Nhà nước Palestine có ‘‘vị trí chính thức’’ tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc

Kể từ hôm qua, 10/09/2024, Palestine có một vị trí chính thức tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ngày 10/05/2024, mặc dù chưa trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc, quốc gia Palestine kể từ giờ được hưởng thêm nhiều quyền hạn của các nước thành viên, như có ghế đại diện tại Đại Hội Đồng xếp theo chữ cái ABC như tất cả các thành viên khác, hay quyền đồng chủ trì các dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. 

Đăng ngày: 11/09/2024

(Ảnh minh họa) - Một phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York.
(Ảnh minh họa) – Một phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York. REUTERS/Shannon Stapleton

Trọng Thành

Kể từ giờ, vị trí của đại diện Nhà nước Palestine (State of Palestine) tại Đại Hội Đồng là ở giữa Sudan và Sri Lanka. Đại sứ Ai Cập Osama Mahmoud Abdelkhalek Mahmoud ‘‘ca ngợi một thời điểm lịch sử’’, không đơn thuần chỉ là ‘‘một vấn đề mang tính thủ tục’’. Ngược lại, Israel lên án quyết định của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Phó đại diện của Israel Jonathan Miller tuyên bố : ‘‘Mọi quyết định hay hành động cho phép cải thiện quy chế của người Palestine, dù tại Đại Hội Đồng hay về mặt song phương, đều là một phần thưởng cho các lực lượng khủng bố nói chung và lực lượng khủng bố Hamas nói riêng’’.

Theo nghị quyết ngày 10/05/2024 của Liên Hiệp Quốc, việc Palestine – quốc gia quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc – được hưởng thêm các quyền hạn khác là nhằm thúc đẩy việc chính thức kết nạp Palestine làm thành viên Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết đã được thông qua với 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống (gồm Achentina, Hoa Kỳ, Hungary, Israel, Micronenia, Nauru, Palaos, Papouasia-New-Guinea, và CH Séc), và 25 nuớc vắng mặt.

Nghị quyết được thông qua sau khi Hoa Kỳ, ngày 18/04/2024, phủ quyết dự thảo nghị quyết công nhận Palestine là thành viên Liên Hiệp Quốc, được 9 nước thành viên Hội Đồng Bảo An ủng hộ, trong đó có Pháp.  Nghị quyết cấp thêm một số quyền hạn cho Nhà nước Palestine, được thông qua với đa số áp đảo nói trên, có mục tiêu chính là thúc đẩy Hội Đồng Bảo An ‘‘xem xét lại’’ trong tương lai vấn đề kết nạp Palestine làm thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc.

Trên thực tế, để Palestine được kết nạp làm thành viên chính thức, Hội Đồng Bảo An phải bật đèn xanh. Hiện tại, Hoa Kỳ, đồng minh của Israel, không thay đổi quan điểm : Việc kết nạp Palestine chỉ có thể diễn ra sau khi Israel và Cơ quan Quyền lực Palestine đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Theo giới quan sát, đây là điều bất khả, chừng nào mà cuộc chiến tại dải Gaza còn tiếp diễn.

Bài Liên Quan

Leave a Comment