Trước các chế độ độc tài, mô hình dân chủ phương Tây bị tấn công từ cả bên ngoài và bên trong

Về cơ bản, các nhà lãnh đạo Ali Khamenei (Iran), Kim Jong Un (Bắc Triều Tiên) hay Nicolas Maduro (Venezuela) không có gì chung, thực thi quyền lực chuyên chế ở những vùng cách xa nhau trên thế giới, nhưng họ lại kín đáo hợp tác vì có ít nhất 2 điểm chung : bằng mọi giá duy trì quyền lực và căm thù dân chủ. Xem « kẻ thù của kẻ thù chính là bạn », các đối thủ của phương Tây đều đứng đằng sau Nga – Trung, tạo thành “tập đoàn” độc tài đa quốc gia.

Đăng ngày: 02/09/2024

Russian President Vladimir Putin and Chinese President Xi Jinping meet in Beijing, China May 16, 2024, in this still image taken from live broadcast video. Kremlin.ru/Handout via REUTERS ATTENTION EDI
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/05/2024. via REUTERS – Sergei Guneev

Thùy Dương

Putin, Tập Cận Bình, Ali Khamenei, Kim Jong Un, Bachar Al-Assad, Nicolas Maduro… đều được hoan nghênh tham gia câu lạc bộ, chỉ cần gièm pha, thậm chí đấu tranh chống mô hình  phương Tây. Trên đây là nhận định của Anne Applebaum, nhà viết luận và biên tập của tạp chí Mỹ The Atlantic trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Le Point số ra tuần cuối tháng 08/2024. RFI lược dịch một số ý chính.

Cây viết Anne Applebaum của tạp chí Mỹ The Atlantic báo động là đối mặt với mặt trận thống nhất của các chế độ độc tài chuyên chế nói trên, các nước phương Tây lại rất thụ động. Mô hình dân chủ phương Tây đang bị tấn công từ cả bên ngoài và bên trong.

Mối liên hệ giữa những nhà độc tài này được thiết lập rõ ràng mà hầu như không dựa trên mối quan tâm về ý thức hệ. Nhưng họ sẵn lòng hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích. Chẳng hạn, Iran và Bắc Triều Tiên cung cấp drone và đạn dược hỗ trợ Nga trong chiến tranh Ukraina. Trong khi đó, có nhiều thông tin là lính đánh thuê Nga tới Venezuela để giúp Nicolas Maduro tiếp tục nắm quyền vì quân đội Venezuela dường như không còn trung thành với tổng thống như trước. Về lĩnh vực tài chính, thông tin và thậm chí về kế hoạch quân sự, các chế độ chuyên chế này đều có sự hợp tác.

Có một sự mất cân bằng giữa hai phe dân chủ và độc tài

Trả lời câu hỏi là các chế độ độc tài mong muốn củng cố hợp tác đối phó với phương Tây từ khi nào, Anne Applebaum nhắc lại mốc thời gian năm 2013, khi Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc. Khi đó, một văn kiện của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã được soạn thảo. Lẽ ra phải được giữ bí mật nhưng một phần tài liệu đã bị rò rỉ, cho biết đảng Cộng Sản Trung Quốc đã xác định 7 mối nguy hiểm, trước hết là nền dân chủ tự do phương Tây. Tự do báo chí và xã hội dân sự cũng nằm trong danh sách đó. Chính quyền Trung Quốc khi đó bắt đầu coi những ý tưởng đến từ thế giới dân chủ là mối đe dọa chính và cũng là một mối đe dọa ngay trong nước, bởi vì những ý tưởng về tự do này được các nhà đối lập lĩnh hội và được các nhà dân chủ ở Hồng Kông truyền bá.

Đến năm 2014, đến lượt chính quyền Nga phản ứng tương tự đối với cuộc cách mạng Ukraina. Họ coi các sự kiện ở Kiev là mối nguy hiểm trực tiếp. Tổng thống Nga Putin thậm chí còn coi đó là mối đe dọa nhắm vào cá nhân ông. Putin hiểu « ngôn từ » của cuộc cách mạng này – cuộc chiến chống tham nhũng, minh bạch, pháp quyền, hội nhập châu Âu – là rất nguy hiểm đối với ông. Nga và Trung Quốc dĩ nhiên đã hợp tác từ nhiều thập kỷ, nhưng đó là thời điểm bản chất mối quan hệ giữa hai chế độ đã thay đổi.

