- Tác giả,Kateryna Khinkulova
- Vai trò,BBC World Service
Margarita Simonyan, tổng biên tập của RT, là một trong những nhà quản lý truyền thông của Nga bị Hoa Kỳ trừng phạt với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Người phụ nữ 44 tuổi này được mô tả là nhà tuyên truyền và nhà tư tưởng hàng đầu của Điện Kremlin và là người theo chủ nghĩa Putin hơn cả chính bản thân Tổng thống Vladimir Putin.
Các bộ Tư pháp, Ngoại giao và Tài chính Hoa Kỳ đã công bố phối hợp hành động vào thứ Tư (4/9) để đưa ra “phản ứng quyết liệt” đáp trả các hoạt động can thiệp cuộc bầu cử của bà này.
Phản ứng khi tên mình xuất hiện trong danh sách trừng phạt, bà Simonyan viết trên X: “Ồ, họ đã tỉnh ngủ rồi.”
Nhắc đến những thành viên RT khác trong danh sách, bà nói: “Cả đội đã làm rất tốt.”
RT là đài truyền hình do chính phủ Nga kiểm soát, trước đây có tên là Russia Today (Nước Nga Ngày nay).
RT bị cáo buộc về điều gì?
Mô tả chi tiết về các cáo buộc, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói: “RT không còn chỉ là một công cụ tuyên truyền của Điện Kremlin. Tổ chức này đang được sử dụng để thúc đẩy các chiến dịch gây ảnh hưởng bí mật của Nga.”
Trong một tuyên bố với BBC, RT đã bác bỏ các cáo buộc và mỉa mai:
“Ba điều chắc chắn trong cuộc sống: thuế, cái chết và sự can thiệp của RT vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ.”
Simonyan là ai?
Simonyan sinh ra trong một gia đình người Armenia tại vùng Krasnodar của Nga.
Thành tích học tập đã giúp bà giành được một suất trong chương trình trao đổi danh giá tại Hoa Kỳ và đến New Hampshire vào năm 1995
Sau đó, bà trở về Nga và trở thành một nhà báo truyền hình.
Bà bắt đầu nổi tiếng vào năm 2004, khi bà đưa tin về cuộc bao vây trường học Beslan do các chiến binh Chechnya thực hiện.
Sự kiện này kết thúc sau ba ngày với phản ứng đẫm máu của nhà nước khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có 186 trẻ em.
Đối với Simonyan, điều này dẫn đến sự thăng tiến nhanh chóng.
Ngay sau đó, bà được chọn, ở tuổi 25, để thành lập và lãnh đạo mạng lưới quốc tế Russia Today, sau này đổi tên thành RT.
Nhà tư tưởng chính
Từ đó, trong hơn hai thập kỷ, bà đã trở thành một nhà chỉ trích phương Tây mạnh miệng, một người ủng hộ trung thành của ông Putin và lãnh đạo một mạng lưới vốn trưởng thành từ trứng nước thành thứ mà Hoa Kỳ cáo buộc là “cơ quan tuyên truyền quốc tế chính của Điện Kremlin”, đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ.
Theo thời gian, cả bà và kênh của bà đều càng có luận điệu cứng rắn hơn.
Mối quan hệ Nga và phương Tây xấu đi
Vào cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010, khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên xấu đi, mạng lưới này bắt đầu phải đối mặt với những cáo buộc về tuyên truyền ủng hộ Điện Kremlin và đưa tin thiên vị.
Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp và chiếm đóng một số vùng phía đông Ukraine, giọng điệu trên RT trở nên công khai thù địch với cả Ukraine và phương Tây.
Mạng lưới này bắt đầu gọi chính phủ dân cử ở Ukraine là “chế độ Kyiv” và cáo buộc các quốc gia phương Tây kích động Ukraine tổ chức cuộc cách mạng năm 2014, đồng thời tìm cách phá hoại hoặc thậm chí hủy diệt nước Nga.
Nhưng Simonyan không chỉ đứng đầu bộ phận tuyên truyền đối ngoại của Nga – bà còn tham gia rất nhiều vào truyền thông nội bộ, thường xuyên xuất hiện trên các chương trình đối thoại truyền hình về chính trị Nga – một phần không thể thiếu trong bộ máy tuyên truyền của nhà nước.
Cuộc chiến ở Ukraine
Tiếp đó là cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào năm 2022.
Sau nhiều năm đe dọa, Vương quốc Anh cuối cùng đã cấm kênh RT của bà.
Tại Nga, nhiều nhà báo và biên tập viên hàng đầu đã từ chức, trong một cuộc “di cư” hàng loạt dường như là để phản đối với cuộc chiến.
Bà Simonyan cáo buộc các đồng nghiệp cũ – và bất kỳ ai khác phản đối cuộc chiến – “không thực sự là người Nga”.
Bà đóng vai trò trung tâm của một trong những câu chuyện gián điệp lớn nhất liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine. Bà đã cho công bố một băng ghi âm bị rò rỉ trong đó các sĩ quan không quân Đức thảo luận về vũ khí tầm xa có thể được cung cấp cho Ukraine – và cách sử dụng các vũ khí này.
Bà thúc đẩy lập trường của Điện Kremlin rằng các khu vực Ukraine do Nga chiếm đóng nên tổ chức trưng cầu dân ý “và để mọi người ở lại với những người họ muốn ở lại. Điều đó rất công bằng”.
Bà kêu gọi “treo cổ” các thành viên đối lập Nga và đề xuất “đưa quân” tiến sâu hơn nữa vào châu Âu.
Với phương Tây: ‘Tôi không ưa quý vị’
Quan điểm của bà Margarita Simonyan đối với phương Tây được tóm tắt rõ nhất qua những bình luận mà bà đưa ra trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất với BBC, vào tháng Ba, khi ông Vladimir Putin chuẩn bị giành nhiệm kỳ thứ năm làm tổng thống trong một cuộc bầu cử không có đối thủ.
Khi được hỏi liệu có thật sự có một đối thủ nào không, bà trả lời: “Có cần thiết phải có một đối thủ thật sự không? Tại sao? Bởi vì chúng tôi không giống quý vị.”
“Và chúng tôi thực sự không thích quý vị lắm đâu.”