua cầu Long Biên”. Như vậy, theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh (3)“cho tới 2030 khả năng vẫn chỉ có cầu Long Biên, Thăng Long có đường sắt”.

Cầu Long Biên, ảnh không đề ngày.
Cầu Long Biên, ảnh không đề ngày. © pixabay / Quangpraha

Cây cầu vắt qua ba thế kỷ

Với những tiến triển này, hy vọng việc trung tu cầu Long Biên sẽ sớm được khởi công. Đang tiếc là phải mất đến 20 năm kể từ khi Pháp ngỏ ý tài trợ nhân chuyến thăm Việt Nam năm 2004 của tổng thống Jacques Chirac, cây cầu trăm tuổi mới thực sự được chú ý nhiều hơn. Trong quãng thời gian đó, “Pháp đã tài trợ cho nhiều nghiên cứu và các đoàn công tác của chuyên gia”. Và Pháp lại tiếp tục đáp ứng mong muốn của người dân Hà Nội trong những năm gần đây là “được thấy Pháp tham gia nhiều hơn nữa vào việc cải tạo cây cầu này”. Đại sứ Olivier Brochet cho biết thêm về những phương án tương lai để có thể nâng cao giá trị của cầu :

“Quyết định xem xét công dụng của cầu Long Biên trong tương lai thuộc về thành phố Hà Nội. Nhưng theo tôi biết, cho đến thời điểm này thì quá trình suy tính vẫn chưa hoàn tất để xem liệu tiếp tục duy trì giao thông đường sắt trên cầu hay không, liệu cầu sẽ chỉ dành riêng cho người đi bộ hoặc đi xe máy như hiện nay hay cầu sẽ có một tầm vóc mới, ý tôi muốn nói là thiên về bảo tồn di sản hơn và dành cho người đi bộ. Hiện giờ ở thành phố Hà Nội vẫn có những cuộc trao đổi, thảo luận về vấn đề này.

Điều quan trọng, và cũng chính vì thế mà FASEP giữ vai trò quan trọng, đó là cần cùng lúc tiến hành gia cố và cải tạo cây cầu một cách khẩn trương, có thể là trước cả khi có quyết định chính thức về công dụng của cây cầu trong tương lai bởi vì tình trạng hiện nay của cầu rất đáng quan ngại và ảnh hưởng đến tính ổn định và sự an toàn của người sử dụng. Chính vì thế chúng tôi đã đề xuất và thành phố đã chấp nhận ý tưởng tiến hành nghiên cứu. Nghiên cứu tiền khả thi hiện giờ mang tính kỹ thuật, dù có thể vẫn chưa có ý định chính xác về chức năng sắp tới của cây cầu. Dù sao, cây cầu vẫn có vị trí của mình, vẫn là một phần cảnh quan đô thị và vẫn có ích cho người Hà Nội. Vì thế chúng tôi ở đây, mang đến nguồn tài chính và kỹ năng, sau đó về mặt vay tài chính, ví dụ thông qua Cơ quan Phát triển Pháp – AFD, để trùng tu cây cầu.

Giả sử nếu như việc phát triển về khía cạnh di sản của cây cầu có thể là chủ đề hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, bởi vì nhìn chung, đó là một trong những trục hợp tác của hai nước chúng ta, thì việc nâng giá trị di sản của Việt Nam từ mọi thời đại hiện giờ vẫn là một trong những nét phong phú và là một trong những nét hấp dẫn của Việt Nam”.

Cầu Long Biên (pont Doumer) đầu thế kỷ XX.
Cầu Long Biên (pont Doumer) đầu thế kỷ XX. Wikipedia

Cầu Long Biên : Từ ý tưởng tháo dỡ đến bảo tồn di sản

Cầu “Paul Doumer” cũ, theo phong cách Eiffel, được xây dựng từ tháng 09/1898 và đến năm 1902. Cầu “đã bị hư hại nặng nề bởi những đợt ném bom của Mỹ năm 1967. Chính quyền Việt Nam sau đó đã phục hồi cây cầu nhằm đảm bảo sự liên tục kết nối giữa Hà Nội và Hải Phòng”. Những năm sau đó, cây cầu chỉ được chắp vá, lấp ổ gà và thiếu đại trùng tu. Rồi lại đến ý tưởng tháo dỡ cây cầu già cỗi, “tang thương do chiến tranh tàn phá, làm cây cầu mới cho hoành tráng”. Quyết định tháo dỡ được đưa ra năm 2006, chỉ hai năm sau chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Jacques Chirac và Hà Nội không hồi âm về đề xuất của Pháp cấp 60 triệu euro để trùng tu cầu Long Biên.

