Đăng ngày: 30/08/2024
Vichy – được xếp hạng Di sản UNESCO – nổi tiếng với những nguồn nước khoáng, những sản phẩm mang thương hiệu “Vichy”, và được mệnh danh là “Nữ hoàng của những thành phố spa” (Reine des villes d’eaux). Thế nhưng, đó cũng là một thành phố quốc tế được vinh danh năm 2024 trong triển lãm cùng tên (từ 04/05-11/11). Và trong hai thế kỷ hướng ra nước ngoài đó, có dấu ấn của Việt Nam, của những người Việt đến sống trong khu vực.
Sáng 04/05/2024, Vichy nhộn nhịp với bốn triển lãm lần lượt được khai mạc. Bốn triển lãm, với những chủ đề khác nhau, trong đó có L’Art en exil. Hàm Nghi, Prince d’Annam (tạm dịch : Nghệ thuật lưu đày. Hàm Nghi, Vương tử An Nam), nhưng đều chung sợi dây liên kết về một Vichy, l’Internationale (Vichy, Thành phố quốc tế) hấp dẫn về thương mại, cởi mở và hiếu khách.
Những mạch nước kết nối Vichy với thế giới
Ông Jacques Alder, chủ tịch hiệp hội Nhà truyền giáo (Maison du Missionnaire), nơi vẫn tiếp đón chủng sinh từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có một người Việt Nam, đến học tiếng Pháp và là chủ quản của Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi và châu Á (Musée des Arts d’Afrique et d’Asie, AAA), nơi tổ chức triển lãm về vua Hàm Nghi, giải thích với RFI Tiếng Việt :
“Chúng tôi phối hợp với thị chính và tham gia triển lãm Vichy l’Internationale, hai thế kỷ lịch sử quốc tế, bởi vì Vichy là một thành phố lớn dưới thời Napoléon III, đó là “Nữ hoàng của các thành phố spa”. Nhiều đời vua và hoàng hậu vẫn đến Vichy để điều trị nước khoáng. Vì thế, thành phố muốn tổ chức một sự kiện lớn nhân dịp 200 năm tại bốn bảo tàng. Chỉ trong sáng thứ Bẩy 04/05, cả bốn triển lãm được khai trương và triển lãm lớn nhất – Vichy, l’Internationale – được tổ chức ở tòa nhà, nơi mà trước đây là Khách sạn International nổi tiếng, hiện giờ được chuyển thành căn hộ”.
Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi và châu Á là nơi tổ chức triển lãm về vua Hàm Nghi, dựa trên công trình nghiên cứu của Amandine Dabat, hậu duệ của vua Hàm Nghi, và cũng là người giám sát. Mối nhân duyên giữa vua Hàm Nghi và thành phố Vichy kéo dài hơn bốn thập niên, theo giải thích của Amandine Dabat :
“Ở Vichy, vua Hàm Nghi rất nổi tiếng. Ông đến đó thường xuyên, tận 25 lần từ 1893 đến 1938. Cho nên ông kết bạn với rất nhiều nhân vật nổi tiếng của thành phố Vichy. Có thể thấy điểm này trong Triển lãm Vichy – thành phố Quốc tế, triển lãm cũng nhắc đến Hàm Nghi ở Vichy. Có rất nhiều thư từ trao đổi, những bộ phim ngắn và hình ảnh về Hàm Nghi với nhiều nhân vật nổi tiếng ở Vichy được trưng bày trong triển làm Hàm Nghi – Vương tử An Nam ở bảo tàng Nghệ Thuật châu Phi và châu Á này”.
Bản thân tòa nhà cũng là một công trình cổ trăm năm, chứa đầy lịch sử. Năm 1922, Henri Watthé, một nhà truyền giáo dòng Thánh Lazarus, đến Vichy điều trị nước khoáng. Một năm sau, ông lập hội Maison du Missionnaire (Nhà truyền giáo) để tiếp đón các tu sĩ đến điều trị. Họ đến từ những vùng thuộc địa thời kỳ đó, hoặc có liên hệ với Pháp. Họ mang tặng những đồ vật đặc trưng của quê hương và làm nên bộ sưu tập của Nhà truyền giáo. Đến năm 1935, hiệp hội Nhà truyền giáo tặng bộ sưu tập châu Á cho bảo tàng. Giám đốc bảo tàng Marie-Line Therre cho biết :
“Điều thú vị ở đây, đó là lịch sử của bảo tàng được gắn với lịch sử của thành phố, lịch sử của nước Pháp bởi vì đây là một bảo tàng nghệ thuật, ví dụ với triển lãm Hàm Nghi – Vương tử An Nam rất thú vị này. Nhưng đó cũng là một bảo tàng xã hội, có nghĩa là giải thích về nhân loại và lịch sử loài người. Điều quan trọng đối với chúng tôi và với những thế hệ mới là giải thích được thời kỳ thuộc địa là gì, tại sao những đồ vật đó lại nằm ở đây, tại sao lại có những làn sóng di cư đến Pháp, tất cả những chủ đề đó đều liên quan đến lịch sử của bảo tàng.
