- Sonnie Tran – 31 tháng 8, 2024
Người Nga bắt đầu cảm thấy gánh nặng cuộc chiến rơi vào mình (Hình: TTX Nga Novosti)
Cuộc chiến tranh dai dẳng tại Ukraine đang đẩy nước Nga vào một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Sau một giai đoạn ngắn phục hồi, nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với lạm phát tăng vọt, tăng trưởng trì trệ, và nguy cơ rơi vào tình trạng sụp đổ kinh tế toàn diện.
Chiến tranh bào mòn ngân sách, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động
Chiến tranh tại Ukraine đang đặt một gánh nặng khổng lồ lên ngân sách Nga. Chi tiêu quân sự khổng lồ dù hỗ trợ gia tăng nền kinh tế, nhưng đồng thời chi phí cho vũ khí, xe tăng và lương thời chiến tăng vọt, đang bào mòn nguồn ngân sách quốc gia. Tổng thống Putin đã phủ nhận rằng chi tiêu quân sự – mà ông nói đã vượt quá 8% GDP – là không bền vững.
“Nó vẫn chưa nghiêm trọng,” Putin nói. “Ở Liên Xô vào năm 1985-1986, chi tiêu quốc phòng là 13%.”
Tuy nhiên, theo Bộ Quốc Phòng Anh, quân đội Nga đang mất khoảng 1,000 binh sĩ mỗi ngày. Điều này không chỉ gây tổn thất về nhân mạng mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động kinh niên, khi ngày càng nhiều công dân Nga trong độ tuổi lao động phải ra tiền tuyến.
Điều này đã góp phần đẩy lương tăng trên toàn nền kinh tế, với người lao động chân tay được hưởng mức tăng lương kỷ lục trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục ở mức 2.4%. Thợ máy, thợ hàn và thợ dệt đã chứng kiến mức lương của họ tăng gấp bốn lần trong một số trường hợp. Nhà phân tích chính trị Ekaterina Kurbangaleeva nhấn mạnh rằng trong khi một thợ dệt điển hình kiếm được khoảng $300 một tháng vào Tháng Mười Hai năm 2021, thì công việc tương tự ngày nay có thể kiếm được tới $1,300.
Alexandra Prokopenko, một thành viên thỉnh giảng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cảnh báo rằng điều này đang thúc đẩy áp lực giá cả. “Thị trường lao động đang gián tiếp góp phần vào lạm phát khi mọi người nhận được tiền lương ngày càng cao và chi tiêu mạnh tay,” bà nói.
Tiền lương thời chiến tại Nga tăng vọt (Russia Trading)
Ngân hàng trung ương bất lực, người dân lao đao
Tuy nhiên, mức tăng lương này không đủ bù đắp cho lạm phát phi mã, khiến đời sống của người dân Nga ngày càng khó khăn. Sau khi giảm từ đỉnh 17.8% vào năm 2022 xuống chỉ còn hơn 2% vào đầu năm 2023, lạm phát tại Nga đang quay trở lại với mức độ đáng báo động.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng vọt 9.1% trong năm tính đến Tháng Bảy, cho thấy giá cả leo thang trên diện rộng. Giá thực phẩm, mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức ngay cả những mặt hàng cơ bản như trứng cũng trở nên xa xỉ. Giá trứng đã tăng 50% so với một năm trước, trở nên đắt đỏ đến mức được xem như một món quà giá trị và khiến nhiều gia đình phải chật vật cân đối chi tiêu. Cuộc khủng hoảng này thậm chí còn dẫn đến một vụ ám sát hụt nhằm vào Gennady Shiryaev – “Vua trứng” của Nga, sau khi chính quyền điều tra ông về cáo buộc thao túng giá. Sự việc này cho thấy mức độ căng thẳng của tình hình kinh tế và sự bất mãn ngày càng tăng trong xã hội Nga.
Để đối phó, ngân hàng trung ương Nga đã buộc phải thực hiện một chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm kiểm soát đà tăng giá. Lãi suất cơ bản đã được nâng sáu lần trong năm qua, bao gồm cả việc tăng hai điểm phần trăm lên 18% trong cuộc họp gần nhất vào Tháng Bảy.
“Con tàu của chúng ta đã đi vào vùng biển chưa được khám phá rất bão tố,” Elvira Nabiullina, thống đốc ngân hàng trung ương cho biết. So sánh nền kinh tế Nga với một bệnh nhân, bà nói thêm: “Lạm phát cao có nghĩa là gì? Giống như sốt cao ở một người, nó cho thấy các vấn đề về sức khỏe.”
Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán Ngân hàng Trung ương Nga sẽ duy trì lãi suất cao trong những năm tới, gây áp lực lên nền kinh tế. Dự báo lãi suất sẽ dao động từ 18% đến 19,6% trong nửa cuối năm 2024 và từ 14% đến 16% trong năm 2025, cao hơn so với dự báo trước đó. Thậm chí, lãi suất có thể tăng lên 19% hoặc 20% ngay trong cuộc họp tiếp theo của ngân hàng trung ương vào Tháng Chín.
Mặc dù lãi suất cho vay tăng nhưng Lạm phát Nga vẫn có xu hướng tăng.
Nguồn: Trading Ecomonic và Ngân Hàng Trung Ương Nga
Xu hướng này cho thấy nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm, đối mặt với nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ – khi tăng trưởng kinh tế thấp đi kèm với lạm phát cao.
Nga tìm mọi cách xoay sở nguồn thu, người dân oằn mình gánh nặng
Đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã bán dầu giảm giá cho các nước như Trung Quốc và Ấn Độ. Theo Bộ Tài Chính Nga, doanh thu dầu khí đạt $80 tỷ trong bảy tháng đầu năm, được sử dụng để tài trợ cho chi tiêu công khổng lồ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, sự thúc đẩy phục hồi kinh tế ngắn ngủi của Nga sau các lệnh trừng phạt đang dần kết thúc, khi giá dầu toàn cầu giảm và các nước phương Tây tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của Nga và các động lực tăng trưởng trước đây đang cạn kiệt.
Dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại, chịu ảnh hưởng bởi lãi suất tăng và thực tế kinh tế ảm đạm. Chính phủ Nga ngày càng lo ngại về vấn đề cân đối ngân sách, thể hiện rõ qua việc bổ nhiệm một nhà kinh tế không có kinh nghiệm quân sự là Andrei Belousov làm bộ trưởng Bộ Quốc Phòng cho thấy chính phủ Nga đang cố gắng điều tiết chi tiêu, đặc biệt là dữ liệu sản xuất cho thấy sự chuyển dịch sang điều tiết chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là trong quốc phòng, nhằm tìm kiếm giải pháp cho bài toán cân bằng ngân sách trong bối cảnh chiến tranh kéo dài.
Những thay đổi trong xu hướng kinh tế vĩ mô này khiến triển vọng tăng trưởng của Nga trở nên mờ mịt. Nguy cơ hiện hữu là tăng trưởng kinh tế sẽ giảm mạnh mà lạm phát không được kiểm soát hiệu quả, đẩy Nga vào kịch bản trì trệ ngay trong năm tới. Để ngăn chặn nguy cơ này, bắt buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải theo đuổi các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Khi nguồn thu từ dầu khí – vốn là trụ cột của nền kinh tế Nga – giảm sút, chính phủ đang tìm kiếm các nguồn thu khác. Một trong những biện pháp đó là tăng giá các dịch vụ tiện ích, bao gồm điện, nước, khí đốt, xử lý rác thải, và thoát nước, gần 10% vào Tháng Bảy, gây thêm áp lực lên người dân. Người dân Nga vốn đã quen với việc được hưởng các dịch vụ này với chi phí thấp nhờ nguồn năng lượng dồi dào trong nước. Tuy nhiên, giờ đây họ phải đối mặt với hóa đơn tiện ích ngày càng tăng, khiến chi phí sinh hoạt leo thang và đời sống thêm khó khăn. Và từ đó ở Nga lại xuất hiện thêm một câu nói mới: “Ở Nga, con người đang trở thành dầu mỏ mới.”
