Tại sao cái chết và Thế chiến I lại ám ảnh Chúa tể những chiếc nhẫn


Lord of the ring
  • Tác giả, Myles Burke
  • Vai trò, BBC News

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1968, BBC đã trò chuyện với tác giả JRR Tolkien về những trải nghiệm của ông trong Thế chiến I, về việc chúng ảnh hưởng sâu sắc thế nào đến tiểu thuyết giả tưởng vĩ đại của ông, Chúa tể những chiếc nhẫn.

“Những câu chuyện – thành thật mà nói, những câu chuyện của con người luôn nói về một điều – cái chết. Cái chết không thể tránh khỏi,” tác giả Chúa tể những chiếc nhẫn JRR Tolkien đã nói như vậy trong một bộ phim tài liệu của BBC vào năm 1968, khi ông cố gắng giải thích tác phẩm giả tưởng vĩ đại của mình thực sự nói về điều gì.

Bộ tiểu thuyết, tập đầu tiên được xuất bản cách đây 70 năm, đã mê hoặc độc giả kể từ khi nó xuất hiện trên kệ sách vào năm 1954.

Chúa tể những chiếc nhẫn, với thế giới tưởng tượng được xây dựng tinh vi và phức tạp cùng lịch sử chi tiết về những vùng đất có những người lùn, người Hobbit và phù thủy sinh sống, bị đe dọa bởi Sauron độc ác, đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất và là nền tảng của thể loại truyện giả tưởng vào thời điểm cuộc phỏng vấn.

Để giải thích rõ hơn ý của mình khi nói rằng câu chuyện Chúa tể những chiếc nhẫn là về cái chết, Tolkien thò tay vào túi áo khoác và rút ví ra, trong đó có một mẩu báo.

Sau đó, ông đọc to bài báo đó, trích từ tác phẩm A Very Easy Death (Một cái chết rất dễ dàng) của Simone de Beauvoir, một câu chuyện cảm động năm 1964 về việc mẹ của nữ tác gia đã khát khao bám víu lấy sự sống như thế nào trong những ngày bà hấp hối.

“Không có cái gọi là cái chết tự nhiên,” ông đọc. “Không có gì xảy ra với một người là tự nhiên, vì sự hiện diện của anh ta đã đặt ra những câu hỏi về thế giới. Tất cả mọi người đều phải chết: nhưng đối với mỗi người, cái chết của họ là một tai nạn và, ngay cả khi họ biết điều đó và đồng ý với nó, thì cái chết vẫn là một sự xâm phạm theo cách không thể biện minh được đến sự hiện hữu của họ.”

“Anh có thể đồng ý hay không với những lời này,” ông nói. “Nhưng đó là yếu tố chính của Chúa tể những chiếc nhẫn.

Hình ảnh cái chết đã hiện diện mạnh mẽ trong những năm tháng đầu đời của Tolkien.

Những trải nghiệm đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách ông nhìn nhận thế giới, tác động đến các chủ đề mà ông liên tục trở lại khai thác và khám phá khi viết về thế giới hư cấu Trung Địa của mình.

John Ronald Reuel Tolkien sinh năm 1892 tại Nam Phi, nơi cha mẹ ông, “hai người rất Anh, cực kỳ Anh,” đã chuyển đến khi cha ông theo đuổi sự nghiệp trong ngành ngân hàng.

Khi JRR Tolkien lên ba, trong một lần về thăm gia đình cùng mẹ và em trai Hilary, cha ông – người đã có kế hoạch đi cùng – đột ngột qua đời vì bệnh sốt thấp khớp.

Là trụ cột gia đình, cái chết đột ngột của cha ông khiến gia đình trở nên túng quẫn.

Mẹ ông, bà Mabel, quyết định ở lại Anh, sống trong một ngôi nhà nhỏ nghèo nàn ở làng Sarehole, gần Birmingham.

Việc ông trở về Anh là “một kiểu trở về nhà ‘kép’, khiến cho những đồng cỏ bình thường ở Anh, những kỳ nghỉ ở vùng nông thôn trở nên vô cùng quan trọng đối với tôi,” Tolkien nói với BBC.

Sự pha trộn giữa vùng nông thôn và khu công nghiệp Birmingham gần đó đã ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan mà sau này ông đã tưởng tượng ra trong Chúa tể những chiếc nhẫn.

Tolkien cực kỳ gần gũi với mẹ ông, bà Mabel, người đã dạy con trai ở nhà và đánh thức trong ông tình yêu với các câu truyện kể, thần thoại và thực vật học.

