Tài nguyên : Mông Cổ trước những tham vọng của Nga và Trung Quốc

Đăng ngày: 03/09/2024

Mông Cổ là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nằm sát cạnh hai ông khổng lồ là Nga và Trung Quốc. Láng giềng phương bắc của Ulaanbaatar là một trong những nguồn xuất khẩu khoáng sản phong phú và đa dạng nhất thế giới. Hàng xóm phương nam của Mông Cổ  là nguồn tiêu thụ nguyên liệu lớn số 1 trên hành tinh. Vậy mà sự hiện diện của các tập đoàn khai thác Nga và Trung Quốc trên quê hương của Thành Cát Tư Hãn tới nay vẫn được coi là còn khiêm tốn.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin (T) bắt tay tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh nhân chuyến công du Ulaanbaatar. Ảnh ngày 03/09/2024.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin (T) bắt tay tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh nhân chuyến công du Ulaanbaatar. Ảnh ngày 03/09/2024. AP – Kristina Kormilitsyna

Tài nguyên của Mông Cổ vẫn còn ngoài tầm kiểm soát của các nhà đầu tư Nga và Trung Quốc trong lúc mà các mỏ đồng, uranium và nhất là các kim loại hiếm rất được thế giới ưa chuộng vẫn còn đang được đợi để khai thác, đưa Mông Cổ  trở thành một con Cọp châu Á bên cạnh con Rồng Trung Quốc hay con Gấu Nga.

Mông Cổ đang được ve vãn

Ngày 03/09/2024 tổng thống Nga bắt đầu chính thức viếng thăm Mông Cổ chỉ một tháng sau khi Ulaanbaatar tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ. Đầu tháng 7/2024 bên lề Hội Nghị Tổ Chức Hợp Tác An Ninh Thượng Hải diễn ra tại Astana, Kazakhstan, trong buổi làm việc với đồng cấp Mông Cổ, ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh Mông Cổ và Trung Quốc là hai quốc gia « không thể tách rời ».

Năm ngoái, tổng thống Emmanuel Macron thăm Mông Cổ ở cấp Nhà nước : Với diện tích rộng gấp ba lần so với Pháp, không có ngõ thoát ra biển, nằm kẹt giữa hai cường quốc hạt nhân là Nga và Trung Quốc, Mông Cổ có nguồn dự trữ lớn thứ nhì về uranium của thế giới và còn đợi được khai thác. Ngoài uranium được dùng để chế tạo bom nguyên tử và là lá chủ bài trong mọi chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân, Mông Cổ còn có những hầm than, mỏ vàng, mỏ đồng .. mà nhiều « nước bạn » sẵn sàng cùng khai thác.

Trong cuộc chạy đua phát triển ô tô điện và các nguồn năng lượng sạch, phương Tây nhòm ngó đến các mỏ đất hiếm của Mông Cổ.

Sau nhiều thập niên chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, ngành công nghiệp khai thác quặng mỏ của Mông Cổ vẫn chưa cất cánh, thủ đô Ulaanbaatar vẫn chưa trở thành một trung tâm kinh doanh thịnh vượng như Dubai trong vùng thảo nguyên ». Nhưng không dễ đến gần các nguồn tài nguyên của Mông Cổ khi mà quốc gia này lệ thuộc đến 90 % vào năng lượng của Nga, đến 80 % hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.

Nằm kẹt giữa Nga và Trung Quốc, nhưng Mông Cổ có hướng đi riêng

Trên đài phát thanh quốc tế RFI Pháp ngữ, chuyên gia về địa chính trị nghiên cứu về Mông Cổ Antoine Marie nhấn mạnh đến một sự độc lập với cả Nga lẫn Trung Quốc trong đường lối phát triển của Ulaanbaatar.

« Mông Cổ là một ốc đảo nằm kẹt giữa Nga và Trung Quốc và có một sự tranh giành ảnh hưởng với Ulaanbaatar giữa hai nước láng giềng khổng lồ này. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tồn tại được giữa hai siêu cường đó. Tuy nhiên có một sự đồng thuận trong giới lãnh đạo ở Mông Cổ để giới hạn ảnh hưởng của Nga và của Trung Quốc. Sự hiện diện ngay sát cạnh của hai nước lớn đó, cũng là một cái may cho Mông Cổ, vì đâu đó, Matxcơva và Bắc Kinh kềm hãm các tham vọng của lẫn nhau. Chung cuộc, vai trò của cả Nga và Trung Quốc đều không mang tính quyết định đối với Mông Cổ như mọi người thường nghĩ. Chính sách đối ngoại và chiến lược phát triển của Ulaanbaatar khá độc lập và đó là một sự khôn khéo của ngành ngoại giao Mông Cổ ».

Về phần giáo sư Jacques Legrand nguyên giám đốc Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông INALCO – Paris, ông ghi nhận một bước nhẩy vọt trong đời sống của người dân Mông Cổ từ khi quốc gia này thoát khỏi cái bóng quá lớn của Liên Xô và nhất là tìm kiếm thêm những đối tác khác ngoài Bắc Kinh và Matxcơva để phát triển. Đối tác ở bên ngoài hai điểm tựa truyền thống là Nga và Trung Quốc ấy được giới trong ngành gọi tắt là « nước láng giềng thứ ba ».  

« Đời sống của người dân Mông Cổ trong những thập niên gần đây đã đã có bước nhẩy vọt rất ngoạn mục. Dưới thời Liên Xô, công nghiệp khai thác quặng mỏ của Mông Cổ bị khống chế vì lòng tham của Matxcơva. Nhưng từ khi chế độ cộng sản cáo chung, Mông Cổ tìm lại được độc lập trong chính sách phát triển. Tiêu biểu nhất là ngay cả ở những vùng sâu, vùng xa, dân cư cũng đã có điều kiện để tiêu thụ rau quả tươi. Họ bắt đầu có điện nhờ pin mặt trời và có điều kiện sắm tủ lạnh, tủ đông đá… Tình trạng y tế đã tốt hơn hẳn… »   

Trên con đường đi tìm một nước « láng giềng thứ ba », Mông Cổ  đã đặc biệt chú ý đến Rio Tinto. Tập đoàn khai thác khoáng sản này của Úc qua trung gian một chi nhánh Canada này đã đầu tư vào mỏ Oyu Tolgoi cách không xa biên giới giữa Mông Cổ và Trung Quốc. Đây là coi là « mỏ vàng và đồng lớn nhất thế giới ». Một khi đi vào hoạt động, nửa triệu tấn đồng một năm đủ để sản xuất 6 triệu chiếc ô tô điện.  

Phân quyền tránh tham nhũng và tránh bán rẻ tài nguyên quốc gia

Nhà nghiên cứu Antoine Maire nhắc lại khi Liên Xô sụp đổ Mông Cổ tiến hành một cuộc cách mạng kép : vừa tách rời khỏi quỹ đạo của Matxcơva vừa chuyển hướng theo mô hình dân chủ. Ngay từ cuối năm 1989 đầu năm 1990 Mông Cổ đã chấm dứt chế độ độc đảng, chuyển sang một mô hình chính trị đa nguyên. Mông Cổ cũng tránh tập trung quyền lực trong tay một vài chính trị gia nên đã thiên về chế độ nghị viện với 126 đại biểu Quốc Hội thay vì 78 người. Nhờ vậy mà Ulaanbaatar giảm thiểu được rủi ro guồng máy chính trị Mông Cổ bị một trong hai nước láng giềng quá lớn sát cạnh mua chuộc và tránh được cái bẫy bán rẻ tài nguyên cho một vài nhà đầu tư của Nga hay Trung Quốc. Chính vì thế mà tại mỏ than Talvan Tolgoi, chỉ cách biên giới Trung Quốc chưa đầy 200 km, ngoài tập đoàn Trung Quốc Shenhoa Energy, Mông Cổ đã cho phép tập đoàn Mỹ Peabody Energy và một đối tác Nga cùng vào hoạt động.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, như chuyên gia Pháp Antoine Maire nhận xét, căng thẳng về địa chính giữa Nga với nhiều nước phương Tây về Ukraina, rồi cuộc tranh hùng giữa hai siêu cường kinh tế thế giới là Trung Quốc, bài toán đối với Mông Cổ nan giải hơn :

