Việt Nam cân nhắc khôi phục kế hoạch phát triển điện hạt nhân

Mô hình một nhà máy điện hạt nhân của Nga
Chụp lại hình ảnh,Mô hình một nhà máy điện hạt nhân của Nga

Việt Nam đang cân nhắc khôi phục kế hoạch phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, theo một văn bản của chính phủ mà Reuters được tiếp cận.

Việt Nam, một trung tâm công nghiệp trong khu vực Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào than để sản xuất điện, cũng đang tìm cách thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch hơn để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Bộ Công Thương sẽ tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các quốc gia khác và đưa ra đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam,” theo nội dung văn bản có ngày ký là hôm thứ Năm(12/9).

Bộ Công Thương chưa trả lời email yêu cầu bình luận của Reuters về việc này.

Văn bản cho biết Việt Nam có mục tiêu tăng công suất phát điện lên 12%-15% mỗi năm để “đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia… và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hằng năm là 7%”.

Theo văn bản, đề xuất phát triển điện hạt nhân sẽ được đệ trình lên Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định có quyền lực nhất của đất nước, để xem xét, mặc dù không đưa ra khung thời gian cụ thể.

Năm 2009, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch phát triển hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, nhưng các kế hoạch này đã bị gác lại vào năm 2016 sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản (năm 2011) và do hạn chế về ngân sách.

Các nhà máy điện hạt nhân được đề xuất, với tổng công suất là 4 gigawatt (GW), đã được công ty Rosatom của Nga và Japan Atomic Power Co lên kế hoạch xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận ở miền Trung.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tìm cách phát triển năng lượng sạch hơn nhưng các mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi và LNG của nước này đang gặp rủi ro do các rào cản về quy định và giá bán điện.

Mới đây, tập đoàn năng lượng hàng đầu của Ý, Enel, đã tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường năng lượng sạch Việt Nam trong khi năm ngoái công ty còn tuyên bố sẽ đầu tư để lắp đặt 6 GW tại đây.

Cũng trong tháng này, tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy đã tuyên bố rút khỏi thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Và vào thời điểm này năm ngoái, tập đoàn năng lượng Orsted của Đan Mạch tuyên bố rút quân khỏi ngành công nghiệp điện gió Việt Nam.

Các quan chức cho biết Việt Nam trong nhiều năm đã cân nhắc khôi phục lại lựa chọn điện hạt nhân và đã thảo luận về khả năng hỗ trợ từ Nga, Hàn Quốc, Canada và các nước khác đối với các lò phản ứng nhỏ.

Điện hạt nhân không được đề cập trong kế hoạch phát triển điện quốc gia được phê duyệt vào tháng 5 năm ngoái sau thời gian dài trì hoãn.

Kế hoạch này, được gọi là Quy hoạch điện 8 (PDP8), sẽ nâng tổng công suất phát điện lắp đặt của đất nước lên hơn 150GW vào năm 2030 từ hơn 80GW vào cuối năm ngoái.

Bộ Công Thương hiện đang xin ý kiến ​​để cập nhật PDP8, theo truyền thông Việt Nam hồi đầu tháng này.

Văn bản của văn phòng chính phủ cho biết các bộ và cơ quan liên quan cũng đã được yêu cầu xóa bỏ các rào cản đối với phát triển điện gió ngoài khơi và điện chạy bằng khí đốt, mà không nêu chi tiết.

Bài Liên Quan

Leave a Comment