Anh-Mỹ thảo luận về việc cho phép Ukraina sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga

Tại Washington, thủ tướng Anh Keir Starmer hôm nay, 13/09/2024, thảo luận với tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cho phép Ukraina sử dụng các tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga. 

Đăng ngày: 13/09/2024

Britain's Prime Minister Keir Starmer arrives at Joint Base Andrews, Md., ahead of meeting with U.S. President Joe Biden Thursday, Sept. 12, 2024.
Thủ tướng Anh Keir Starmer tại sân bay Joint Base Andrews, một ngày trước cuộc hội đàm với tổng thống Mỹ, Joe Biden. Ảnh ngày 12/09/2024. AP – Stefan Rousseau

Thanh Phương

Từ nhiều tháng qua, Kiev vẫn yêu cầu các đồng minh bãi bỏ các hạn chế về việc sử dụng tên lửa tầm xa để Ukraina có thể oanh kích vào sâu trong lãnh thổ Nga, nhắm vào các mục tiêu quân sự như các căn cứ không quân mà từ đó các phi cơ của Nga cất cánh để oanh kích Ukraina. 

Theo hãng tin AFP, hôm 12/09/2024 tổng thống Vladimir Putin đã cảnh cáo rằng cho phép Ukraina tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa có nghĩa là các quốc gia thành viên khối NATO tham chiến chống nước Nga.

Báo chí Anh cho rằng vì lo ngại nổ ra chiến tranh hạt nhân, tổng thống Biden sẵn sàng cho phép Ukraina triển khai các tên lửa của Anh và Pháp có sử dụng công nghệ của Mỹ, nhưng không cho phép dùng đến tên lửa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga. 

Còn trong chuyến thăm Vacxava, ngày 12/9,  ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã thảo luận với người đồng cấp Ba Lan về việc yểm trợ cho Ukraina trong cuộc chiến chống Nga.

Từ Vacxava, thông tín viên Adrien Sarlat tường trình:

Phải hỗ trợ Ukraina, nhưng đến mức độ nào? Đó là câu hỏi bao trùm chuyến viếng thăm ông Antony Blinken ở Vacxava chiều qua. Sau khi ngoại trưởng Mỹ thông báo một khoản viện trợ mới trị giá 717 triệu đôla cho Kiev, người đồng cấp của Ba Lan đã cố thuyết phục ông đi xa hơn.

Ông Radoslaw Sikorski tuyên bố: “Phương Tây phải tiếp tục cung cấp cho Ukraina những hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tối tân. Nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng cần phải dỡ bỏ những hạn chế về việc sử dụng các tên lửa tầm xa.”

Lời kêu gọi này là dễ hiểu do vị trí địa lý của Ba Lan. Là nước láng giềng của cả Ukraina, Nga và Belarus, Ba Lan vẫn sợ là chiến tranh sẽ lan sang lãnh thổ của mình. Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông rất lưu tâm đến mối quan ngại đó. 

Ông nói: “Ba Lan là một trong những nước của khu vực đã từng bị các vụ tấn công tin học và các vụ phá hoại, kể cả với sự đồng lõa của Belarus. Đó là điều mà các nước đồng minh cũng ghi nhận ở những nơi khác tại châu Âu.

Chiều qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã một lần nữa tỏ vẻ sốt ruột trước thái độ do dự của các đồng minh, hiện ngày càng bị chia rẽ trên vấn đề sử dụng các tên lửa tầm xa.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment