Trung Quốc đã chi hơn 15 tỷ USD, tương đương 7% tổng ngân sách quốc phòng, cho các cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương vào năm 2023, theo một ước tính chưa công bố của Đài Loan mà Reuters xem được.
Con số này cho thấy sự đầu tư của Bắc Kinh vào các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan và các nước láng giềng.
Nghiên cứu trên cung cấp một cái nhìn hiếm hoi vào một phần của chi tiêu quốc phòng Trung Quốc khi Bắc Kinh gia tăng sự hiện diện quân sự trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực.
Trung Quốc lâu nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Loan, mặc cho sự phản đối của hòn đảo dân chủ này.
Trung Quốc cũng vướng vào các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông với một vài quốc gia khác.
“Báo cáo này cho thấy cách họ [Trung Quốc] phân bổ nguồn lực,” một quan chức cấp cao Đài Loan, người đã nghe báo cáo nhanh về nghiên cứu nói trên, cho biết.
“Họ đang dành nguồn lực lớn để cố gắng giành quyền kiểm soát phía tây của Chuỗi đảo Thứ nhất (First Island Chain).”
Quan chức này, và hai người khác biết nội dung nghiên cứu, từ chối tiết lộ danh tính vì tính chất nhạy cảm của vấn đề.
Chuỗi đảo Thứ nhất là một tập hợp các quần đảo kéo dài từ Indonesia theo hình cánh cung về phía đông bắc tới Nhật Bản, bao gồm các khu vực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong thông báo gửi Reuters, Bộ Quốc phòng Đài Loan từ chối bình luận về những số liệu trên.
“Tuy nhiên, mức đầu tư quân sự khổng lồ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm gần đây rõ ràng có tác động tiêu cực đến hòa bình và ổn định khu vực, điều không hề có lợi cho sự thịnh vượng và phát triển toàn cầu,” họ nói thêm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời bình luận của Reuters.
Vào tháng 4/2024, Reuters dẫn lời ông Trương Hựu Hiệp, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và là quan chức quân sự đứng thứ hai của Trung Quốc, không nên biến các vùng biển thành đấu trường để các nước phô trương “cơ bắp quân sự”.
Việc thực hiện các hoạt động “kiềm chế hàng hải, bao vây và phong tỏa hải đảo sẽ chỉ đẩy thế giới vào vòng xoáy của chia rẽ và hỗn loạn,” ông Trương nói thêm, ám chỉ đến Mỹ và các đồng minh.
Bộ Quốc phòng Đài Loan biên soạn các báo cáo vào tháng Năm, dựa trên dữ liệu giám sát và tình báo của Đài Loan về các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại các khu vực: biển Bột Hải phía đông bắc Trung Quốc, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Các báo cáo này tổng hợp các nhiệm vụ của hải quân và không quân Trung Quốc tại các khu vực trên vào năm 2023, sau đó ước tính chi phí cho nhiên liệu và các vật tư tiêu hao khác cho mỗi giờ hoạt động.
Chi phí tổng cộng là 110 tỷ nhân dân tệ (15,3 tỷ USD) cho các hoạt động bao gồm bảo trì, sửa chữa và tiền lương, Reuters dẫn thông tin các báo cáo và quan chức nắm thông tin về nghiên cứu trên.
Theo ba quan chức biết về các báo cáo, nghiên cứu trên có hai mục đích.
Một là giúp các nhà hoạch định chính sách Đài Loan hiểu cách Trung Quốc phân bổ nguồn lực quân sự ở các khu vực.
Hai là giúp họ đánh giá điều mà Đài Bắc nhìn nhận là “khoảng cách” giữa ý định và năng lực thực chất của Bắc Kinh.
Ba người này cũng nói rằng việc so sánh ngân sách tập trận với tình hình kinh tế của Trung Quốc giúp Đài Bắc đánh giá rủi ro cho cả Đài Loan và Trung Quốc.
Theo tính toán của Reuters, 110 tỷ nhân dân tệ tương đương với 85% ngân sách quốc phòng năm 2023 của Đài Loan và tương đương với khoảng 7% ngân sách quốc phòng năm 2023 của Trung Quốc – khoảng 1.550 tỷ nhân dân tệ.
Tuy nhiên, có những nhà ngoại giao và chuyên gia nói rằng ngân sách quốc phòng năm 2023 có nhiều phần chưa rõ ràng hoặc chưa liệt kê đầy đủ các khoản chi tiêu.
Vào tháng 3/2024, Trung Quốc đã công bố tăng 7,2% ngân sách quốc phòng năm 2024, lên khoảng 1.670 tỷ nhân dân tệ.
“Nó [nhu cầu sử dụng ngân sách quốc phòng] giống như một hố đen vậy,” ông Lữ Lễ Thi, Trung tá Hải quân Đài Loan đã nghỉ hưu, nói.
Ông lưu ý thêm rằng các khoản chi sẽ không được phân tách thành từng mục quá chi tiết.
“Bạn có thể đo được xu hướng, nhưng không thể biết các khoản mục chi tiết là gì.”
1,7 triệu giờ trên biển
Những năm gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường đáng kể tần suất các cuộc tập trận quân sự ở châu Á trong bối cảnh căng thẳng khu vực ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, một nghiên cứu nói rằng các cuộc tập trận của Bắc Kinh có quy mô và độ phức tạp kém hơn của Washington.
Năm ngoái, tờ Hoàn Cầu Thời báo nói rằng việc điều các nhóm tàu sân bay tới vùng biển Tây Thái Bình Dương không chỉ nhằm phô diễn sức mạnh xung quanh Đài Loan mà còn giúp hải quân Trung Quốc làm quen với việc hoạt động xa bờ.
“Nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc phải đối mặt với cả giới chức Đài Loan lẫn sự can thiệp của các thế lực bên ngoài,” chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nói với Hoàn Cầu Thời báo.
Nói với Reuters, bốn chuyên gia cho biết phương pháp nghiên cứu sử dụng trong các báo cáo của Đài Loan là khả thi và có thể cung cấp thông tin có giá trị.
Tuy nhiên, họ cũng nói rằng các báo cáo không tránh khỏi việc bao gồm những suy đoán.
Họ nói thêm rằng việc so sánh trực tiếp chi tiêu cho tập trận quân sự là điều khó khăn.
Chẳng hạn, không có dữ liệu về mức chi tiêu cho các hoạt động tương tự của Mỹ trong năm 2023.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất chi 9,9 tỷ đô la vào năm 2025 cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI). PDI được xây dựng để đối chọi với việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự.
Reuters hiện chưa thể độc lập kiểm chứng tính chính xác của các tính toán của Đài Loan.
Trung Quốc đã tăng cường diễn tập xâm nhập và chiến tranh ở các khu vực gần Đài Loan.
Vào năm 2023, các máy bay Trung Quốc (bao gồm tiêm kích J-10, máy bay ném bom H-6 và máy bay không người lái) đã thực hiện hơn 9.200 chuyến bay trong khu vực, tương đương khoảng 29.000 giờ bay, theo báo cáo của Đài Loan.
Hải quân Trung Quốc, có sử dụng tàu sân bay và khu trục hạm, đã thực hiện hơn 70.000 chuyến đi biển, với tổng thời gian trên biển hơn 1,7 triệu giờ.
Theo báo cáo, khoảng 40% các chuyến hải hành của Trung Quốc diễn ra ở Biển Đông, khoảng 20% ở Biển Hoa Đông ngoài khơi Nhật Bản và Hàn Quốc và gần 15% ở Eo biển Đài Loan.
Đài Bắc ghi nhận khoảng 1.700 máy bay Trung Quốc đã bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan tính từ đầu năm đến nay, theo số liệu do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tính toán.
Con số này cao hơn số liệu của cả năm 2023.
Vào tháng 5/2024, Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận “trừng phạt” xung quanh Đài Loan.
Không lâu sau khi ông Lại Thanh Đức, người Trung Quốc coi là một kẻ theo chủ nghĩa ly khai, nhậm chức Tổng thống Đài Loan, Bắc Kinh đã điều các máy bay chiến đấu được trang bị đầy đủ và tổ chức các cuộc tấn công mô phỏng gần Đài Loan.
Cũng vào tháng Năm, trong các cuộc tập trận kéo dài hai ngày có tên Liên hiệp Lợi kiếm – 2024A (Joint Sword – 2024A), lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc ước tính đã chi khoảng 13,17 triệu USD cho nhiên liệu và vật tư tiêu hao, theo một báo cáo nội bộ khác của Bộ Quốc phòng Đài Loan mà Reuters xem được.
Tính toán này không bao gồm chi phí cho nhân sự và bảo trì (thường gấp khoảng ba lần chi phí cho nhiên liệu và vật tư tiêu hao), Reuters dẫn thông tin từ ba quan chức biết về nghiên cứu này.
Khi đó, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện hơn 100 chuyến bay với khoảng 300 giờ bay, theo báo cáo.
Các tàu chiến và tàu tuần tra của Trung Quốc thực hiện khoảng 90 chuyến đi.
Ông Yết Trọng (Chieh Chung), một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Dự báo Chiến lược (the Association of Strategic Foresight) có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết hoạt động này cho thấy quân đội Trung Quốc đang tăng cường khả năng chiến đấu.
“Quân đội của Đảng Cộng sản [Trung Quốc] đang tăng cường tập luyện chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đài Loan,” ông nói.
“Ngày càng có nhiều máy bay và phi công có khả năng thực hiện các nhiệm vụ như vậy.”