Từ nhiều năm qua, Qatar, quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh đóng vai trò là trung gian hòa giải trong nhiều cuộc xung đột lớn trên thế giới. Phương pháp đàm phán của các nhà ngoại giao Qatar có gì đặc biệt ?
Đăng ngày: 23/08/2024
Kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra vào tháng 02/2024, chưa có bất cứ cuộc gặp chính thức nào được tổ chức giữa các quan chức Nga và Ukraina. Trong khi Kiev tin rằng tấn công sang lãnh thổ Nga, đặc biệt là chiến dịch tấn công tại vùng Kursk sẽ mang lại hoà bình cho nước này, khiến Nga phải nhượng bộ thì phía Matxcơva, đặc biệt là Putin, thì khẳng định đây không phải là thời điểm thích hợp để đàm phán.
Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, 17/08, báo Washington Post đưa tin về khả năng đàm phán qua trung gian Qatar. Một lần nữa quốc gia nhỏ bé, nhưng nhiều dầu mỏ vùng Vịnh lại nổi lên với tư cách là nhà đám phán cho các cuộc xung đột lớn của thế giới.
Từ nhiều năm qua, Qatar đã hỗ trợ đàm phán cho nhiều cuộc xung đột bên ngoài khu vực, chẳng hạn như giúp Washington đạt thỏa thuận trả tự do cho công dân Mỹ bị giam giữ tại Iran, Venezuela, Afghanistan, hay giúp các trẻ em bị đưa sang Nga trở về Ukraina. Vào năm 2020, Qatar hỗ trợ Hoa Kỳ đàm phán với nhóm Taliban để rút quân khỏi Afghanistan. Gần đây nhất, vào tháng 11/2023, các nhà đàm phán Qatar đã làm trung gian, hỗ trợ đạt được một thỏa thuận ngưng bắn tạm thời tại dải Gaza.
Trả lời kênh Deutsche Welle của Đức, Burcu Ozcelik, nhà nghiên cứu tại viện Royal United Services Institute cho rằng “khi xuất hiện như là một nhà đàm phán trung gian quan trọng, Qatar nâng tầm vị thế ngoại giao của nước này, từ một quốc gia đứng ngoài khu vực (có xung đột) trở thành một bên tham gia quan trọng trên trường quốc tế. Vai trò này giúp Doha tăng cường ảnh hưởng và vị thế, như là một đối tác hòa bình không thể thiếu trong cộng đồng quốc tế.
Theo các nhà phân tích, khi có khả năng “vượt trội” về mặt ngoại giao, Qatar muốn tự thiết lập an ninh của riêng mình trong một khu vực bất ổn.
Qatar có chính sách đối ngoại riêng. Chẳng hạn như việc “chứa chấp” các nhà bất đồng chính kiến, hỗ trợ các nhóm cách mạng và phiến quân. Theo DW, đây là một cách để Doha cạnh tranh với các đối thủ truyền thống – Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Doha cũng từ chối nhận lệnh từ nước láng giềng lớn hơn nhiều là Ả Rập Xê Út.
Tại sao Qatar lại có khả năng đàm phán tốt ?
Qatar có mối quan hệ rộng lớn với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Doha cũng hỗ trợ nhiều nhóm chính trị, vũ trang khác nhau, cho phép các nhóm này đặt trụ sở tại Qatar, hỗ trợ tài chính và vũ khí cho họ. Trong đó phải kể đến Taliban, Hội Huynh Đệ Hồi Giáo ở Ai Cập, nhóm phiến quân Lybia, và các nhóm hoạt động cách mạng chống chính phủ ở Syria Tunisia và Yemen trong giai đoạn Mùa xuân Ả Rập.
Vào năm 2012, chính phủ Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Barack Obama đã yêu cầu Qatar đón nhận nhánh chính trị của tổ chức Hamas ở nước này, thay vì để họ đến hoạt động tại Iran hay Syria, những nơi khó có thể tiếp cận với nhóm Hồi giáo này.
Kể từ năm 2001, Qatar đã cho Washington đặt căn cứ quân sự tại al-Udeid, với khoảng 10 000 binh lính, được coi là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông.
Theo nhà nghiên cứu Cinzia Bianco về các nước vùng Vịnh tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (một tổ chức tư vấn nghiên cứu có văn phòng tại nhiều nước châu Âu), « Qatar chắc chắn là hưởng lợi từ việc có mạng lưới « chân rết », bởi vì các nước phương tây và phương đông muốn mở rộng quan hệ và cho rằng Qatar là người bạn hữu dụng cần phải có ».
Vào năm 2022, tổng thống Hoa Kỳ gọi Qatar là một đồng minh lớn, không thuộc NATO, một phần là nhờ vào vai trò của Qatar trong việc đàm phán giúp Washington rút quân toàn bộ khỏi Afghanistan.
Qatar không chỉ có mối quan hệ thân cận với Hoa Kỳ mà cả các tổ chức Hồi giáo trong khu vực, Qatar coi các nhóm này là các phong trào chính trị và không thể bị loại trừ. Theo Deutsche Welle, việc có khả năng hữu hảo với tất cả các bên rất hữu ích. Ví dụ như trường hợp của Taliban, các thành viên của tổ chức này bày tỏ « thoải mái » khi đàm phán với Qatar và tin rằng Qatar có thể hiểu được mong muốn của tất cả các bên.
Phương cách đàm phán của Qatar có gì đặc biệt?
Theo nhà nghiên cứu Cinzia Bianco, được DW trích dẫn, các nhà đàm phán của Doha không hẳn là có những kỹ năng đặc biệt, không có gì khác với các nhà ngoại giao của các chính phủ. Thế nhưng, trên hết, họ cố gắng giữ lập trường thái độ trung lập nhất có thể, được đặt lên trên tất cả, bao gồm cả trong các chính sách đối nội và trong khu vực.
Một điểm đặc biệt khác là « chuỗi chỉ huy » của Qatar ngắn hơn. Bài phân tích của nhà nghiên cứu chính sách công tại đại học Hamad Bin Khalifa ở Qatar xác nhận rằng « khả năng đưa ra quyết định của bộ Ngoại Giao không bị chất vấn hoặc giám sát, tức là họ có thể hành động một cách nhanh chóng và hiệu quả ».
Qatar phán bằng kinh tế ?
Nhà nghiên cứu Vassilis K.Fouskas, trong một bài phân tích trên The Conversation, cho rằng Qatar không có lịch sử là một nước thực dân, do vậy không phải chịu gánh nặng mà các nước muốn giữ gìn hòa bình như Anh, Pháp hay Hoa Kỳ không thể tránh khỏi.
Vì là một nước nhỏ ở vùng Vịnh, không công khai liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ, Nga, hay Trung Quốc, nên Qatar ít bị nghi ngờ hay chỉ trích là « cường quốc ».
Vai trò trung gian chỉ là thứ yếu, mà quan trọng hơn, theo ông Vassilis, là năng lực quản lý tài sản, đầu tư và các hợp tác kinh tế của nước này với các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ – nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất của Doha.
Qatar cũng là một trong 10 nước giàu nhất trên thế giới và là quốc gia thịnh vượng nhất trong số các nước Ả Rập, với thu nhập bình quân đầu người hàng năm, lên đến 88,046 đôla,( trong khi Hoa Kỳ là 75,269 đôla, và Anh Quốc là 45,485 đôla).
Cuộc xung đột tại Ukraina đã nêu bật nhu cầu năng lượng của châu Âu. Lúc đó, Qatar xuất hiện, với tư cách là nhà xuất khẩu khí đốt (LNG), lớn thứ hai thế giới.
Ngoài ra, Qatar cũng là một quốc gia giàu có. Khả năng tài chính của Doha cho phép quốc gia nhỏ bé này có thể tổ chức, đón tiếp các bên có xung đột và tham gia xử lý nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc.
Trong bối cảnh Qatar tìm cách đa dạng nền kinh tế, nhằm giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thì việc tìm kiếm hòa bình và hợp tác, thay vì xung đột và chiến tranh phục vụ lợi ích toàn cầu và cho cả Qatar. Điều này giúp Qatar nổi bật so với các cường quốc khác trong khu vực.
Chính sách ngoại giao « đùa với lửa » ?
Trở thành nhà đàm phán của thế giới không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, Qatar tham gia vào một trong những cuộc đàm phán nhiều rủi ro nhất đối với Doha. Các quan chức Israel đã cáo buộc Qatar là « sói đội lốt cừu », vì đã tài trợ cho « khủng bố ». Các chính trị gia Hoa Kỳ thì kêu gọi cân nhắc lại quan hệ với Qatar nếu như nước này không gia tăng áp lực với Hamas. Vào tháng Tư, một số chính khách Mỹ cũng đề xuất loại bỏ tư cách đồng minh không thuộc khối NATO. Doha bác bỏ tất cả các cáo buộc nói trên và khẳng định không có quyền lực gì đối với Hamas.
Theo nhà phân tích Bianco, « khi Doha tương tác với các nhóm vũ trang phi Nhà nước, làm ra những điều tồi tệ, thì rõ ràng là có nguy cơ bị chỉ trích là đang trao tính chính danh cho họ ».
Quan hệ của Qatar với các nước trong khu vực cũng gặp nhiều trở ngại. Từ năm 2017 đến năm 2021, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập và Ai Cập, đã cắt quan hệ ngoại giao với Doha, cáo buộc nước này hỗ trợ các nhóm khủng bố mà Iran yểm trợ. Doha cũng bác bỏ cáo buộc này. Nhờ Kuwait làm trung gian hòa giải mà quan hệ với các nước này mới được thiết lập lại một cách thận trọng.