Một nửa dân số toàn cầu không biết về chất lượng nước ngọt

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, được công bố hôm nay, 28/08/2024, chất lượng nước ngọt trên toàn cầu ngày càng xuống cấp trầm trọng, nhưng khó có thể xác định được mức độ do thiếu dữ liệu tại những nước nghèo, chiếm gần một nửa dân số thế giới.

Đăng ngày: 28/08/2024

Le lac Poyang a perdu 90% de sa superficie en moins de deux mois.
Mức nước hồ Bà Dương (miền nam Trung Quốc) – hồ chứa nước ngọt lớn nhất nước – giảm xuống mức kỷ lục vào mùa hè năm 2022 (mất 90 % diện tích bề mặt trong hai tháng). REUTERS – THOMAS PETER

Chi Phương

Báo cáo được AFP trích dẫn, chỉ ra rằng 3,8 tỷ người, tương đương với gần nửa dân số thế giới, sống tại những khu vực mà chỉ có 3 % số liệu đo lường về chất lượng nước. Do thiếu dữ liệu, báo cáo của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng « từ nay đến năm 2030, một nửa dân số nhân loại sẽ không có đủ thông tin để có thể đưa ra quyết định liên quan đến việc đối phó với hạn hán, lũ lụt và tác động từ nước thải… »

Các đo lường về chất lượng nước cho phép phân tích sự thay đổi của các hệ sinh thái nước. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2015-2019, tại 61% quốc gia, ít nhất một loại hệ sinh thái nước ngọt như sông, hồ và tầng nước ngầm, ở trong tình trạng suy thoái. Tỷ lệ này đả giảm xuống còn 31 % trong giai đoạn 2017 -2019, do Liên Hiệp Quốc thiết lập các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2015. Tuy nhiên, do không có đủ dữ liệu mới, tỷ lệ các quốc gia có hệ sinh thái nước bị suy thoái hiện có thể ở mức 50 %.

Hơn 2 tỷ người không được tiếp cận nước uống sạch

Tại nhiều nước ở châu Phi, Trung Á và Đông Nam Á, lưu lượng nước sông và diện tích mặt nước đã giảm đáng kể, thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm cũng như việc quản lý nước chất lượng nước kém hơn.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng 80 % nước thải chưa qua xử lý trên toàn cầu, được xả trực tiếp ra môi trường. Sự suy thoái của các hệ sinh thái nước có thể làm gia tăng bất bình đẳng về nước, mà cho đến nay, hơn 2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nước uống bảo đảm vệ sinh.

Báo cáo cũng khuyến nghị phát triển các chương trình giám sát do các chính phủ tài trợ về lâu về dài, thu thập các dữ liệu từ vệ tinh, cũng như huy động người dân thu thập thông tin, “để lấp đầy khoảng trống dữ liệu”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment