Bãi Sa Bin: Philippines kiên quyết bảo vệ chủ quyền nhưng tìm cách giảm căng thẳng với Trung Quốc

Bãi Sa Bin đang trở thành một điểm nóng mới trong cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông. Manila cho tới nay vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình, nhưng cũng đang tìm cách giảm căng thẳng trong khu vực này. 

Đăng ngày: 13/09/2024

Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc đi sát tàu Philippines BRP Cabra đang làm nhiệm vụ tiếp tế tới bãi cạn Sabina ở Biển Đông, ngày 26/08/2024.
Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc đi sát tàu Philippines BRP Cabra đang làm nhiệm vụ tiếp tế tới bãi cạn Sabina ở Biển Đông, ngày 26/08/2024. AFP – JAM STA ROSA

Thanh Phương

Bãi Sa Bin, cách đảo Palawan 150 km về phía tây, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền trên bãi cạn này, vì đối với Bắc Kinh hầu như toàn bộ vùng Biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Vào tháng trước hai bên đã tố cáo lẫn nhau là tàu nước này nhiều lần cố tình đâm vào tàu nước kia tại khu vực này.  

Theo hãng tin Reuters, trong một cuộc họp giữa các giới chức của hai nước hôm thứ tư 11/09/2024 tại Bắc Kinh, phía Trung Quốc đã một lần nữa khẳng định chủ quyền của họ tại bãi Sa Bin và nhắc lại yêu cầu Manila rút ngay lập tức một tàu tuần duyên của Philippines neo đậu tại bãi cạn này từ tháng 4 đến nay. 

Đáp lại yêu cầu đó, trên mạng xã hội X, thứ trưởng Ngoại Giao Philippines, bà Theresa Lazaro đã tái khẳng định lập trường “kiên định” của Manila về bãi Sa Bin, nhưng cho biết Philippines đang tìm phương cách để làm giảm căng thẳng trong khu vực này. Kèm theo những dòng chữ đó là bức ảnh chụp bà bắt tay thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông (Chen Xiaodong). 

Thứ trưởng Lazaro nói thêm: “Chúng tôi đồng ý sẽ tiếp tục thảo luận về các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là về đường dây nóng, hợp tác tuần duyên, và hợp tác công nghệ, nghiên cứu khoa học”. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Philippines, trong cuộc họp tại Bắc Kinh, hai bên đã có những cuộc trao đổi rất “thẳng thắn”.

Nói chung, Manila không muốn căng thẳng ở khu vực bãi Sa Bin lên đến mức gây tác hại đến quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Philippines và cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Philippines. 

Nhưng tình hình tại bãi Sa Bin không dễ gì nhanh chóng trở lại yên ắng, nhất là sau khi hôm qua, tại Diễn Đàn An Ninh Hương Sơn Bắc Kinh, một viên tướng Trung Quốc đã dọa sẽ “đập tan” mọi hành động xâm phạm “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo nhật báo Philippines Inquirer, đáp lại lời đe dọa đó, hôm nay, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya tuyên bố Manila sẽ tiếp tục “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Tây Philippines ( Biển Đông )”.

Thật ra thì lời cảnh cáo của tướng Trung Quốc Hà Lôi chủ yếu nhắm vào Hoa Kỳ. Vào cuối tháng 8, tướng Romeo Brawner, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, cho biết Washington đã đề nghị là các tàu của Mỹ sẽ hộ tống các tàu tiếp liệu của Philippines đến các vùng tranh chấp trên Biển Đông, sau khi khi Bắc Kinh nhiều lần ngăn chận các chuyến tàu tiếp liệu này. Theo lời tướng Brawner, Manila hiện chưa cần đến sự hộ tống của tàu Mỹ, trừ phi họ không còn có thể tiếp tế lương thực để cứu đói cho binh lính Philippines trú đóng ở những nơi đó. 

Trong cuộc Thảo luận Phối hợp Chính sách Quốc phòng Mỹ-Trung Quốc được tổ chức bên lề Diễn Đàn An Ninh Hương Sơn, hôm qua, phái đoàn bộ Quốc Phòng Mỹ đã nêu lên quan ngại của Washington trước những hành động của Trung Quốc đối với Philippines ở Biển Đông. 

Là đồng minh của Philippines và đã ký hiệp ước phòng thủ chung với nước này, Hoa Kỳ hoàn toàn không muốn các vụ va chạm giữa tàu Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông tiếp diễn đến mức họ bị kéo vào một cuộc xung đột với Trung Quốc. Bắc Kinh đã từng cảnh cáo Washington là Hoa Kỳ không được quyền can thiệp vào tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Làm sao vẫn yểm trợ được cho đồng minh Manila mà không bị Trung Quốc xem là “can thiệp” vào Biển Đông, đây là một bài toán khó cho Washington. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment