Máu nhuộm chiến trường

Saigon Nhỏ trên

Share:

1.

Trong khi Moscow nhấn mạnh rằng việc Ukraine tấn công vào Kursk đã khiến Nga cương quyết không đàm phán với Ukraine, Tổng Thống Zelensky mới đây cũng tuyên bố không có lý do gì để đối thoại với Moscow vì theo ông, vào giai đoạn này, đàm phán với Moscow là vô nghĩa vì Putin không muốn kết thúc chiến tranh bằng biện pháp ngoại giao.

Thật ra không phải Moscow không phải không muốn đàm phán. Nhưng Moscow trước sau chỉ bằng lòng nói chuyện với Kyiv nếu Kyiv nhượng đứt cho Nga các vùng lãnh thổ mà Nga đang chiếm của Ukraine, bao gồm bốn tỉnh vùng Donbas và bán đảo Crimea, điều mà Kyiv không bao giờ chấp nhận.

Cùng cương quyết không đàm phán, ít ra là ở giai đoạn này, bước đi sắp tới của cả hai bên hẳn sẽ là tiếp tục đổ máu trên chiến trường. Không nói chuyện được thì đánh nhau. Và chiến trường chính có thể là Kursk. Bên nào làm chủ chiến trường này nhiều khả năng sẽ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán trong tương lai.

Rốt cuộc, đàm phán vẫn cứ sẽ diễn ra, không phải trong tương lai gần thì là tương lai xa. Bởi một khi sức cùng lực kiệt, không còn sức để đánh đấm thì người ta buộc phải dừng lại thở và nói chuyện với nhau. Trên bàn đàm phán, nếu hai bên không thể nói với nhau bằng những lời nhẹ nhàng thì cứ việc rủa xả, văng tục. Nghĩ cho cùng, buông những lời chửi rủa chói tai vẫn tốt hơn là động gươm, động súng. Chỉ những kẻ côn đồ mới thích dùng gươm, dùng súng để giải quyết mâu thuẫn.

Và Putin là một kẻ như vậy.

2.

Ngày 27 Tháng Tám vừa qua, Đại Giáo Chủ Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao Iran, tuyên bố “không có rào cản” trong việc tái khởi động đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Có thể xem phát biểu của ông Khamenei là động thái đáng khen của Tehran. Ông Khamenei được cho là người có tiếng nói quyết định trong những chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Iran. Dù Mỹ luôn xem đối thoại là cách tốt nhất để đạt được một giải pháp bền vững cho vấn đề hạt nhân Iran, nhưng chính quyền của Tổng Thống Biden trước mắt tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố trên của Khamenei: “Chúng tôi sẽ đánh giá Iran bằng hành động chứ không phải lời nói của họ.”

Vậy là sau một thời gian dài buông những lời hằn học với Mỹ, giờ đây Tehran nhận ra rằng đường lối cứng rắn chẳng giúp được gì cho Iran. Nó chỉ làm cho Iran sa lầy trong những khó khăn chồng chất. Và rằng đối thoại tốt hơn là đối đầu. Mà so với Mỹ thì Iran chẳng có tí ti trọng lượng gì để mà đối đầu. Đành phải đối thoại vậy.

Đề nghị đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của mình, hẳn Tehran đã ngộ ra rằng cứ dựa vào Nga hay Trung Quốc để làm bộ mặt kênh kiệu với Mỹ không phải là điều khôn ngoan. Điều quan trọng là phải đưa đất nước thoát khỏi khó khăn triền miên. Muốn thế Tehan phải xuống nước với Mỹ. Không có cách nào khác.

Cả Moscow cũng nên lấy tấm gương Tehran mà nhìn lại mình, để có những đổi thay cho phù hợp với thời thế. Cứ khư khư làm bộ mặt khinh khỉnh, chẳng xem ai ra gì thì chỉ sẽ nhận được một kết cục chẳng ra gì.

Nhưng Tehran có thực tâm muốn nối lại đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của mình hay không, thì còn phải chờ xem. Nếu Tehran thực tâm thì hãy chứng tỏ điều đó bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói.

3.

Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng khi xem xét cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của Phương Tây, Phương Tây thực sự đang đùa với lửa.

Ông Lavrov còn cảnh báo Mỹ rằng thế chiến 3 sẽ không giới hạn ở Châu Âu. Và rằng Nga đang điều chỉnh lại học thuyết hạt nhân của mình cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Gần đây, Moscow rất thích đem hạt nhân ra hù dọa thiên hạ. Song xem ra trò hù dọa của Moscow chẳng làm ai sợ. Bằng cớ là Ukraine cũng như Phương Tây thi nhau dẫm lên các lằn ranh đỏ mà Moscow vạch ra, nhưng tới giờ Moscow vẫn chưa có đáp trả nào đáng sợ như lời hăm dọa của họ.

Ông Lavrov ví việc Phương Tây đùa với lửa giống như những đứa trẻ nghịch diêm. Dùng cách so sánh khá ư là văn vẻ đó, ông Lavrov không hiểu rằng khi mở cuộc tấn công vào Ukraine, có lẽ Moscow tưởng mình chỉ nghịch một que diêm, nhưng có biết đâu họ đang đùa với lửa!

4.

Trong khi tuyên bố cuộc đột kích ở Kursk cho thấy lằn ranh đỏ của Nga không có thật, Tổng Thống Zelensky cho thấy Ukraine cũng có lằn ranh đỏ của mình, đó là Kyiv sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng không phải bằng cách từ bỏ lãnh thổ hay người dân.

Năm 2022, Tổng Thống Zelensky từng đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, trong đó có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 và bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Ukraine.

Diễn biến trên chiến trường hiện nay cho thấy Ukraine quyết tâm giữ vững lằn ranh đỏ của mình, không lùi bước trước Nga. Vậy là trong khi Moscow vạch hết lằn ranh đỏ này tới lằn ranh đỏ khác, thì Kyiv chỉ có một lằn ranh đỏ duy nhất, đó là lãnh thổ và người dân.

Rốt cuộc, cái gọi là lằn ranh đỏ của Nga chỉ là trò rung cây nhát khỉ. Trò đó chỉ dọa được mấy con khỉ nhưng không dọa được quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của người dân Ukraine.

Bài Liên Quan

Leave a Comment