Một điều quan trọng khác là phải giải thích một cách mô phạm chuyện đã xảy ra như thế nào. Chính vì thế mà có một phòng giải thích lịch sử đó, tiếp theo là những gian khác dành để triển lãm, ví dụ như triển lãm về vua Hàm Nghi hoặc ở tầng trên dành nói về Mission protection (tạm dịch : Sứ mệnh che chở) trưng bày những dụng cụ, đồ vật liên quan đến việc che chở trên khắp thế giới vì trên trái đất, tất cả mọi người đều có cùng câu hỏi : Bảo vệ mình như thế nào ? Yêu thương người khác như thế nào ?… Tùy theo nền văn hóa mà có những cách nhìn thế giới khác nhau hoặc cách trả lời những câu hỏi phổ quát đó. Đó chính là điều mà chúng tôi muốn truyền tải tới công chúng”.
Hàm Nghi : “Người nhập cư” nổi tiếng ở Vichy
Vua Hàm Nghi có lẽ là một trong những người nhập cư nổi tiếng nhất ở Vichy. Đằng sau tên của ông là những tưởng tượng về phiêu du, kì bí phương Đông đối với nhiều người dân Vichy lúc bấy giờ. Họ bị câu chuyện của nhà vua mê hoặc, trong đó có một “đại gia” công nghiệp vùng Verdun. Villa Prince d’Annam, hoàn thiện năm 1904, do kiến trúc sư Adrien Dacq thiết kế theo phong cách Tân nghệ thuật, được trang trí nhiều họa tiết tinh xảo, mái đua, lan can, tay vịn bằng sắt uốn. Năm 2017, Sylviane và Bruno trở thành chủ sở hữu ngôi biệt thự vì như bị “hớp hồn” ngay khi bước vào.
“Đó là một đại gia công nghiệp ở Verdun, Bruno giải thích. Ông ấy cho xây bốn biệt thự sát nhau. Ông ấy không sống ở đó mà cho thuê. Đại gia này có hai cô con gái, ông xây những ngôi nhà đó cho họ nhưng họ cũng không sống ở biệt thự. Họ giao cho văn phòng môi giới quản lý và cho thuê thời vụ”.
Sylviane nhớ lại : “Lúc mua ngôi nhà này, chúng tôi không để ý phía trước ghi là Villa Prince d’Annam. Sau đó, chúng tôi cứ thắc mắc về tên của ngôi nhà và bắt đầu quan tâm người đó là ai và tìm hiểu lai lịch”. “Chúng tôi tìm trên internet, Bruno tiếp lời. Những tài liệu duy nhất mà chúng tôi tìm thấy được về vương tử An Nam là luận văn tiến sĩ của Amandine Dabat, một trong những hậu duệ của ông, đến lúc đó chúng tôi mới biết đó là vua Hàm Nghi. Đúng là chúng tôi khá là ngạc nhiên về phát hiện này”.
Có thể thấy vương tử An Nam có tiếng như thế nào ở Vichy, dù ông cố kín tiếng nhất. Và căn biệt thự đó, vua Hàm Nghi chưa bao giờ lưu lại, theo khẳng định của Amadine Dabat :
“Vichy thực sự là một thành phố quốc tế, rất cởi mở cho nên, vì là vương tử An Nam nên ông rất nổi tiếng khi đến Vichy. Vì thế tôi nghĩ rằng có thể vì tên của ông đẹp, nghe rất lãng mạn nên người cho xây Villa Prince d’Annam (Biệt thự Vương tử An Nam), đã chọn tên vương tử An Nam để đặt cho biệt thự đó. Nhưng thông qua các tài liệu lưu trữ, người ta biết rằng khi đến Vichy, Hàm Nghi chưa bao giờ sống ở biệt thự đó. Ông thường ở bệnh viện quân y khoáng nóng hoặc ở khách sạn. Ông luôn cố kín tiếng nhất có thể. Theo cách sống của ông thì không bao giờ ông có thể sống trong một biệt thự mang tên mình như vậy. Đó không phải là phong cách của ông và điều này được các tài liệu lưu trữ xác nhận. Tên của ông có trong tất cả những khách sạn nơi ông lưu trú cũng như ở bệnh viên quân y. Người ta biết chính xác ông ở đâu khi ông tới Vichy và biết rõ là chưa bao giờ ông sống trong biệt thự không liên quan gì đến ông, ngoại từ tên của ông được đặt cho biệt thự đó”.
