Việt Nam đang thúc đẩy các dự án phát triển khí hóa lỏng LNG quy mô lớn với “quan niệm sai lầm” rằng việc này sẽ giúp đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050 như cam kết đầy tham vọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo Tổ chức Global Energy Monitor (GEM).
Mới đây, tỉnh Nghệ An cho hay sẽ tổ chức một cuộc họp vào thứ Sáu (6/9) với các nhà đầu tư tiềm năng cho dự án nhà máy điện chạy bằng LNG Quỳnh Lập với vốn đầu tư 2,4 tỷ USD.
Thông tin về quy hoạch tổng thể, thủ tục đấu thầu, thời gian và địa điểm để các nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu sẽ được công bố tại cuộc họp.
Mục tiêu là đưa dự án vào hoạt động thương mại trước năm 2030.
Đây được coi là một bước tiến của Việt Nam trong khi hàng loạt các dự án nhà máy điện khí khác vẫn đang giẫm chân tại chỗ.
Dự án Quỳnh Lập ban đầu được quy hoạch là nhà máy nhiệt điện than, gồm hai nhà máy Quỳnh Lập I và II với tổng công suất 2.400 MW, nhưng sau đó đã bị loại bỏ trong Quy hoạch điện VIII (PDP8) cùng hàng loại dự án điện than khác.
Việc đẩy mạnh các dự án LNG của Việt Nam bắt đầu trong bối cảnh nguồn khí đốt trong nước này đang cạn, tình trạng thiếu điện trầm trọng cho sản xuất và sự phản đối mạnh mẽ toàn cầu đối với điện than.
PDP8 – được chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 4/2024 – đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là loại bỏ than đá, đã xác định LNG là nguồn năng lượng chuyển tiếp – cầu nối giữa loại bỏ than và giải pháp năng lượng sạch.
Từ năm 2020, nghị quyết của Bộ Chính trị Việt Nam đã xác định ưu tiên phát triển và nhập khẩu LNG để đưa loại khí này thành nguồn cung cấp điện quan trọng.
Các nhà hoạch định chính sách năng lượng của Việt Nam luôn chỉ ra những ưu điểm của loại năng lượng này, như không gây ô nhiễm như than đá, giúp máy móc chạy bền hơn xăng và dầu, nguồn cung dồi dào… Thậm chí họ còn gọi LNG là “năng lượng sạch”.
Thế nhưng, loại năng lượng này đã được các chuyên gia môi trường và năng lượng quốc tế từ lâu chỉ ra rằng “vừa đắt vừa không sạch” và do đó không bền vững.
Theo dữ liệu của GEM, các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cần khoản vốn đầu tư trên 180 tỷ USD cho các dự án nhà máy điện chạy bằng khí tự nhiên và cần thêm 40 tỷ USD nữa cho hạ tầng nhập khẩu và xuất khẩu LNG.
‘Sai lầm’ của Việt Nam?
Theo thông tin Tổ chức GEM cung cấp cho BBC Tiếng Việt, nếu các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đưa vào vận hành toàn bộ các dự án nhà máy điện chạy bằng khí đốt và LNG thì có thể đẩy công suất điện khí tại đây tăng gấp đôi so với mức 102 GW hiện nay và công suất nhập khẩu LNG có thể tăng 80%.
Những dự án điện này một khi được xây dựng có thể khiến các nước Đông Nam Á phải phụ thuộc vào LNG – nguồn nhiên liệu không ổn định và không an toàn về mặt kinh tế, và không phải là năng lượng sạch bền vững.
Các dự án LNG cũng thu hút đầu tư dịch chuyển khỏi các dự án năng lượng sạch.
Việc này có thể tạo ra những động cơ tiêu cực khiến các nước như Việt Nam bị mắc kẹt trong việc phát triển hoạt động sản xuất điện sử dụng khí đốt đắt đỏ và có hạn, theo GEM.
“Thật không may, nguồn tài chính quốc tế hiện đang khuyến khích các nước ở Đông Nam Á phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt, điều đó không mang lại lợi ích tốt nhất cho khu vực này,” bà Warda Ajaz, Quản lý dự án của Asia Gas Tracker thuộc Tổ chức GEM, nói với BBC News Tiếng Việt.
