12 tháng 9 2024
Ông Nguyễn Vũ Bình, một blogger và nhà báo tự do, vừa bị tuyên 7 năm tù trong một phiên tòa ở Hà Nội hôm 10/9 với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Ông Bình là trường hợp người chỉ trích chính phủ mới nhất bị bỏ tù tại Việt Nam và là phiên tòa thứ tám (theo thống kê của HRW) kể từ khi ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công an Hà Nội bắt giữ ông Bình, 55 tuổi, vào ngày 29/2/2024 sau khi ông bày tỏ quan điểm chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Vũ Bình từng làm phóng viên tại tạp chí Tạp chí Cộng sản, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong gần 10 năm.
Ông Bình nghỉ việc phóng viên năm 2000 và từ đó đã cố gắng thành lập một đảng chính trị độc lập.
Ông cũng là một trong số những người bất đồng chính kiến đã cố gắng thành lập một hiệp hội chống tham nhũng vào năm 2001.
Công an từng bắt giữ ông Bình vào tháng 9/2002, cáo buộc rằng ông vu khống nhà nước Việt Nam trong văn bản mà ông cung cấp cho Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 7/2002 về các vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Vũ Bình từng viết gì?
Trong lời tường trình trước Quốc hội Hoa Kỳ, ông Nguyễn Vũ Bình viết: “Tôi luôn tin rằng khi chúng ta có thể ngăn chặn thành công các hành vi vi phạm nhân quyền trên khắp đất nước, chúng ta cũng đã thành công trong việc dân chủ hóa quốc gia này.
“Do đó, bất kỳ biện pháp đấu tranh nào cho nhân quyền cũng phải hướng đến mục tiêu cuối cùng mà người dân Việt Nam mong muốn từ lâu: tự do cá nhân và một xã hội dân chủ.”
Ông Bình từng bị phạt tù một lần vào năm 2003.
Một phiên tòa vào tháng 12/2003 đã tuyên ông Bình bảy năm tù, ba năm quản thúc tại gia, về tội gián điệp theo Điều 80 của Bộ luật Hình sự Việt Nam (năm 1999).
Vào tháng 6/2007, ông được trả tự do trước thời hạn hai năm ba tháng.
Ngay sau khi ra tù, ông Bình tiếp tục hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, thường xuyên bình luận về các vấn đề xã hội và chính trị ở Việt Nam.
Theo thống kê của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), từ năm 2015 đến năm 2024, ông Nguyễn Vũ Bình đã xuất bản hơn 300 bài viết trên Blog của Đài Á Châu Tự Do.
Đề tài mà ông Bình viết thường về tham nhũng, quyền đất đai, sự tàn bạo của cảnh sát, các phiên tòa bất công, quyền biểu tình ôn hòa, kinh tế, giáo dục, môi trường và mối quan hệ giữa Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bài viết Những khía cạnh tích cực của phong trào dân chủ giai đoạn khó khăn, trầm lắng của ông Bình xuất bản chỉ một tuần trước khi ông bị bắt vào năm 2024.
Trong bài viết, ông Bình nhận định rằng những người ủng hộ nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam nên hỗ trợ lẫn nhau và hỗ trợ gia đình của những người hoạt động khác trong bối cảnh chính phủ đang đàn áp.
Ông Nguyễn Vũ Bình đã hai lần nhận giải thưởng nhà văn Hellmann/Hammett dành cho nạn nhân của sự đàn áp chính trị vào các năm 2002 và 2007.
Tổ chức quốc tế nói gì?
Thượng nghị sĩ Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, viết trên mạng xã hội X hôm 10/9:
“Bản án 7 năm tù đối với nhà báo Nguyễn Vũ Bình về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ là một sự bất công trầm trọng. Ông Bình bị bỏ tù chỉ đơn giản vì ông nói lên sự thật về nạn tham những và các vấn đề khác của Việt Nam. Nhà chức trách phải trả tự do cho ông ngay lập tức.”
“Nguyễn Vũ Bình đã không ngừng vận động cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam trong hơn hai thập kỷ,” bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW, phát biểu trong thông cáo báo chí phát đi trước phiên tòa.
“Việc ông Bình bày tỏ sự bất đồng chính kiến một cách ôn hòa không phải là một tội ác và vụ án chống lại ông nên bị hủy bỏ.”
HRW cho rằng chính phủ Việt Nam cũng nhắm vào ông vì ông chỉ trích một hiệp ước biên giới gây tranh cãi với Trung Quốc trong một bài báo được đăng vào tháng 8/2002.
“Thật vô lý khi chính phủ Việt Nam – vốn độc quyền mọi phương tiện truyền thông và đảm bảo rằng họ chỉ xuất bản những gì chính phủ muốn nghe – lại không thể chấp nhận một lời chỉ trích từ một tiếng nói độc lập như Nguyễn Vũ Bình,” bà Gossman nói.
“Khi nào thì các nhà lãnh đạo Việt Nam mới học được cách chấp nhận những tiếng nói bất đồng và khi nào thì các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam mới lên tiếng về sự áp bức ở đó?” bà Gossman đặt câu hỏi.
Chủ tịch Tổ chức Văn bút Quốc tế (PEN International) và Văn bút Mỹ (PEN America) cũng lên tiếng sau phiên tòa, “lên án mạnh mẽ” bản án và mức tù giam dành cho ông Nguyễn Vũ Bình.
“Phán quyết này là một ví dụ nữa về sự đàn áp bất công của Việt Nam đối với quyền tự do ngôn luận và sự đe dọa trắng trợn đối với các nhà báo và nhà văn.”
“Những bài phê bình của ông Nguyễn Vũ Bình với tư cách là một blogger đã giúp ông hai lần nhận giải thưởng Hellman-Hammett danh giá — một sự công nhận, tôn vinh các nhà văn đang chịu sự đàn áp chính trị.
“Trường hợp của ông cần được quan tâm nhanh chóng và chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chúng tôi lên án phán quyết này.”
Các tổ chức này cũng yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Vũ Bình và rằng họ sẽ “kiên quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận được như đã nêu trong Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”.