Bà đã nuôi dưỡng năng khiếu ngôn ngữ đáng chú ý của ông, dạy ông tiếng Latin, tiếng Pháp và tiếng Đức từ khi còn nhỏ, và truyền cảm hứng cho ông phát minh ra ngôn ngữ của riêng mình sau này – chỉ đơn thuần với mục đích giải trí.

Khi JRR Tolkien 12 tuổi, bà Mabel được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thể 1 vào năm 1921, thời điểm insulin chưa được phát hiện, căn bệnh này có tiên lượng tử vong cao.

Mẹ của Tolkien đã cải sang Công giáo vào đầu thế kỷ, và khi bà qua đời vào ngày 14/11/1904, hai cậu bé mồ côi được giao cho một linh mục, Cha Xavier Morgan, và sau đó ở với một người dì.

Thành tích học tập xuất sắc của Tolkien đã giúp ông có được một suất học tại Đại học Oxford, nơi ông học các tác phẩm kinh điển trước khi chuyển sang ngành ngữ văn vì tài năng ngôn ngữ của ông.

Khi Thế chiến I nổ ra vào năm 1914, ông đã cố gắng hoãn nhập ngũ vì bận học.

Nhưng sau khi tốt nghiệp vào năm sau và phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ người thân, ông được phong thiếu úy ở Lancashire Fusiliers và được đưa đến Mặt trận phía Tây.

‘Bùn, hỗn loạn và cái chết’

Tolkien đã trải nghiệm sự tàn khốc của chiến tranh trong các chiến hào ở Somme vào tháng 7/1916
Chụp lại hình ảnh, Tolkien đã trải nghiệm sự tàn khốc của chiến tranh trong các chiến hào ở Somme vào tháng 7/1916

Tiểu đoàn của Tolkien đến Somme vào đầu tháng 7/1916. Cuộc chiến này rồi đây sẽ trở thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất lịch sử loài người. Nỗi kinh hoàng, sự tàn khốc của chiến tranh mà ông trải qua dưới những chiến hào, với bùn, hỗn loạn và cái chết, đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong ông, và tiếp tục thấm đẫm các tác phẩm sau này của ông.

Những chiến trường bị tàn phá bởi chiến tranh của Pháp và Bỉ có thể được nhìn thấy trong các mô tả của ông về địa ngục, những phong cảnh hoang vắng của Mordor trong Chúa tể những chiếc nhẫn.

Những dư âm của nỗi đau khổ và cảnh tàn sát khủng khiếp mà ông chứng kiến ​​- do chiến tranh cơ giới mới gây ra – có thể được tìm thấy trong các miêu tả của ông về những cỗ máy chiến tranh hủy diệt của các sinh vật orc đáng sợ và hành động phá rừng của phù thủy Saruman ở Trung Địa.

Tác giả của cuốn sách Tolkien and the Great War (Tolkien và cuộc đại chiến), John Garth, đã nói với BBC vào năm 2017 rằng ông tin tiểu thuyết gia Tolkien đã sử dụng tác phẩm của mình như một “lễ trừ tà” để thoát khỏi những nỗi kinh hoàng mà ông chứng kiến ​​trong Thế chiến I.

Ông cho rằng sốt chiến hào (trench fever) không phải là ảnh hưởng duy nhất mà chiến tranh gây ra cho tiểu thuyết gia Tolkien.

“Ông ấy đã mất hai người bạn thân thiết nhất của mình ở Somme và, bạn có thể tưởng tượng, ông ấy hẳn đã bị tổn thương về tinh thần không kém về thể chất.”

Tiến sĩ Malcolm Guite, nhà thơ và nhà thần học, cũng chia sẻ niềm tin đó. Ông nói trên podcast Great Lives của BBC vào năm 2021 rằng “có những chi tiết mà tôi nghĩ là trực tiếp đến từ trải nghiệm chiến tranh của ông ấy, và có lẽ ông ấy đã không thể viết ngay lập tức [sau đó]. Ông ấy đã bị khủng hoảng.”

“Vì vậy, những xác chết trong các vũng nước ở đầm lầy đang ngóc nhìn lên. Sự hoang tàn khủng khiếp ở Mordor với khói độc bốc ra từ lòng đất. Tất cả những điều đó đều xuất phát từ Mặt trận phía Tây.”

