Trước mối đe dọa từ Nga, Đức tăng cường hệ thống phòng không. Lần đầu tiên Quân đội Đức tiếp nhận hệ thống phòng không Iris-T phiên bản SLM, do tập đoàn Đức Diehl sản xuất. Các hệ thống tên lửa phòng không Iris-T mà Berlin cấp cho Kiev đã giúp bắn chặn được ‘‘250 tên lửa, drone Nga, với tỉ lệ thành công là 95%’’, theo thủ tướng Olaf Scholz.
Đăng ngày: 05/09/2024
Theo AFP, lễ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không Iris-T SLM đã diễn ra tại căn cứ quân sự ở Todendorf, miền bắc nước Đức. Tại lễ bàn giao, thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố tổng thống Nga Vladimir Putin ‘‘đã triển khai tên lửa đến tận Kaliningrad, chỉ cách Berlin 530 km theo đường chim bay. Nếu không có biện pháp tương xứng sẽ là bất cẩn’’.
Iris-T SLM có thể bắn chặn các drone, phi cơ chiến đấu, trực thăng và tên lửa hành trình ở khoảng cách 40 km và ở độ cao 20 km. Iris-T SLM nằm trong hệ thống lá chắn phòng không nhiều tầng cho châu Âu, với tên gọi European Sky Shield (ESSI), dự án mà chính phủ Đức đã công bố tại Praha, Cộng Hòa Séc hồi tháng 8/2022. Tổng cộng có 21 nước đã tham gia vào dự án này. Riêng Pháp không tham gia dự án ESSI, do muốn ưu tiên các thiết bị, phương tiện do châu Âu sản xuất.
Ngoài phòng không tầm gần do hệ thống Iris-T đảm nhiệm, dự án phòng thủ ESSI bao gồm tên lửa tầm trung của Mỹ Patriot và tên lửa tầm xa Arrow-3 do Mỹ và Israel hợp tác chế tạo.
Riêng về Iris-T SLM, Quân đội Đức sẽ đã đặt hàng tổng cộng 6 hệ thống. 5 hệ thống còn lại sẽ nhận được từ đây đến tháng 5/2027. Theo trang mạng Pháp chuyên về quốc phòng Zone Militaire, hệ thống Iris-T bao gồm một trung tâm chỉ huy, một trạm rada, có tầm phủ sóng 250 km, và nhiều dàn phóng tên lửa, trị giá khoảng 140 triệu euro.
Đức sẽ cấp thêm cho Ukraina 17 hệ thống Iris-T
Kể từ đầu chiến tranh chống xâm lược Nga, Berlin đã cấp 4 hệ thống Iris-T SLM và 3 hệ thống Iris-T SLS cho Ukraina. Tại căn cứ Todendorf hôm qua, thủ tướng Đức thông báo Berlin sẽ cấp thêm cho Ukraina 17 hệ thống phòng không Iris-T, trong đó 2 hệ thống sẽ được giao ngay từ năm nay.