Những cuộc tấn công mạng (chủ yếu nhằm mục đích lừa đảo) hay những cuộc đàm phán ngoại giao và thương mại có tính bảo mật cao trong phòng chờ ấm cúng của các khách sạn lớn ở Paris được tiến hành trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội và những tháng trước đó.
Đăng ngày: 30/08/2024
Đại diện các quốc gia có những bất đồng đã dùng bữa tối với nhau, tham gia tiệc cocktail và các cuộc gặp bí mật khác để tìm cách giải quyết bất hòa. Điển hình là cuộc gặp giữa Rodolphe Saadé, giám đốc điều hành của một công ty vận chuyển hàng hải và phó chủ tịch Trung Quốc, Hàn Chính (Han Zheng), trong khi các nhà ngoại giao và nhân viên tình báo gặp lại những người quen cũ hay đơn giản là chuyển đi các thông điệp, trong mỗi sự kiện mà giới truyền thông cũng như các cặp mắt tò mò khác thường bị đánh lạc hướng.
Những cuộc đàm phán bí mật nhất luôn có thể được che giấu giữa thanh thiên bạch nhật, và những cuộc họp quốc tế này quy tụ giới chính khách, kinh tế và truyền thông ở cùng một nơi trong vòng hai tuần. Trong những sự kiện lớn này, hoạt động tình báo, dưới mọi hình thức, luôn hiện diện…
Hoạt động theo dõi đối thủ…
Ngày 24/07/2024, một ngày trước khi diễn ra trận bóng đá nữ giữa Canada và New Zealand, một vụ việc được tòa án Pháp mô tả là “gián điệp công nghiệp” đã gây tranh luận. Hai ngày trước đó, một nhà phân tích, với 5 năm làm việc cho đội tuyển bóng đá quốc gia Canada, đã bị lực lượng an ninh ở Saint-Étienne bắt quả tang cho bay một chiếc drone phía trên sân vận động, nơi đội tuyển New Zealand đang tập luyện kín.
Các quốc gia có thể thành công tại Thế Vận Hội hay trong các hoạt động kinh tế khác nhờ những hoạt động tình báo dựa trên các nguồn tin công khai, mà tất cả mọi người có thể truy cập một cách hợp pháp. Việc một drone bay ở trên không gian công cộng này là một sự kiện lạ, bởi vấn đề nằm ở chỗ nhà phân tích người Canada “đã cho chiếc drone bay trong một không gian bị cấm”, tức là một sân vận động dành riêng cho một hoạt động thể thao tổ chức kín, trong phạm vi được chính quyền Pháp kiểm soát nghiêm ngặt vì lý do an ninh cấp thiết. Ngoài vụ việc xảy ra tại Pháp, cũng phải nhắc đến vụ trợ lý huấn luyện viên của một câu lạc bộ bóng đá Ý bị phát hiện đã trèo lên cây để quan sát buổi tập kín của đối thủ vào tháng 02/2024.
Công nghệ phát triển đi kèm với việc chuyên nghiệp hóa của các vận động viên đã “chuẩn hóa” việc áp dụng các kỹ thuật gián điệp (mua chuộc để cài nội gián vào phía đối thủ, theo dõi trực tiếp và gián tiếp các nội dung thi đấu một cách tỉ mỉ hơn, phân tích báo chí và phát tán thông tin sai sự thật) và trở nên phổ biến.
Tất cả những hành động này nhằm mục đích thao túng các môn thi đấu, đồng thời mở ra cánh cửa cho đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
OSINT phục vụ tình báo thể thao
Hoạt động tình báo nhằm mục đích mang lại chiến thắng trong mọi cuộc tranh tài. Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật để thu thập dữ liệu nhằm cải thiện thành tích thể thao luôn bị coi là gian lận, theo nhận định của vận động viên người Canada, từng giành huy chương vàng Olympic môn trượt tuyết (1994), Jean-Luc Brassard, nhân vụ quốc gia Bắc Mỹ sử dụng drone trước trận gặp New Zealand.