« Mông Cổ có quyết tâm đa dạng hóa các đối tác để bớt phụ thuộc vào Bắc Kinh hay Matxcơva nhưng căng thẳng trong quan hệ giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc – Matxcơva bị Âu Mỹ trừng phạt vì xâm chiếm Ukraina, cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington khiến Nga và Trung Quốc khó chấp nhận để cho Mông Cổ đi tìm thêm các đối tác mới. Thêm vào đó thì Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau đó cũng là một thách thức mới đối với Mông Cổ. Tuy nhiên đây cũng là một cơ hội bởi vì một phần giao thương giữa Nga và Trung Quốc phải đi qua Mông Cổ biến quốc gia này thành một ‘hành lang kinh tế’ (…) Chính trong khuôn khổ này mà Matxcơva và Bắc Kinh đã khởi động lại một dự án đường ống dẫn khí đốt Siberia2, nhưng tôi không tin là công trình này sớm đi vào hoạt động. Trên thực tế, không có nhiều dự án hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đi ngang qua Mông Cổ ».

Giáo sư Legrand lưu ý chẳng những Mông Cổ  không hưởng lợi nhiều từ việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, mà Ulaanbaatar cho đến nay vẫn bị Bắc Kinh bắt chẹt : là một khách hàng lớn mua vào khoáng sản của Mông Cổ nhưng khách hàng Trung Quốc mua than đá, đồng … của Mông Cổ  với giá thấp hơn 30 % so với thị trường. Do vậy Ulaanbaatar không dại để hết cả trứng vào một giỏ :

« Đương nhiên sự gần gũi về địa lý và thế thượng phong về kinh tế của Trung Quốc có tác động đến Mông Cổ. Chẳng hạn như trào lưu phát triển công nghệ ô tô điện của Trung Quốc đẩy giá đồng trên thị trường kim loại lên cao. Mông Cổ có nhiều mỏ đồng nên cũng đã nghe ngóng tình hình và nắm bắt thời cơ mở rộng thị trường với Trung Quốc, bớt lệ thuộc vào Nga ».

Công luận Mông Cổ  « nóng ruột » chờ phép lạ kinh tế

Một thách thức lớn khác đặt ra cho các nhà lãnh đạo ở Ulaanbaatar là chiến lược phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên, vào khoáng sản và đất hiếm sau gần 3 thập niên vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. Rất giàu tài nguyên nhưng hiện tại 30 % dân Mông Cổ vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khó và quốc gia này vẫn chưa hóa thân thành một « Dubai của vùng thảo nguyên ». Mông Cổ  từng kỳ vọng cũng sẽ phát triển nhanh như Hàn Quốc trong nửa cuối thế kỷ XX để trở thành một mắt xích công nghiệp của thế giới. Nhưng cho tới hiện tại, kinh tế  Mông Cổ vẫn chưa cất cánh. Nhà địa chính trị Antoine Maire, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Mông Cổ giải thích :  

« Đòn bẩy duy nhất để khởi động lại cỗ máy sản xuất và đem lại tăng trưởng cho Mông Cổ là khai thác khoáng sản. Trong mục tiêu đó, Ulaanbaatar cần thu hút đầu tư nước ngoài để định vị các mỏ dự trữ, thăm dò và khai thác. Mông Cổ cần các phương tiện tài chính để mở mang các công trường … Bên cạnh đó, thì cũng phải kiểm soát các khoản đầu tư của các đối tác ngoại quốc tránh để một vài tập đoàn của Trung Quốc, của Nga hay bất kỳ một quốc gia nào khác thâu tóm các nguồn tài nguyên quốc gia. Có điều mảng công nghiệp khai thác khoáng sản của Mông Cổ đầy tiềm năng và hứa hẹn nhiều, nhưng vẫn chưa đem lại những thành quả cụ thể. Mông Cổ vẫn chưa bứt phá để trở thành một con Cọp kinh tế của châu Á. Công luận nước này khá bức xúc ».   

Biết đâu tiến trình chuyển đổi năng lượng hiện nay của phương Tây và kèm theo đó là nhu cầu tiêu tụ về đất hiếm để sản xuất ô tô điện, pin mặt trời hay chip điện từ là một cơ hội bằng vàng để Mông Cổ tăng tốc phát triển khoáng sản, thực hiện giấc mơ trở thành một cường quốc công nghiệp của thế kỷ 21.  

Thanh Hà

Bài Liên Quan

Leave a Comment