Khởi động chiến tranh Ukraina, tổng thống Vladimir Putin theo đuổi 2 mục tiêu : gạt Âu Mỹ ra khỏi các vùng ảnh hưởng truyền thống từ châu Á đến Trung Đông và châu Phi, khai tử tầm nhìn về một « thế giới đa cực » để thay vào đó bằng khái niệm « World Majority », « Đa số quốc tế » này thuộc về Nga, Trung Quốc và các cường quốc khu vực, những nước phương Nam không chống đối Matxcơva.
Đăng ngày: 13/09/2024
Trên đây là hai ý chính trong bài viết mang tựa đề « Thế giới 2024 trong quan điểm của Matxcơva : Liệu Nga có đưa ra một chiến lược quốc tế mới hay không ? », đăng trên tạp chí chuyên về ngoại giao Diplomatie số tháng 8-9/2024. Tác giả là nhà nghiên cứu Cyrille Bret, thường xuyên cộng tác với hai viện nghiên cứu có uy tín ở Paris – Viện Jacques Delors và Montaigne.
Matxcơva : Phương Tây thuộc về « thiểu số »
Chiến tranh Ukraina do Matxcơva khởi động từ 2022 có làm thay đổi sâu rộng tầm nhìn của Nga về quan hệ quốc tế hay trái lại, cuộc chiến này càng củng cố thêm chủ trương đối đầu với phương Tây mà chính Vladimir Putin đã từng trình bày nhân Hội Nghị An Ninh Munich năm 2008 ?
Căn cứ vào những phát biểu của chính tổng thống Putin, của nhiều quan chức hàng đầu điều hành các viện nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Nga, vào những tài liệu chính thức và những công văn lưu hành trong nội bộ, tác giả bài viết, Cyrille Bret, ghi nhận « về cơ bản cuộc chiến Ukraina không ảnh hưởng đến những nguyên tắc chủ đạo và các mối liên kết lâu đời » giữa Nga và thế giới. Nhưng dưới tác động chiến tranh Ukraina và các đợt trừng phạt nhắm vào kinh tế Nga mà Âu Mỹ liên tục ban hành, ở điện Kremlin, Vladimir Putin « tăng tốc » chiến lược xoay trục sang châu Á, trở lại châu Phi và Trung Đông trên một số phương diện, một mục tiêu đã có từ trước khi những người lính Nga đầu tiên tràn vào Ukraina.
Nhưng cuộc chiến này đã mang lại một thay đổi rất lớn trong tầm nhìn của Nga về toàn cảnh thế giới : Matxcơva quan niệm bang giao quốc tế giờ xoay quanh « căng thẳng giữa phương Tây và phe Đa Số Trên Thế Giới ». Chìa khóa nằm ở khái niệm World Majority – Đa Số Trên Thế Giới xuất hiện trong « học thuyết mang tên Sergey Karaganov », người đang điều hành Hội Đồng về Chính Sách Đối Ngoại và Quốc Phòng Nga ».
Học thuyết về ngoại giao và quân sự này đi từ nhận định phương Tây nay đã trở thành một « thiểu số cả về phương diện dân số lẫn kinh tế » cho nên đã đến lúc để một « đa số trên thế giới có tiếng nói của mình, không còn chấp nhận ảnh hưởng chính trị, văn hóa, công công nghệ và quân sự » mà Âu Mỹ áp đặt.
Khái niệm World Majority mà Nga đưa ra từ 2023 tập hợp các « nước phương Nam –South Global » kể cả những quốc gia chỉ trích Matxcơva đánh chiếm Ukraina nhưng không về phe với Âu Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga, (Điển hình là Ấn Độ)
Ukraina điểm đầu tiên trong « nghĩa vụ » đương đầu với phương Tây
Trong tầm nhìn mới này về toàn cảnh quốc tế, thì Nga « chiếm một vị trí riêng biệt » : Matxcơva tự xem là có nghĩa vụ lãnh đạo khối Đa Số Trên Thế Giới trong cuộc đương đầu với bên « Thiểu Số » phương Tây. Tại châu Âu, Ukraina là thí điểm.
Theo tác giả bài tham luận trên báo Diplomatie, Cyrille Bret, « chiến tranh Ukraina không chỉ là một cuộc tranh giành về đất đai với một nước láng giềng ». Điện Kremlin coi đây là một « bài toán trắc nghiệm về khả năng chống lại phương Tây ». Ukraina là sân chơi, là « phòng thí nghiệm của Vladimir Putin về bang giao quốc tế ».