Ngoài ra, ai cũng biết đến Scipio Africanus Mussabini (1867-1927), do diễn viên Ian Holm thủ vai trong Những cỗ xe rực lửa (Chariots of Fire), một bộ phim lấy bối cảnh Thế Vận Hội Paris 1924. Nhà báo này là một trong những huấn luyện viên chuyên nghiệp đầu tiên đi ngược lại tinh thần thể thao nghiệp dư của phong trào Olympic. Hoạt động từ năm 1904, khi dẫn dắt vận động viên chạy nước rút người Nam Phi Reggie Walker ở Luân Đôn, đến năm 1924, với vận động viên Harold Abrahams ở Paris, ông được biết đến nhiều nhất nhờ sử dụng kỹ thuật của nhiếp ảnh gia Eadweard Muybridge, để hiểu rõ hơn cử chỉ, động tác và kỹ thuật của vận động viên điền kinh khi về đích. Ông Mussabini đã phân tích những hình ảnh về chuyển động của loài ngựa và áp dụng trong thể thao, giống như một chuyên gia phân tích tình báo OSINT thời hiện đại. Đó là những hoạt động đầu tiên trong lịch sử thể thao nhằm cải thiện thành tích.
Vào tháng 10/1954, cuộc trò chuyện giữa bác sĩ Olympic người Mỹ John Ziegler (khoảng 1920-1983) với người đồng nghiệp Liên Xô tại Vienna, Áo, đã xác nhận điều mà huấn luyện viên Bob Hoffmann nghi ngờ từ Thế Vận Hội Helsinki 1952 : vận động viên cử tạ Liên Xô dính doping với chất testosteron. Sau đó, Ziegler đã tìm cách tổng hợp chất này ở cấp độ công nghiệp, để giúp cho các vận động viên Mỹ cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ Liên Xô. Kể từ đó, việc nâng cao thành tích của vận động viên thông qua các phương pháp y tế không ngừng phát triển.
Ba mục tiêu của cơ quan tình báo
Trong lĩnh vực thể thao, hoạt động tình báo hướng tới ba mục tiêu.
Đầu tiên, hoạt động này tìm cách nâng cao trình độ kỹ thuật của các vận động viên. Do đó, Mussabini đã nghiên cứu tất cả các khía cạnh trong chế độ ăn uống, tập luyện của các vận động viên, tìm ra những phương pháp cải thiện kỹ thuật, thể lực và sức bền. Ông sử dụng máy ảnh để ghi lại và nghiên cứu kỹ thuật của họ và nhấn mạnh các vận động viên phải đeo đồng hồ bấm giờ để học cách chạy với tốc độ ổn định. Qua việc nghiên cứu kỹ lưỡng cách chạy của họ, đặc biệt là độ dài sải chân và chuyển động của cánh tay, ông Mussabini khuyến khích các vận động viên phải vung tay khi chạy, kỹ thuật mà ngày nay được gọi là “Poly swing”.
Ngoài ra, do số tiền bỏ ra rất lớn cùng với việc quảng bá với thế giới hình ảnh đất nước, việc tổ chức các sự kiện lớn như Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới hay Thế Vận Hội Olympic đòi hỏi phải có những hoạt động trên quy mô lớn của toàn bộ các cơ quan của những nước có liên quan, đương nhiên trong đó có những hoạt động tình báo. Những tin đồn về tham nhũng xung quanh quá trình trao quyền đăng cai các giải đấu lớn (Salt Lake City 2002, Sochi 2014, Qatar 2022…) thường có nguồn gốc từ những hoạt động thu thập thông tin của các nhân viên tình báo : dưới hình thức thanh toán trực tiếp, hợp đồng mua đất, hỗ trợ học phí, quyên góp cho các chiến dịch chính trị hoặc quyên góp từ thiện giúp đỡ địa phương để mua phiếu bầu của các thành viên Ủy ban Olympic quốc tế, gian lận trong khâu đấu thầu để ủng hộ các công ty làm việc với ban tổ chức địa phương.
Cuối cùng, các cơ quan tình báo, với sự hỗ trợ của sĩ quan liên lạc của các quốc gia tham gia sự kiện, bảo đảm an ninh cho vận động viên và khán giả ; một mình bộ An ninh Nhà nước Đông Đức (Ministerium für Staatssicherheit – Stasi), thâu tóm an ninh chính trị, tình báo, gián điệp và phản gián, quản lý các phương pháp doping, trong khi tình báo Tây Đức thì chỉ chú ý đến các kỹ thuật doping mà các huấn luyện viên có thể sử dụng. Đó là những hoạt động mà Nga vẫn tiếp tục thực hiện, như ở Sochi hồi năm 2014. Tất cả những hoạt động này, từ việc phát triển ngành công nghiệp chất kích thích, phát minh ra các chất doping với hy vọng không để bị phát hiện, cho đến việc phóng các drone theo dõi, thực hiện hoạt động tình báo chiến thuật đơn giản, đều bị ngành tư pháp của Pháp coi là “gián điệp công nghiệp”.
Nguồn : The Conversation – 27/08/2024