Marché spontané sur le pont Doumer - Long Bien, Hanoi, Việt Nam, le 29/11/2009.
Chợ “cóc” trên cầu Long Biên, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 29/11/2009 © RFI/Đức Tâm

Theo lời kể với tạp chí Nông nghiệp (4) của kiến trúc sư Nguyễn Nga, một Việt kiều sống ở Paris nhưng luôn hướng về Hà Nội và là một trong những người có công để cầu Long Biên không bị tháo thành đống sắt vụn, “sức mạnh truyền thông của báo chí đã giúp tôi rất nhiều”để thay đổi số phận đã được định đoạt của cầu Long Biên. Vào lúc cây cầu lịch sử, gắn với hình ảnh của Hà Nội, bị coi chỉ còn là đống sắt vụn mà một số ý kiến đồng tình với việc phá bỏ, chỉ còn mỗi vai trò văn hóa, lịch sử còn có thể giúp cây cầu trụ lại. Kiến trúc sư Nguyễn Nga hồi tưởng khi trả lời phỏng vấn với RFI Tiếng Việt tháng 03/2016 :

“Năm 2007, tôi nghĩ là phải làm một cái gì đó, làm một sự kiện rất lớn để người Việt Nam ý thức được cây cầu đóng một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ trong quá khứ mà nó có thể đóng một vai trò quan trọng cho Việt Nam hội nhập với thế giới trong tương lai. Cho nên tôi đã tổ chức hai kỳ lễ hội Festival trong vòng 48 tiếng trên đúng cây cầu đó, vào năm 2009, 2010 để chào mừng Hà Nội 1000 năm.

Tôi nhớ đến một lễ hội ở Champs-Elysées lúc tôi ở Pháp, trong 24 tiếng, nguyên đại lộ Champs-Elysées biến thành một cánh đồng, nơi người dân đến gặt lúa, ca hát. Tôi cũng biến cây cầu Long Biên trong 48 tiếng với 20 hoạt động khác nhau để kỉ niệm, lần thứ nhất là ký ức của cầu Long Biên hơn 100 tuổi và lần thứ hai là để câu chuyện nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội. Và hai kỳ festival đó đã làm cho người Việt Nam ý thức được tầm quan trọng phải lưu giữ cây cầu này để kể lại câu chuyên cho các thế hệ Việt Nam, cũng như là để kết nối Việt Nam với thế giới”.

Lẽ ra cây cầu đã có thể được trùng tu cách đây gần 20 năm khi Pháp sẵn sàng sát cánh với Việt Nam khi đề xuất gói hỗ trợ 60 triệu cùng với nghiên cứu tiền khả thi. Đây chính là những gì đang diễn ra hiện nay. Nghiên cứu tiền khả thi đã có, Pháp tha thiết được tiếp tục hợp tác trong công trình mang đầy ý nghĩa biểu tượng lịch sử và trở nên quá đỗi thân thương với người dân thủ đô.

Ngay từ năm 2011, sau khi có dự án biến cầu Long Biên thành nơi triển lãm phủ kính theo đề xuất của kiến trúc sư Nguyễn Nga, nhiều người dân lại mong muốn trùng tu cây cầu “để nguyên bản mới đúng lịch sử” và tiếp tục giữ chức năng lưu thông. Theo Luật Thủ đô được Quốc Hội thông qua tháng 06/2024, chức năng này sẽ được tiếp tục ít nhất đến năm 2030.

Rất nhiều kiến trúc sư Việt Nam đã đề xuất những dự án lòng ghép nhiều mục đích sử dụng nhằm đạt nhiều mục tiêu, mang lại nhiều lợi ích, từ lưu thông đến nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, triển lãm, kinh doanh nhờ giải phóng không gian mặt đất tại các ga, dưới đường tàu… “Cầu Long Biên trăm tuổi nay lại có cơ hội tạo ra nguồn lực mới phát triển Hà Nội hiện đại”, như kỳ vọng được ông Trần Huy Ánh, ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, nêu trong một bài viết trên trang Vietnamnet tháng 01/2022.

Gánh hàng hoa trên cầu Long Biên, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/01/2021.
Gánh hàng hoa trên cầu Long Biên, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/01/2021. AFP – MANAN VATSYAYANA

Thu Hằng

Bài Liên Quan

Leave a Comment