Liên quan đến Venezuela, việc tất cả các chế độ độc tài đều chức mừng Nicolas Maduro tái cử tổng thống cho thấy đối với các nhà độc tài, có một nguyên tắc rõ ràng : một nhà độc tài nắm quyền hành thì không thể thất cử. Và để thắng cử, họ được phép phép gian lận hoặc làm thay đổi kết quả bỏ phiếu. Nếu Maduro sụp đổ và được thay thế bởi một người có năng lực hơn và hợp thức hơn, đây sẽ là một mối đe dọa đối với các nhà độc tài của những nước khác. Họ cho rằng cuộc chiến giữa dân chủ và độc tài là một cuộc chiến trên quy mô toàn cầu, điều không phải lúc nào cũng đúng đối với phương Tây. Paris hay Washington không phải lúc nào cũng lo ngại về diễn biến tình hình ở Nga, Trung Quốc, Iran … Ngược lại, các chế độ độc tài bị phương Tây ám ảnh. Thế nên, có một sự mất cân bằng giữa hai phe dân chủ và độc tài.

Một số đối thủ của phương Tây rất nghèo và yếu kém, chẳng hạn Venezuela, Syria. Nhờ nền kinh tế, Trung Quốc cho đến nay vẫn vượt xa các nước khác và là nước mạnh nhất trong số các chế độ độc tài. Tuy nhiên, đối với Anne Applebaum, Nga mới là nước đang tập trung nhiều nhất vào việc làm suy yếu thế giới phương Tây, can thiệp vào hầu hết các cuộc bầu cử ở châu Âu. Mục tiêu của Nga là phá vỡ Liên Âu và NATO. Với nguồn tài chính và nguồn tin riêng, Nga đang tiến hành một cuộc tấn công có chủ đích.

Trung Quốc, trước đây vẫn ít quan tâm đến cuộc chiến thông tin này, nay cũng bắt đầu tham gia. Bắc Kinh có một mạng lưới truyền thông quốc tế khổng lồ và đã đầu tư hàng tỷ đô la vào truyền hình để thiết lập quan hệ với các kênh khu vực và quốc gia ở châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Bắc Kinh cũng bắt đầu sử dụng mạng lưới này để tuyên truyền cho Nga, cho thấy mối hợp tác giữa Trung Quốc và Nga cũng đang phát triển.

Về câu hỏi « tổ chức nào đại diện tốt nhất cho câu lạc bộ những kẻ độc tài ? », Anne Applebaum khẳng định nhóm các nước này chưa có các định chế quan trọng như G7 hay NATO, nhưng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), do Trung Quốc điều phối, đang tìm cách trở thành một đối thủ cạnh tranh với Liên Hiệp Châu Âu. Dường như Nga đã muốn BRICS trở thành một đối thủ của phương Tây, nhưng một số thành viên có thái độ ôn hòa hơn. Brazil, Ấn Độ và Nam Phi sẵn sàng chỉ trích Hoa Kỳ và Châu Âu nếu điều đó có lợi cho họ, nhưng các nước này không coi phương Tây và mô hình dân chủ phương Tây là mối đe dọa chính.

Sự ủng hộ từ nội bộ châu Âu  

Là người chỉ trích việc các tổ chức tài chính phương Tây đã cho phép những kẻ chuyên quyền này trở nên rất giàu có, nhà biên tập của tạp chí Mỹ The Atlantic giải thích là hầu hết các ngân hàng và tổ chức tài chính phương Tây đã cho phép không chỉ người Nga mà cả một số công dân của các nước thuộc Liên Xô trước đây rửa tiền rồi che giấu tài sản ở châu Âu và Hoa Kỳ, đôi khi dưới dạng bất động sản. Một trong những yếu tố nguy hiểm nhất của thế giới tài chính phương Tây là khả năng một người nắm giữ bất động sản gần như ẩn danh. Có thể mua nhà đất mà không cần công khai chủ sở hữu thực sự là điều cực kỳ quan trọng đối với những kẻ chuyên quyền muốn che giấu sự giàu có. Điều khiến biên tập viên Anne Applebaum ngạc nhiên là phương Tây cho phép điều đó, dù không có lợi.