“Thay vào đó, nếu được chuyển hướng, nguồn tài trợ này có thể hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo và sự ổn định của lưới điện khu vực, tạo ra nhiều lợi ích an ninh kinh tế, môi trường và năng lượng lâu dài hơn cho khu vực.”
Về chi phí, việc phát triển điện khí rất đắt đỏ, trong đó bao gồm hạ tầng kỹ thuật để nhập khẩu LNG, nếu không lựa chọn đầu tư để sản xuất loại nhiên liệu này ở trong nước.
Nếu các dự án điện LNG trong khu vực được xây dựng, thì các nước, trong đó có Việt Nam, sẽ phải ký kết các hợp đồng mua khí đốt và LNG dài hạn, gây trì hoãn quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, chuyên gia năng lượng này cho hay.
Hơn nữa, điều này cũng có thể gây ra những tác động kinh tế và địa chính trị rộng lớn hơn, vì nhu cầu khí đốt ngày càng tăng ở Đông Nam Á sẽ thúc đẩy các hoạt động phát triển khí đốt tại các quốc gia xuất khẩu như Mỹ, Qatar và Úc.
Về mặt môi trường,mặc dù việc đốt LNG thải ra ít carbon dioxide hơn so với đốt dầu diesel hoặc than, nhưng tổng lượng phát thải trong vòng đời của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt LNG có thể lớn hơn so với các nhà máy chạy dầu diesel hoặc than do lượng phát thải khí mêtan trong toàn bộ quá trình từ khai thác, vận chuyển, xử lý… tới sử dụng.
Tại Việt Nam, kế hoạch tích hợp LNG đầy tham vọng của chính phủ trong cơ cấu năng lượng đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do không có bảo lãnh chính phủ lẫn không được bao tiêu sản phẩm, tranh chấp về giá điện và hợp đồng mua bán.
Thông thường phải mất từ 7 đến 10 năm thì các dự án nhiệt điện mới hoàn tất các thủ tục tài chính.
Do đó, LNG khó có thể giảm bớt tình trạng thiếu điện của Việt Nam, ít nhất là trong thời gian tới, theo đánh giá của chuyên gia GEM.
Bức tranh LNG ở Việt Nam
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 công suất điện than sẽ đạt đỉnh ở mức 30 GW, tỷ trọng của than trong sản xuất điện giảm xuống 20%, và công suất khí đốt sẽ đạt 38 GW. LNG sẽ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu năng lượng của đất nước, trong khi 10% sẽ được đáp ứng bằng khí đốt nội địa.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam có kế hoạch xây dựng 23 dự án nhà máy điện khí, trong đó 10 nhà máy sử dụng khí khai thác trong nước, 13 nhà máy dùng LNG nhập khẩu.
Tuy nhiên, báo chí Việt Nam dẫn lời ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, nói rằng hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển, chủ yếu là chưa chọn được nhà đầu tư.
Hiện mới chỉ có nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 đã tiến triển trong thi công, dự kiến phát điện thương mại vào cuối năm.
Tính tới tháng 6/2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 300.000 tấn LNG.
Việc nhập khẩu LNG được chính phủ Việt Nam xem là giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đồng thời thúc đẩy hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).
Tuy nhiên, với hàng loạt các khó khăn như đã nói ở trên, các chuyên gia năng lượng đưa ra giải pháp khác được cho là bền vững hơn với Việt Nam và các nước khác trong khu vực đang tham gia vào công cuộc phát triển điện khí LNG.
Dữ liệu của GEM và các nghiên cứu khác cho thấy các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có thể đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của mình thông qua các nguồn năng lượng tái tạo, loại hình đang ngày càng trở nên rẻ hơn.
Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ (NREL) xếp Myanmar, Việt Nam và Thái Lan là ba quốc gia đứng đầu khu vực về tiềm năng điện gió, trong khi Thái Lan, Myanmar và Campuchia có tiềm năng triển khai năng lượng mặt trời lớn nhất.
Các chuyên gia năng lượng cho rằng việc mở rộng thương mại điện xuyên biên giới là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và sử dụng năng lượng tái tạo trong khu vực.