RFA
2024.09.10
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình (phải)
Cập nhật lúc 9:25 AM ngày 10/9/2024 giờ miền Đông Hoa Kỳ
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 10/9 đã kết án 7 năm tù giam đối với nhà báo độc lập, blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA) Nguyễn Vũ Bình về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Phiên toà sơ thẩm diễn ra vào buổi sáng thứ Ba tại trụ sở của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội. Có ba luật sư bào chữa cho ông Bình gồm hai ông Lê Đình Việt và Lê Văn Luân, và bà Nguyễn Thị Trang. Chị ruột và con gái của ông Bình được vào phòng xử án để quan sát phiên toà.
Một luật sư muốn ẩn danh vì lý do an ninh, nói với RFA trên đường rời toà án:
“Thân chủ của tôi thừa nhận hành vi thực hiện, nhưng không thừa nhận có tội mà chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận và biểu đạt theo Hiến pháp Việt Nam hiện hành và Công ước về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết.
Ông cũng không đồng ý với cáo trạng và luận tội của Viện Kiểm sát.”
Vị luật sư này cũng cho biết trong phiên toà, các luật sư được tự do trình bày bào chữa của mình trong khi ông Bình khá bình thản.
Luật sư nói ông Nguyễn Vũ Bình không kháng án cho dù không thừa nhận phạm tội, có lẽ là do “không tin vào tính công bằng của nền tư pháp Việt Nam và sẽ vô ích vì kháng án sẽ không thay đổi được gì như trong nhiều vụ án tương tự khác.”
Luật sư không đồng tình với tính thuyết phục của bản án, và mức án nặng nề là do toà án vận dụng tình tiết “tái phạm.”
Năm 2003, ông Nguyễn Vũ Bình bị kết tội “gián điệp” với mức án 7 năm tù chỉ vì đã báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền ra nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Phòng, chị ruột của ông Bình trong tin nhắn gửi RFA trong trưa thứ Ba cho rằng “bản án quá nặng nề.”
ĐÀi Á Châu Tự Do và Văn Bút Quốc Tế (PEN International) cùng Vietnamese Broad PEN Centre và PEN America vào cùng ngày ra thông cáo báo chí lên án mạnh mẽ việc kết án nhà báo Nguyễn Vũ Bình, gọi đây là một ví dụ nữa của việc đàn áp vô lý của Chính phủ Việt Nam đối với tự do báo chí, đe dọa các nhà báo và người viết.
RFA và các tổ chức quốc tế đồng thời kêu gọi việc trả tự do ngay lập tức và vô điều keienj đối với ông Nguyễn Vũ Bình.
Bị cáo buộc bình luận chính trị trên kênh YouTube của nước ngoài
Ông Nguyễn Vũ Bình, 56 tuổi, bị bắt vào ngày 29/2 vừa qua vì bị cáo buộc tham gia chương trình bình luận về chính trị, kinh tế, xã hội cùng với cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài và phát trên kênh Youtube “TNT Media Live” trong ba tháng đầu năm 2022.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Bình bị truy tố theo điểm b “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” của khoản 1 Điều 117 vì tham gia bình luận trong bốn video clip đăng tải trong tháng 1 và tháng 3/2022 chứa nội dung “tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.”
Ông Bình được cho là đã xác nhận nội dung trong các video clip là tin tức chính trị, kinh tế, xã hội được thu thập từ nhiều nguồn như mạng Internet, báo chí, mạng xã hội sau đó tổng hợp, phân tích, bình luận.
Theo đó, ông Nguyễn Vũ Bình biết kênh Youtube “TNT Media Live” do người nước ngoài lập nhưng không nhớ ai là người tạo lập, quản trị, sử dụng; không biết ai là người đăng tải các video clip lên kênh Youtube nêu trên.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử không có thông tin, dữ liệu và không có biện pháp kỹ thuật cần thiết để xác định thông tin của kênh Youtube này.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng việc bắt giữ và kết án ông Bình nằm trong chiến dịch trấn áp giới bất đồng chính kiến của ông Tô Lâm trong quá trình chuẩn bị trở thành nhà lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản cầm quyền. Từ Đức, ông nói với RFA sau khi có bản án:
“Chúng tôi đã chỉ lựa chọn những tin tức ở trong nước để đưa tin và bình luận theo quan điểm cá nhân, đó là quyền con người, quyền công dân được ghi trong Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam 2013.
Đây là bản án bất công và phi lý, nó mang tính chất đàn áp người bất đồng chính kiến ở Việt Nam.”
Đây là lần thứ hai ông Nguyễn Vũ Bình bị cầm tù. Năm 2000, sau khi bỏ việc ở Tạp chí Cộng sản, ông tham gia viết bài về dân chủ, nhân quyền và có đơn xin thành lập đảng đối lập.
Hai năm sau, ông bị bắt giam vì gửi tài liệu do ông soạn thảo và tập hợp bị cho là “có nội dung xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam” cho nước ngoài. Năm kế tiếp, ông bị kết án bảy năm tù giam về tội danh “gián điệp.”
Vì các hoạt động chính trị ôn hoà, ông được tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trao giải thưởng danh giá Hellmann/Hammett dành cho các nạn nhân của đàn áp chính trị, vào năm 2002 và 2007.