Kết thúc ba ngày làm việc tại Bắc Kinh hôm qua 29/08/2024 với đỉnh điểm là cuộc gặp chủ tịch Tập Cận Bình, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan, chuyển nhiều thông điệp của chính quyền Biden tới công luận quốc tế và trong nước.
Đăng ngày: 30/08/2024
Như tất các nước trên thế giới, Trung Quốc theo dõi diễn tiến bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 sắp tới. Ông Tập Cận Bình biết chắc một điều, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ bất đồng trên mọi vấn đề ngoại trừ việc xem Trung Quốc là mối « đe dọa và thách thức lớn nhất ». Thay thế tổng thống mãn nhiệm Joe Biden ra tranh cử với Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ứng viên Kamala Harris bên đảng Dân Chủ từng khẳng định, « thắng lợi trong cuộc đua ở thế kỷ 21 sẽ thuộc về Hoa Kỳ chứ không phải là Trung Quốc ». Chủ trương của Mỹ là ngăn cản Trung Quốc trở thành siêu cường số 1 thế giới.
Theo giới quan sát, có nhiều thông điệp mà phía Mỹ muốn chuyển tải tới Trung Quốc. Thứ nhất, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và cũng là một cộng sự thân tín nhất của tổng thống Biden, khẳng định là nếu đắc cử, Kamala Harris sẽ « tiếp tục đường lối ngoại giao của người tiền nhiệm ». Kamala Harris trong cương vị phó tổng thống Mỹ luôn « đóng vai trò hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden », bà « chia sẻ quan điểm là cần xử lý một cách có trách nhiệm » những bất đồng Mỹ-Trung, như ông Sullivan đã trình bày trong cuộc trao đổi với ngoại trưởng Vương Nghị. Ứng cử viên phó tổng thống liên danh với bà thống đốc bang Minnesota, Tim Walz lại là một người am hiểu về tình hình Trung Quốc cho nên, Bắc Kinh có thể lo ngại là nếu đắc cử, bộ đôi Harris-Walz có thể sẽ cứng rắn trên các hồ sơ như nhân quyền hay thậm chí là Đài Loan… Do vậy, Đài Loan đã là một trong những hồ sơ chính trong các cuộc đối thoại giữa cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ và các đối tác ở Bắc Kinh, như với ngoại trưởng Vương Nghị hay phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trương Hựu Hiệp.
Phó giáo sư đại học Nanyang ở Singapore, Dylan Loh được báo The Strait Times trích dẫn, đặc biệt chú ý đến cuộc họp giữa các ông Jake Sullivan và Trương Hựu Hiệp, bởi mở rộng các kênh đối thoại quân sự sẽ « giảm thiểu nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm, hay mỗi bên diễn giải sai ý đồ của đối phương ». Đương nhiên Washington và Bắc Kinh trong những ngày cuối nhiệm kỳ của tổng thống Biden không thể san bằng bất đồng về quyền tự do lưu thông hàng hải ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, nhưng theo nhà nghiên cứu này, chính quyền Biden cần chứng minh rằng quan hệ giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới « không đến nỗi tệ ». Trung Quốc có thể là « mối đe dọa và thách thức lớn nhất » đối với Hoa Kỳ trong thế kỷ 21, Washington cần cứng rắn với Bắc Kinh để bảo vệ quyền lợi kinh tế hay chiến lược của Mỹ nhưng đôi bên không nhất thiết phải lao vào một cuộc xung đột vũ trang. Đó là thông điệp thứ nhì chính quyền Biden nhắn gửi tới cử tri sắp được kêu gọi bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ 4 năm.
Bảo vệ quyền lợi của Mỹ, nhưng tránh mọi rủi ro chiến tranh là mục tiêu thứ ba trong chuyến công du Bắc Kinh của ông Sullivan. Tổng thống Biden ủy nhiệm cho cố vấn an ninh quốc gia trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương rằng sau bầu cử tháng 11/2024 người kế nhiệm tổng thống Joe Biden sẽ thừa hưởng một mối quan hệ với Bắc Kinh « ổn định hơn » so với cuối năm 2020 khi chính quyền Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ.
Từ khi lên cầm quyền vào tháng 01/2021 Joe Biden liên tục mở rộng và củng cố các mối đối tác chiến lược với các đối tác trong vùng châu Á – Ấn Độ-Thái Bình Dương để « làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ». Tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình đã hai lần đối thoại trực tiếp nhưng kết quả « không nhiều » do vậy như chính Jake Sullivan đã nhấn mạnh, chuyến công tác trong ba ngày vừa qua của ông tại Bắc Kinh là nhằm bảo đảm rằng sẽ không có những bất ngờ diễn ra trong « giai đoạn chuyển giao quyền lực » ở Hoa Kỳ sắp tới do cả Trung Quốc lẫn Mỹ cùng muốn duy trì « ổn định » trong bang giao song phương và trong khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh các cam kết xử lý vấn đề một cách « có trách nhiệm » và mục tiêu « duy trì ổn định vì an ninh, thịnh vượng và lợi ích của toàn thế giới », các nhà bình luận dự báo quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai khó có thể lắng dịu lâu dài, bởi không bên nào sẵn sàng bước vào một giai đoạn « tan băng ». Thông cáo kết thúc buổi họp kín tại Bắc Kinh giữa cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói đến các cuộc trao đổi « thẳng thắn » tựa như hai kỳ hợp ở Vienna và Bangkok trước đây. Bắc Kinh vẫn tố cáo Washington « cấu kết » với phe ly khai ở Đài Loan. Ngược lại thì Hoa Kỳ lên án Trung Quốc gây bất ổn tại Biển Đông, khuynh đảo Philippines, đồng minh lâu đời của Mỹ tại Đông Nam Á. Tóm lại sau bốn năm nhiệm kỳ tổng thống Biden, hai siêu cường trên thế giới vẫn trong thế đối đầu trong một trật tự thế giới mới đang hình thành.