Bên cạnh việc tăng giá các dịch vụ tiện ích, chính phủ Nga cũng lên kế hoạch tăng thuế vào năm tới, một động thái mà Putin gọi là “tinh chỉnh” hệ thống. Sự tinh chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 3.2% dân số, chủ yếu là những người có thu nhập cao, và dự kiến sẽ bổ sung thêm $30 tỷ vào doanh thu ngân sách. Cụ thể, mức thuế thu nhập cố định 13% – được áp dụng từ năm 2001 – sẽ được thay thế bằng thang thuế năm bậc, với mức thuế cao nhất là 22% áp dụng cho thu nhập trên 50 triệu rúp (khoảng nửa triệu đôla). Thuế suất thuế doanh nghiệp cũng sẽ tăng từ 20% lên 25%. Ngoài ra, chính phủ cũng đang tăng thuế dầu khí để hỗ trợ ngân sách. Những biện pháp tăng thuế này sẽ tạo thêm gánh nặng đáng kể cho người dân và doanh nghiệp Nga, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Tiền tiết kiệm của người dân thành ‘nguồn thu’ tiềm năng, tương lai mờ mịt
Chính quyền Putin cũng đang nhắm đến tiền tiết kiệm của người dân như một nguồn thu tiềm năng. Lãi suất cao hơn đã khuyến khích tăng trưởng tiền gửi ngân hàng hơn $78 tỷ trong bảy tháng qua. Người Nga bình thường được ước tính nắm giữ khoảng $445 tỷ tiền tiết kiệm vào cuối năm 2023, nhiều hơn cả ngân sách hàng năm của Nga cho năm 2024. Mặc dù số tiền tiết kiệm này có thể giúp giảm áp lực lạm phát và cung cấp thêm nguồn vốn cho chính quyền Nga, nhưng việc chính phủ can thiệp vào tiền gửi của người dân có thể gây ra những hệ lụy khó lường, làm xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính.
Cụ thể, trong bối cảnh chiến tranh và khủng hoảng, chính phủ có thể sử dụng các biện pháp mạnh tay như quốc hữu hóa ngân hàng hoặc đóng băng tài khoản tiết kiệm để huy động vốn, khiến người dân mất quyền kiểm soát đối với tiền của mình và gây ra sự bất an, hoang mang trong xã hội. Điều này có thể dẫn đến làn sóng rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng, gây ra khủng hoảng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, thậm chí dẫn đến sụp đổ hệ thống. Người dân cũng có thể mất niềm tin vào đồng rúp và chuyển sang nắm giữ ngoại tệ hoặc các tài sản khác, gây áp lực lên đồng nội tệ và làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn kinh tế.
Việc chính phủ can thiệp vào tiền gửi cũng sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân vào sự an toàn và bảo mật của tiền tiết kiệm, khiến họ e ngại gửi tiền vào ngân hàng. Hơn nữa, người dân có thể mất niềm tin vào chính sách kinh tế của chính phủ và khả năng quản lý kinh tế của nhà nước, dẫn đến sự phản đối và bất ổn xã hội. Mất lòng tin vào hệ thống tài chính cũng sẽ khiến các nhà đầu tư e ngại, làm giảm đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga đã đạt đỉnh vào đầu năm nay và dự kiến sẽ giảm trong tương lai. Các chuyên gia kinh tế dự báo một bức tranh ảm đạm cho nền kinh tế Nga trong những năm tới, với tăng trưởng thấp, lạm phát cao, và nguy cơ khủng hoảng kinh tế ngày càng hiện hữu. Điều này buộc chính phủ Nga phải tìm kiếm thêm các giải pháp sáng tạo để duy trì nguồn thu và ổn định nền kinh tế, tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh chưa có hồi kết và các lệnh trừng phạt tiếp tục siết chặt, con đường phía trước của Nga vẫn đầy chông gai và bất định.