Thế nhưng, đương nhiên là chính ở phương Tây, ngay cả trong giới lãnh đạo, cũng có những người có quan hệ không chính thức với lãnh đạo Nga. Chính quyền Putin ủng hộ một số đảng phái và chính trị gia trong các kỳ tranh cử, dẫu không phải lúc nào cũng có thỏa thuận chính thức hoặc bù đắp về tài chính. Chẳng hạn, sau một thượng đỉnh NATO, các đặc vụ Nga đã tạo và phát tán trên mạng các thông cáo giả mạo của NATO để gây hiểu lầm.

Nga chủ yếu ủng hộ các chính khách cực hữu, đôi khi họ cũng ủng hộ phe cực tả và cách chính sách chống NATO hoặc Liên Âu, hoặc những người tán thành ý tưởng chuyên quyền hoặc phi tự do, phù hợp với các chế độ độc tài. Đây là một chính sách có chủ ý. Các chế độ độc tài tìm cách hỗ trợ họ nếu thấy họ có hại thế nào đối với các định chế dân chủ hiện đang tồn tại, chẳng hạn sự ủng hộ của Nga dành cho lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc, Marine Le Pen, hay phe cực hữu Hà Lan. Chính phủ dân túy Hungary thì có quan hệ chặt chẽ với Nga, Trung Quốc và cả Iran.

Nhìn từ Bắc Kinh và Matxcơva, những người phương Tây thân Nga hay thân Trung Quốc được coi là những kẻ ngốc hữu ích. Thế nhưng, họ cũng là những đồng minh khách quan của các chế độ độc tài, theo nhà biên tập tạp chí Mỹ. Quả đúng là trong xã hội phương Tây, có nhiều người ủng hộ đường lối của những kẻ độc tài, không chỉ bởi vì họ đã bị thao túng do các thông tin trên mạng, cho rằng nền dân chủ yếu đuối và thoái hóa cần phải bị phá bỏ, hoặc cho rằng xã hội phương Tây đang suy đồi và cần thay đổi bằng một cuộc cách mạng. Tại Mỹ, Tucker Carlson, từng là người dẫn chương trình trên kênh Fox News, không hề che giấu lòng trung thành với nước Nga. Ông ta đã tới Matxcơva, phỏng vấn Putin và để tổng thống Nga truyên truyền cho chế độ hơn một giờ, sau đó, tự mình đăng tải bài phỏng vấn Putin lên mạng.

Trump tái đắc cử là chiến thắng cho các chế độ độc tài

Liên quan tới Mỹ, thật không may là các chế độ độc tài đang hy vọng Donald Trump tái đắc cử tổng thống. Anne Applebaum nhận định việc Trump đắc cử sẽ là chiến thắng cho câu lạc bộ những kẻ độc tài, bởi vì Trump không coi mình là nhà lãnh đạo của thế giới dân chủ. Ông không quan tâm đến điều đó, mà quan tâm nhiều hơn đến những gì chính sách đối ngoại của Mỹ có thể mang lại cho cá nhân ông. Trong nhiệm kỳ tổng thống, Trump từng bị tướng Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng và các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia hoặc bộ Ngoại Giao ngăn cản, nên không thể gây ra nhiều thiệt hại. Nhưng nếu Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, khi không có ai ngăn cản, ông có thể sẽ gây hại nhiều cho các liên minh của phương Tây. Trước đây, nhiều lần Trump đã bày tỏ thái độ khinh thường NATO và rất có thể ông sẽ rút Mỹ khỏi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nếu tái đắc cử.

Anne Applebaum kết luận Trump là một nhân vật cực kỳ nguy hiểm và hy vọng châu Âu có sự chuẩn bị cho những gì có thể sẽ xảy ra nếu cựu tổng thống Mỹ trở lại Nhà Trắng. Châu Âu sẽ cần một nền quốc phòng riêng, chiến lược riêng và tư duy riêng để đẩy lùi thế giới chuyên chế. Nếu đắc cử, vì lợi ích tài chính cá nhân hoặc vì lợi ích chính trị, Donald Trump thậm chí có thể ký kết các thỏa thuận với Putin hoặc Tập Cận Bình, gây bất lợi cho các nước khác.

Bài Liên Quan

Leave a Comment