Dù sao, biệt thự cũng là nơi kết nối những người thân quen của vua Hàm Nghi ở khắp nước Pháp. Rất nhiều người, vì tò mò cũng có, vì ngưỡng mộ cũng có, tìm đến Villa Prince d’Annam, được Sylviane và Bruno mở cửa đón lưu trú. Vương tử An Nam trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của họ. Họ đến Việt Nam tìm dấu tích của vua Hàm Nghi. Họ cho biết chỉ là “người kết nối” nhưng thấy “tự hào” vì chia sẻ được những khám phá của mình với du khách lưu trú tại Villa Prince d’Annam, cũng như người dân Vichy.
“Một năm, có một người phụ nữ từ Lyon tới, Sylviane nhớ lại, và nhất quyết muốn ngủ lại biệt thự vì bà hoặc là bà trẻ của bà ấy từng kể về vương tử An Nam khi ông đến Lyon mua lụa. Ở Lyon có rất nhiều nhà máy dệt lụa. Ông mua lụa để may trang phục truyền thống Việt Nam, bởi ông luôn mặc như vậy. Và hình như vua Hàm Nghi đã tặng cho người phụ nữ đó một bức tranh bởi vì ông vẫn thường xuyên tặng tranh cho mọi người. Ông ấy rất hào phóng vì thế có rất nhiều người được ông tặng tranh”.
“Đó là một người đã bước vào cuộc đời của chúng tôi vì chúng tôi nói về ông ấy, về cuộc đời của ông ấy gần như hàng ngày. Tất cả khách lưu trú của chúng tôi hỏi về Hàm Nghi vào mỗi bữa sáng. Đó thành chuyện thường tình !”. “Chúng tôi kể câu chuyện của thái tử An Nam, khi ông ấy còn trên ngai vàng theo những gì chúng tôi tìm hiểu được và khi ông ấy buộc phải ra đi, bị đày sang Alger”.
Tỉnh Allier và Vichy, nơi dừng chân của di dân Đông Dương
Triển lãm về vua Hàm Nghi cũng làm nổi bật nhiều nét tương đồng giữa cuộc sống lưu đày của vua Hàm Nghi với cảnh di trú : những lo lắng và đau thương khi phải rời quê hương, phải làm lại cuộc đời ở xứ sở mới. Hiệp định Geneve (21/07/1954) chấm dứt chiến tranh Đông Dương, ba nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt được độc lập. Sự kiện này cũng dẫn đến làn sóng di dân đến Pháp lục địa, trong đó có tỉnh Allier mà Vichy là thủ phủ. Chủ tịch hội Nhà Truyền giáo Jacques Alder cho biết :
“Cách Vichy không xa, khoảng 50 km, có một thành phố nhỏ tên là Noyant-d’Allier, nơi sinh sống của cộng đồng người Đông Dương trước đây, và có một ngôi chùa rất đẹp (Pháp Vương Tự). Chúng tôi kết hợp với họ để có thể tổ chức những cuộc triển lãm này. Có một phần triển lãm nói về Noyant d’Allier, giải thích về làn sóng di dân Đông Dương năm 1954 đã diễn ra như thế nào”.
Nhiều hình ảnh, đồ vật được trưng bày trong đợt triển lãm tại Vichy kể lại câu chuyện của nhiều gia đình người Việt đến Noyant-d’Allier định cư nhờ trợ giúp của trung tâm tiếp nhận người từ Đông Dương hồi hương (Centre d’accueil des rapatriés d’Indochine, CARI), được coi là một trong những trung tâm lớn nhất Pháp. Họ là những người giúp Noyant-d’Allier hồi sinh sau khi ngành khai thác mỏ bị ngừng hoạt động.