Nicholas Hoult và Lily Collins đóng vai chính trong bộ phim Tolkien năm 2019, kể về những năm tháng hình thành nên tác giả
Chụp lại hình ảnh, Nicholas Hoult và Lily Collins đóng vai chính trong bộ phim Tolkien năm 2019, kể về những năm tháng thanh niên đầy trải nghiệm đã hình thành nên tác giả

Tương tự như vậy, trải nghiệm của Tolkien về tình đồng đội sâu sắc được hình thành giữa những người lính trải qua sự tàn bạo của chiến tranh đã bổ sung thêm hiện thực tinh tế, đầy ý nghĩa cho mối liên kết không lay chuyển giữa hai nhân vật Hobbit chính trong Chúa tể những chiếc nhẫn, Sam và Frodo.

“Tolkien đặc biệt nói rằng đó là mối quan hệ của những sĩ quan trẻ đã bị giết, và batman [cách gọi những người lính được giao việc phục vụ riêng cho một sĩ quan] của họ,” Guite nói.

Vào tháng 11/1916, sau nhiều tháng chiến đấu, Tolkien mắc bệnh sốt chiến hào, một căn bệnh do chấy rận gây ra, và ông đã được đưa trở về Anh để điều trị.

Vào giai đoạn cuối chiến tranh, hầu hết những người mà ông từng tham gia cùng tiểu đoàn đã thiệt mạng.

Mặc dù những trải nghiệm thời chiến của Tolkien có thể đã thêm chiều sâu và tính xác thực cho thế giới thần thoại mà ông tạo ra, nhưng bản thân tác giả luôn khẳng định rằng ông không viết Chúa tể những chiếc nhẫn như một ẩn dụ cho Thế chiến I, hay bất kỳ sự kiện cụ thể nào khác trong lịch sử.

“Mọi người không hiểu đầy đủ sự khác biệt giữa ẩn dụ và sự diễn giải,” ông nói với BBC vào năm 1968.

“Bạn có thể đến xem một vở kịch của Shakespeare và diễn giải nó theo những ý tưởng trong đầu bạn, nếu bạn muốn, nhưng chúng không phải là ẩn dụ… Ý tôi là một số người cố gắng diễn giải Chiếc Nhẫn trong Chúa tể những chiếc nhẫn như một biểu tượng hoặc ẩn dụ cho bom hạt nhân và nghĩ rằng đó là những gì tôi muốn nói, và toàn bộ câu chuyện là ẩn dụ về nó. Không phải vậy.”

Nhưng một phần làm nên sức hấp dẫn lâu dài của Chúa tể những chiếc nhẫn là nó không chỉ là một ẩn dụ trực tiếp. Các chủ đề mà nó khám phá – chiến tranh và chấn thương, công nghiệp hóa và sự tàn phá thế giới tự nhiên, sự tha hóa do quyền lực và cách mối quan hệ bạn bè có thể giúp con người vượt qua nghịch cảnh và mất mát – có sức ảnh hưởng sâu rộng, vượt ra ngoài một sự kiện hoặc thời gian đơn lẻ.

Cuốn tiểu thuyết giả tưởng này đã từng bị một số nhà phê bình coi chỉ là một câu chuyện phiêu lưu về những người bạn dũng cảm chiến đấu chống lại sự tàn bạo không thể nói nên lời.

Nhưng Chúa tể những chiếc nhẫn không phải là sự tôn vinh chiến tranh – mà là một sự phản ánh về cách cái chết và chấn thương tinh thần do chiến tranh gây ra đã thay đổi vĩnh viễn những người chứng kiến và sống sót như thế nào.

Cảm giác không thể hòa nhập mà nhiều binh sĩ từng phục vụ trong Thế chiến I trải qua khi trở về nhà, được chào đón bởi những người không thể hiểu những gì họ đã trải qua, được phản ánh trong cuốn sách cuối cùng, khi các hobbit trở về Shire.

Họ thấy thế giới của mình đã thay đổi sau trận chiến, với những hobbit đồng loại không thể hiểu tại sao Frodo và Sam, những người bị ám ảnh bởi những gì họ đã trải qua, không bao giờ có thể trở lại ngây thơ như trước.

“Một nhà phê bình từng nói rằng đó là một cuốn sách rất vui nhộn,” Tolkien nói với BBC. “Tất cả những chàng trai chính nghĩa đều trở về nhà và mọi người đều hạnh phúc và vui mừng. Điều đó không đúng, tất nhiên. Ông ấy có thể đã không đọc câu chuyện này.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment