- Tác giả,Jamie Russell
- Vai trò,BBC Scotland News
- 9 giờ trước
Lớn lên ở hai nửa địa cầu, nhưng khi gặp nhau, Andy Yearley và Barton Williams phát hiện ra họ có một quá khứ chung.
Cả hai đều được “giải cứu” từ những trại trẻ mồ côi ở Sài Gòn sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam vào đầu những năm 1970.
Hàng ngàn trẻ em khi đó được đưa sang Mỹ, nhưng Barton lớn lên ở miền nam nước Úc và Andy cuối cùng lại đến đảo Lewis ở Scotland.
Hai người tình cờ gặp nhau vào năm 2021 khi Barton đang đóng một bộ phim về lướt sóng lấy bối cảnh trên đảo Lewis.
Cả hai đều lớn lên như những đứa trẻ gốc Á trong một khu dân cư chủ yếu là người da trắng mà không có ký ức hay kiến thức gì về Việt Nam.
“Không phải lúc nào bạn cũng gặp một đứa trẻ mồ côi Việt Nam khác,” Andy nói.
“Giống như gặp một người anh em sinh đôi – một người anh em ruột.”
“Chúng tôi đã kết nối ngay lập tức.”
Mối liên kết giữa hai người đàn ông đã được thể hiện sống động trong vở kịch Precious Cargo (tạm dịch: Chuyến hàng quý giá) trên sân khấu ở Edinburgh Fringe – một vở kịch kể về những câu chuyện của trẻ mồ côi Việt Nam.
Vở kịch khám phá trải nghiệm cá nhân của từng người nhưng cũng thể hiện những cảm giác chung về sự ly tán.
“Andy gần như đã sống một cuộc đời giống hệt với tôi nhưng ở Scotland,” Barton nói tiếng Anh giọng Úc đặc sệt.
“Anh ấy lớn lên trong một môi trường mà tầng lớp trung lưu da trắng chiếm đa số.
“Anh ấy trông hoàn toàn giống người Việt, nhưng nói chuyện thì không giống người Việt, cũng như tôi vậy”.
Andy được cha mẹ là Eileen và Iain Yearley nhận nuôi sau khi một người bạn của gia đình thấy ông ở một trại trẻ mồ côi tại Sài Gòn.
Andy kể lại chuyến bay duy nhất ông có thể đáp là tới sân bay Orly ở Pháp.
“Mẹ nuôi của tôi phải đến đó – hầu như không có ai đi cùng tôi,” ông tâm sự.
“Tôi phải ở sân bay một mình lúc còn rất trẻ.”
Lớn lên ở ngôi làng Keose, cách Stornoway, thị trấn chính trên đảo Lewis gần 20km, Andy nói ông đeo cặp kính dày do Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cung cấp và để tóc đen dài để bảo vệ tai sau tổn thương từ lúc còn ở Việt Nam.
“Tôi là một trong những người châu Á hiếm hoi ở nhóm đảo phía Tây, chắc chắn là người Việt duy nhất,” ông nói.
Cha mẹ Andy không bao giờ nhắc đến Việt Nam.
“Họ là cha mẹ tôi và tôi là con của họ,” Andy nói.
Đến đầu năm 1975, tình hình ngày càng rõ ràng rằng cuộc chiến sẽ kết thúc khi các thành trì của miền Nam Việt Nam rơi vào tay quân Việt Cộng.
Hàng trăm ngàn người tị nạn chạy trốn bằng đường hàng không và đường biển, trong đó có cả người phương Tây và người Việt Nam đã ủng hộ Mỹ.
Quân đội Mỹ đã rời khỏi Việt Nam hai năm trước nhưng cảm giác lo lắng và hoảng sợ dâng cao trong công chúng phương Tây đối với những đứa trẻ mồ côi bị bỏ lại.
Tiếng khóc của những trẻ em này đã tới tai Tổng thống Gerald Ford, người đã ra lệnh thực hiện Chiến dịch Babylift (Không vận Trẻ em), đưa 2.000 trẻ em miền Nam Việt Nam từ các trại trẻ mồ côi sang Mỹ.
Chuyến bay cuối cùng chở đầy trẻ em và nhân viên trại trẻ mồ côi cất cánh lên bầu trời khi đạn pháo đang bắn về phía đường băng.
“Chiến tranh Việt Nam và Chiến dịch Babylift không phải là điều mà nhiều người – kể cả tôi – biết nhiều,” Andy nói.
Còn Barton chia sẻ: “Một phần của việc đưa vở kịch đến sân khấu tại Fringe là nhằm nâng cao nhận thức về sự kiện lịch sử này.”
“Người ta luôn nói xin lỗi khi họ biết bạn được nhận nuôi, và tôi luôn trả lời ‘Tại sao? Đừng xin lỗi’.”
Precious Cargo ban đầu được biểu diễn ở London dưới dạng một vở kịch dài kể về trải nghiệm cá nhân của Barton, nhưng khi đến Fringe, đội ngũ sáng tạo quyết định tập trung hơn vào yếu tố Scotland.
Mặc dù có kinh nghiệm làm việc với âm nhạc, nhưng vở diễn là trải nghiệm đầu tiên của Andy trong lĩnh vực sân khấu. Andy viết các bản nhạc cho vở kịch, trong khi Barton là diễn viên chính và duy nhất.
Andy và Barton biết đến nhau nhờ một người bạn làm trong bộ phim về lướt sóng của Barton, Laura Cameron-Lewis, người sau đó đã trở thành đạo diễn của vở kịch Precious Cargo.
Chồng của bà, Andrew Eaton-Lewis, sau đó tham gia dự án này với vai trò nhà sản xuất để phát triển kịch bản và tìm kiếm những trẻ mồ côi khác.
“Tôi không muốn vở kịch quá xoay quanh bản thân mình,” Barton nói.
“Giờ đây, khi được kết hợp với những trẻ mồ côi khác, đó không chỉ là câu chuyện của riêng tôi, mà còn hơn thế nữa.”
Đối với nhiều trẻ mồ côi được đưa ra khỏi Việt Nam, có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.
Andy và Barton đã trở về quê hương vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời để trải nghiệm văn hóa của quốc gia nơi mình sinh ra.
Andy đã đến Thành phố Hồ Chí Minh, tên chính thức hiện nay của Sài Gòn, để thực hiện một bộ phim tài liệu cho kênh BBC2 vào năm 2004 nhằm khám phá Việt Nam lần đầu tiên.
Andy, người làm giáo viên âm nhạc, đã chơi đàn accordion cho trẻ em tại trại trẻ mồ côi nơi ông từng ở.
Andy nói rằng liên kết duy nhất của ông với quá khứ là tìm ra địa điểm nơi ông từng sống khi còn nhỏ.
Barton không biết bất kỳ người họ hàng ruột thịt nào còn sống cho đến khi ông phát hiện ra một người anh em họ thông qua một trang web về di truyền.
Một trẻ mồ côi trong chiến tranh Việt Nam khác, Toni Angelique Harrison, người vẫn đang tìm kiếm mẹ của mình đã giúp đỡ Barton.
Toni, người lớn lên ở vùng Bedfordshire miền Đông nước Anh, đã góp giọng và câu chuyện của mình trong vở kịch và hy vọng sự xuất hiện này có thể giúp bà đoàn tụ với mẹ mình.
Bà từng đến Mỹ để gặp cha vào năm 2018, một người lính Mỹ đã đem lòng yêu mẹ bà là người Việt.
Đối với tất cả các trẻ em trong Chiến dịch Babylift, thời gian không đứng về phía họ, nhà sản xuất của vở kịch nói.
Khi kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam sắp đến gần, thực tế đau lòng là cha mẹ của họ có thể không còn sống lâu nữa.
“Chiến dịch Babylift đã bị xem là gây tranh cãi vào thời điểm đó,” nhà sản xuất Eaton-Lewis nói.
“Liệu chiến dịch này có phải là điều đúng đắn?”
“Người Mỹ đã thể hiện sự hối lỗi về cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng tất cả đều có vẻ mang tính chất thực dân thầm lặng – tất cả những gia đình da trắng này nhận nuôi các em bé người Việt,” ông nói.
“Nhưng khi trao đổi với những trẻ em được nhận nuôi, tất cả họ đều có cái nhìn rất tích cực về trải nghiệm của mình.”
“Họ nhận thức được rằng thật kỳ lạ khi lớn lên trong môi trường có rất nhiều người da trắng và một số người đã từng bị phân biệt chủng tộc và điều đó rất khó khăn.
“Nhưng chúng tôi dựng lên vở kịch này phần lớn dựa trên những gì họ đã nói với chúng tôi – và họ rất biết ơn.”
Mặc dù các chuyến bay đã thành công, Chiến dịch Babylift đã bắt đầu bằng một thảm kịch khi một sự cố vận hành khiến máy bay đầu tiên bị rơi, làm chết 138 người, trong đó có 78 trẻ em.
Tổng cộng, một nỗ lực nhân đạo to lớn đã đưa 3.300 trẻ em Việt Nam – không phải tất cả đều là trẻ mồ côi – đến các nước đồng minh phương Tây như Mỹ, Canada, Úc, Anh và Tây Đức một cách an toàn.
Nhiều trẻ em trong số đó đã mất cha mẹ vì chiến tranh, nhưng một số chỉ bị tách rời khỏi người thân trong cơn hỗn loạn.
Nhưng vì cuộc gặp gỡ tình cờ và làm việc trong vở kịch Fringe, cả hai người đàn ông đều nói rằng điều đó đã khiến hoàn cảnh cá nhân của họ hiện lên rõ ràng hơn trong tâm trí.
Gần 50 năm trôi qua, nhiều người vẫn đang tìm kiếm gia đình ruột thịt của mình.
Vở kịch Precious Cargo được trình diễn tại Summerhall ở Edinburgh đến ngày 26/8/2024.
Cảm ơn Oli Charbonneau, giảng viên Lịch sử Mỹ tại Đại học Glasgow.**