Đăng ngày: 24/08/2024
Trong thời kỳ trỗi dậy của phong trào nhạc trẻ Anh, Mỹ cuối những năm 1950, đầu thập niên 1960, “Oh! Carol” là một bản nhạc ăn khách trên thị trường quốc tế, do Neil Sedaka đồng sáng tác với Howard Greenfield vào năm 1958. Bản nhạc này ra đời vào lúc đang có trào lưu lấy tên người yêu để đặt tựa cho bài hát. Nói như vậy, thì nhạc phẩm “Oh! Carol” đã được viết cho cô gái nào ?
Trước khi có hiện tượng Neil Sedaka với “Oh! Carol”, đã có khá nhiều nhạc phẩm đặt tựa theo tên của những cô gái mỹ miều. Trường hợp của Paul Anka thành công với bản nhạc Diana (1957), Little Richard ăn khách nhờ với Lucille (1957), Buddy Holly với Peggy Sue (1957), Carl Mann với Mona Lisa (1959). Riêng trong trường hợp “Oh! Carol” của Neil Sedaka, cô gái ở đây thực ra là Carol Klein, bạn học chứ không phải là người yêu của Neil. Sau đó cô lấy nghệ danh là Carole King để rồi trở thành một trong những nữ ca sĩ kiêm tác giả thành công hàng đầu trong làng nhạc nhẹ.
Neil Sedaka và Carole King quen nhau từ thời còn học lớp 11 trường trung học Abraham Lincoln ở Brooklyn, New York. Theo lời kể của Carole, hai người qúy mến nhau vì có cùng đam mê sáng tác âm nhạc chứ không có chuyện yêu đương, hẹn hò. Sau khi tốt nghiệp ra trường, hai người vẫn chơi thân với nhau và Carole sau đó thành hôn với Gerry Goffin, cũng là một người bạn khác, quen nhau trong cùng một nhóm.
Nếu không phải là người yêu, vậy thì tại sao Neil lại lấy tên của Carol đặt tựa cho bài hát của mình ? Câu trả lời đơn giản nhất là lúc bấy giờ Neil vẫn chưa có người yêu và anh lấy cái tên thân quen nhất làm tựa đề sáng tác theo gợi ý của nhà sản xuất Don Kirshner. Sinh thời, ông từng được mệnh danh là ”Người có lỗ tai vàng” (theo như tựa đề quyển sách ”The Man with the Golden Ear” của tác giả Rich Podolsky). Ông Don Kirshner có cái tài ”bắt mạch thị trường”, thấu hiểu rất nhanh những trào lưu hay xu hướng sắp trở nên thời thượng. Nhà sản xuất người Mỹ khuyên Neil Sedaka nên viết một bài hát có tên của một cô gái ở trong tựa đề. Xen vào giữa câu bài hát những lời thoại như nhóm The Diamonds đã từng làm trong nhạc phẩm ”Little Darlin”. Điều đó giải thích vì sao trong bài “Oh! Carol”, Neil Sedaka mở đầu bằng những câu hát, nhưng đến câu thứ nhì, anh lại diễn bằng lời thoại. Nhóm hát phụ họa bằng giọng nữ cao vút chính là ban tam ca The Kittens.
Có thể nói là trong trường hợp của “Oh! Carol”, Neil Sedaka sáng tác theo công thức nhiều hơn là theo ngẫu hứng. Tuy nhiên ở tuổi 19, Neil Sedaka đã có rất nhiều nhạc cảm, chờ có cơ hội phát huy tài năng của mình. Theo lời kể của đồng tác giả bài hát là Howard Greenfield, từ thời còn nhỏ, Neil là một cậu bé hơi cứng đầu khó bảo, thích tập đàn piano hàng giờ ở trong nhà hơn là chơi bóng đá ngoài trời với các bạn cùng lứa. Ngoài đời, Neil Sedaka và Howard Greenfield sống trong cùng một xóm, mẹ của Howard do nghe liên tục tiếng đàn vọng lại từ phía nhà hàng xóm, cho nên bà mới thúc giục cậu con trai Howard nên cùng học đàn với Neil. Từ đó họ làm việc rất hợp ý với nhau trong vòng nhiều thập niên liền. Họ trở thành một đôi bạn thân do quen nhau từ thời niên thiếu : Neil Sedaka 13 tuổi, còn Howard Greenfield 16 tuổi.
Bản nhạc “Oh! Carol” giúp cho Neil Sedaka (năm anh tròn 20 tuổi) lọt vào Top Ten thị trường Anh, Mỹ và đồng thời giành lấy ngôi vị quán quân tại một số nước châu Âu như Hà Lan hay Thụy Sĩ. Trên đà thành công này, Neil Sedaka tiếp tục ghi âm nhiều bài hát ăn khách khác như ‘’One Way Ticket, Calendar Girl, Laughter in the Rain’’ …. Giai điệu “Oh! Carol” sau đó được rất nhiều nghệ sĩ ghi âm lại trong 12 thứ tiếng. Trong tiếng Pháp, bài do nhóm Les Gendarmes ghi âm với tựa đề đơn giản ngắn gọn là ”Carole”. Trong tiếng Việt, “Oh! Carol” có ít nhất hai lời khác nhau. Lời thứ nhất là nhạc phẩm ”Hỡi em yêu” của nam ca sĩ kiêm tác giả Jo Marcel trình bày. Lời thứ nhì ”Hỡi Carol” lại không ghi rõ tên tác giả và do nam danh ca Duy Quang ghi âm.
Trước thành công ngoạn mục của nhạc phẩm ”Oh! Carol”, Carole King cùng với chồng mình là Gerry Goffin đã viết thêm lời hát nhại, dí dỏm là “Oh! Neil” để hồi âm cho Neil Sedaka một năm sau. Tuy bản nhạc thứ hai không ăn khách bằng bản gốc, nhưng lại nói lên được tình huống khá khôi hài giữa hai người vừa là bạn học, vừa là đồng nghiệp do đôi bên đều đeo đuổi nghề sáng tác. Carole King từng nói đùa với Neil Sedaka rằng : Chúng ta quen nhau từ lâu, nhưng ai nào ngờ đâu anh lại đưa em vào một câu chuyện tình hư cấu.