Việt Nam hoan nghênh Space X: Sẽ dùng vệ tinh Starlink cho mục đích quân sự?

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Phó chủ tịch cấp cao SpaceX Tim Hughes, chiều 6/9
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Phó chủ tịch cấp cao SpaceX Tim Hughes vào chiều 6/9

7 tháng 9 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn SpaceX của Mỹ về việc SpaceX đầu tư, cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam.

Trong cuộc gặp vào chiều 6/9, ông Tim Hughes, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ và kinh doanh toàn cầu của SpaceX, khẳng định tập đoàn này đã sẵn sàng đưa Starlink đến Việt Nam.

Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam cho hay Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hoan nghênh SpaceX quan tâm, đầu tư, đánh giá cao các ý tưởng và đề xuất hợp tác đầu tư của SpaceX, kỳ vọng các đề xuất này sẽ sớm trở thành hiện thực.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Starlink đã tạm dừng đàm phán tham gia thị trường Việt Nam. Nguyên nhân được cho là do những bất đồng về chính sách của Việt Nam về sở hữu cổ phần.

Starlink muốn có tỷ lệ sở hữu cổ phần áp đảo khi hoạt động tại Việt Nam, nhưng luật mới của Hà Nội lại không cho phép điều đó.

Theo Luật Viễn thông 2023 được Quốc hội phê duyệt tháng 11/2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024), tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế có dịch vụ hạ tầng mạng tối đa là 49%.

Không rõ Việt Nam có nới lỏng quy định cho Starlink để tập đoàn của tỷ phú Elon Musk đầu tư vào Việt Nam, song trong cuộc gặp mới nhất, ông Phạm Minh Chính đề nghị SpaceX phối hợp với Việt Nam để đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin của nước sở tại.

Theo nguồn tin trong ngành được trích dẫn trên Reuters vào cuối tháng 2/2024, SpaceX trước đó đã tìm cách xin ngoại lệ đối với quy định sở hữu nước ngoài của Việt Nam.

‘Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’

Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Tim Hughes diễn ra vào dịp Việt Nam và Mỹ kỷ niệm một năm xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 9/2023).

Trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch SpaceX, ông Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam luôn tạo các điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Mỹ thành công tại Việt Nam, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Người đứng đầu chính phủ cho biết Việt Nam đang xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số… đồng thời có đủ các điều kiện về hạ tầng và các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp ngước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả.

Do đó, ông mong muốn các doanh nghiệp công nghệ lớn, bao gồm SpaceX, sẽ hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Về phía tập đoàn Mỹ, ông Tim Hughes đánh giá cao Việt Nam có chương trình cung cấp internet cho toàn dân và khẳng định SpaceX đã sẵn sàng đưa Starlink đến Việt Nam, trong đó có cung cấp dịch vụ Starlink trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, phòng chống thiên tai…

Ông đề nghị Việt Nam chuẩn bị hạ tầng và điều kiện cần thiết để dự án phát huy hiệu quả, góp phần phủ sóng internet đến mọi người dân.

Ngoài việc đầu tư, Việt Nam cũng mong muốn SpaceX chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản trị; gia tăng hàm lượng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ xanh; phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển hệ sinh thái, cung cấp dịch vụ thứ cấp, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk vào Đông Nam Á từ đầu 2023 tại Philippines, Malaysia và dự kiến có mặt tại một số quốc gia khác trong năm 2024
Chụp lại hình ảnh,Dịch vụ internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk đã vào Đông Nam Á từ đầu 2023 tại Philippines, Malaysia và dự kiến có mặt tại một số quốc gia khác trong năm 2024

Ứng dụng vào an ninh, quân sự?

SpaceX do tỷ phú Elon Musk sáng lập, là tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh, được định giá khoảng 210 tỷ USD.

Starlink từng cung cấp dịch vụ thử nghiệm cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Dịch vụ thử nghiệm chưa từng được công bố rộng rãi này cho phép Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vệ tinh của Starlink để điều khiển thiết bị bay không người lái (drone) ở Biển Đông, bao gồm Vịnh Thái Lan.

Drone được đánh giá sẽ giúp cải thiện an ninh quốc phòng trên nhiều khía cạnh như do thám, cảnh báo, hay cả khả năng tấn công.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt vào tháng 3/2024, Tiến sĩ Marina Miron, một nhà nghiên cứu quốc phòng tại King’s College London, đánh giá:

“[Drone] có tiềm năng giúp quân đội Việt Nam trong hoạt động trinh sát. Ngoài ra, có thể thiết lập drone như một hệ thống cảnh báo an ninh thời gian thực. Điều này giúp phát hiện từ sớm các nguy cơ an ninh.”

Tuy nhiên, nếu không có hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, khả năng vận hành của drone sẽ gặp nhiều hạn chế.

Cảnh sát Biển Việt Nam từng sử dụng dịch vụ thử nghiệm của Starlink để điều hướng drone ở khu vực Biển Đông
Chụp lại hình ảnh,Cảnh sát Biển Việt Nam từng sử dụng dịch vụ thử nghiệm của Starlink để điều hướng drone ở khu vực Biển Đông

Theo nhà phân tích quốc phòng độc lập Tayfun Özberk, nếu không có vệ tinh hỗ trợ, [quân đội] sẽ phải sử dụng Hệ thống truyền thẳng (LOS – Line of Sight) để điều khiển drone. Khi đó, người ta chỉ có thể điều khiển drone trong phạm vi mà thiết bị có thể liên lạc thẳng trực tiếp với trạm điều khiển.

“Ngược lại, drone được vệ tinh hỗ trợ không gặp vấn đề này,” ông Özberk nói với BBC Tiếng Việt vào tháng 3/2024, lấy ví dụ về khả năng tấn công tầm xa bằng drone của quân đội Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Tuy vậy, vẫn có những lo ngại an ninh quân sự liên quan tới tính bảo mật của hệ thống và cơ sở dữ liệu khi sử dụng công nghệ của Starlink.

Tiến sĩ Miron và một chuyên gia ẩn danh cho rằng trong khi không có nhiều lo ngại về việc Starlink mua hay bán dữ liệu, thì nguy cơ xâm nhập trái phép vào hệ thống có khả năng lớn hơn.

Khi đó, những thông tin như vị trí, tần suất bay, hành trình bay hay số lượng drone có thể bị lộ.

Không chỉ riêng đối với công nghệ của Starlink, những lo ngại này cũng là vấn đề chung với những hệ thống tương tự.

Bài Liên Quan

Leave a Comment