Do vậy vẫn theo tác giả, « ưu tiên tuyệt đối của Matxcơva là phải thắng tại Ukraina », vì đó sẽ là thắng lợi đầu tiên trong cuộc đọ sức giữa Nga với Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO, giữa nước Nga với Liên Hiệp Châu Âu.
Thay thế phương Tây lãnh đạo thế giới
Để thuyết phục khối các nước « phương Nam » chia sẻ, tham gia vào khối « Đa Số » đặt dưới trướng của Matxcơva, chính quyền Vladimir Putin củng cố và tiếp sức cho những tổ chức hiện hành mà ở đó phương Tây không tham dự.
Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải năm 2023 kết nạp thêm Iran, sau khi đã đón nhận Ấn Độ và Pakistan từ 2017 ; BRICS, khối 5 nền kinh tế đang trỗi dậy đang từ 5 thành viên ban đầu đã mở rộng vòng tay đón thêm 9 nước trong đó có Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất … « Trong mọi lĩnh vực từ ngoại giao, an ninh, quân sự tài chính, tiền tệ hay khoa học, 2024 là năm mà Nga đã nỗ lực tổ chức các diễn đàn, tạo dựng những mối đối tác và đề xuất các kế hoạch hành động mà ở đó không có sự hiện diện của phương Tây ».
Câu hỏi kế tiếp : lôi kéo các nước « phương Nam » về phía mình, thành lập đa số World Majorité trong hai năm qua Nga có thành công hay không ?
Cyrille Bret trả lời : Là một quốc gia rộng lớn, là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cộng thêm với ảnh hưởng thừa hưởng từ thời Liên Xô cũ, lại có nhiều tài nguyên, nước Nga của Vladimir Putin vẫn chiếm vị trí « hàng đầu » tại một số khu vực. Do chiến tranh Ukraina và hơn một chục đợt trừng phạt mà Liên Hiệp Châu Âu ban hành Matxcơva đã tăng tốc trong chiến thuật xoay trục sang châu Á. Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Ai Cập … là những đối tác thương mại lấp vào chỗ trống mà châu Âu để lại. Điều đó không có nghĩa là Nga hoàn toàn đóng cửa với châu Âu.
2023-2024 là giai đoạn tổng thống Vladimir Putin tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực năng lượng và quân sự, một phần là tránh để Nga quá phụ thuộc vào « tình bạn vô bờ bến » đã xây dựng được với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Với Bắc Triều Tiên, Nga đẩy mạnh các « trao đổi về trang thiết bị quân sự ». Về kinh tế, ở châu Á, Matxcơva ý thức được là chỉ đóng vai trò « thứ yếu » so với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Với khu vực Trung Cận Đông, Nga chủ trương khai thác quan hệ với những đối tác đang có xung khắc với phương Tây (như Iran, Syria) hay các quốc gia có căng thẳng trong quan hệ với Âu Mỹ (như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập) để mở rộng vai trò của Matxcơva từ quân sự, đến kinh tế, năng lượng… : Đây là những mảnh đất màu mỡ để cho khái niệm về một « Đa Số Trên Thế Giới » dễ dàng đâm trồi nẩy lộc.
Với châu Phi Nga đã chen chân vào vừa để làm đối trọng với sự hiện diện của các nước « thực dân cũ » (Anh, Pháp, Bỉ), vừa để « quay trở lại với một châu lục đang bị Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh ».
Để kết luận : tác giả trả lời như thế nào câu hỏi liệu chiến tranh Ukraina có làm thay đổi sâu rộng tầm nhìn của Matxcơva về quan hệ quốc tế hay không ?
Tác giả bài viết đưa ra một số điểm then chốt như sau : « Tầm nhìn và chiến lược về địa chính trị của Nga từ khi xâm chiếm Ukraina hồi năm 2022 đã có phần thay đổi. Giờ đây Nga khẳng định vai trò tiên phong trong việc hình thành một Đa Số Trên Thế Giới-World Majority mà ở đó vắng bóng phương Tây ».
« Mục tiêu chính của Nga vẫn là hơn bao giờ hết, phải giành được thắng lợi quân sự tại Ukraina, đánh bại mọi sự hỗ trợ của Mỹ, của NATO và châu Âu dành cho Ukraina ».