Do chiến tranh Ukraina ngay sát cạnh và trước mối đe dọa từ Nga, Ủy Ban Châu Âu cam kết sẽ bổ nhiệm « một ủy viên đặc trách về các vấn đề quốc phòng và chiến lược phòng thủ chung » cho nhiệm kỳ sắp mở ra vào mùa thu năm nay.
Đăng ngày: 16/09/2024
Nhưng coi chừng « thùng rỗng kêu to », nhất là trong bối cảnh sáng nay 16/09/2024, ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội địa Thierry Breton, người được ví là « nhạc trưởng » trong chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng cho Liên Âu, đã « ồn ào » từ chức do bất đồng sâu rộng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Ủy Ban Châu Âu chuẩn bị công bố danh sách các lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ 2024-2029, thay thế dàn lãnh đạo mãn nhiệm sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đầu tháng 6/2024. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, nguyên là bộ trưởng Quốc Phòng Đức, từng hứa hẹn Liên Âu sẽ có một người đứng đầu « bộ Quốc Phòng », tương tự như đã có hẳn một ủy viên đặc trách các hồ sơ ngoại giao chung cho toàn khối.
Quyền hạn của ủy viên châu Âu đặc trách quốc phòng đến đâu và ủy viên này có thể làm được gì khi mà Liên Âu là một khối với 27 thành viên, với lực lượng quân sự riêng biệt và Liên Âu cũng không có một ngân sách và chiến lược phòng thủ chung ?
Có nhiều lý do khiến giới phân tích nghi ngờ về tính khả thi, về thực chất của sáng kiến do bà von der Leyen đưa ra.
Khó khăn đầu tiên là về nhân sự: Sau khi chính thức được Nghị Viện Châu Âu tín nhiệm cho một nhiệm kỳ thứ hai, bà Ursula von der Leyen còn phải vượt qua một cửa ải khác, đó là đề cử các ủy viên, tức là sẽ phải giàn xếp, mặc cả với 27 thành viên trong khối. Hiện tại, chỉ có cựu thủ tướng Estonia Kaja Kallas gần như chắc chắn sẽ được đề cử vào chức đại diện cao cấp của Liên Âu về ngoại giao và an ninh. Một điểm đáng chú ý khác là bà Ursula von der Leyen sẽ dành chiếc ghế ủy viên châu Âu đặc trách quốc phòng cho nước nào trong số 27 thành viên ? Nếu chỉ là một nước nhỏ thì liệu rằng tiếng nói của vị ủy viên châu Âu tương lai có trọng lượng gì hay không trước những đối tác lớn hơn như Pháp hay Đức, Ý và Ba Lan ? Hiện tại không mấy ai hưởng ứng đề xuất thành lập một « bộ phận điều phối chính sách phòng thủ chung cho Liên Hiệp Châu Âu ».
Camile Grand, chuyên gia về quốc phòng trực thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu, nêu lên khả năng quyền hạn của bộ phận đặc trách về quốc phòng chung thu gọn trong các lĩnh vực « an ninh mạng, chống tin giả và các cuộc chiến hỗn hợp nhắm vào các hoạt động dân sự và quân sự » chung. Ngay cả trong giả thuyết này, các bên cũng cần thận trọng tránh để các « cơ quan chức năng lo về kinh tế, ngoại giao, công nghiệp của châu Âu dẫm chân lên nhau », Liên Âu đến nay đã có hẳn một « cơ quan đặc tránh về quốc phòng ». Trong tương lai, cơ chế này sẽ do ai lãnh đạo ?
Vấn đề thứ nhì và cũng là yếu tố quan trọng nhất có lẽ nằm ở chỗ không một quốc gia thành viên nào trong khối sẵn sàng trao lại, dù chỉ một phần, mảng quốc phòng cho một tập thể : Chính sách phòng thủ chung được tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất từ khi ông lên cầm quyền năm 2017 đến nay vẫn không có tiến triển. Trước đó, vào giữa năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, Bruxelles đã xem nước Nga của ông Vladimir Putin là « một mối đe dọa ». Tháng 2/2022, khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang biên giới Ukraina, nhiều người đã tưởng rằng đây là một « bước ngoặt » trong chính sách phòng thủ chung châu Âu.
Hơn hai năm sau, thức tế mới chỉ dừng lại ở chỗ Bruxelles có hẳn một « chính sách công nghiệp quốc phòng » đặt dưới quyền của ủy viên đặc trách về Thị Trường Nội Địa. Liệu rằng trong nhiệm kỳ tới, ủy viên châu Âu về thị trường nội địa có chấp thuận chuyển giao hồ sơ công nghiệp quốc phòng châu Âu cho một người khác hay không ?
Dấu hiệu cuối cùng cho thấy châu Âu không mặn mà với sáng kiến của Bruxelles về ủy viên Châu Âu đặc trách quốc phòng, đó là bà Ursula von der Leyen, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Đức, từng đề nghị dành hẳn một ngân sách 500 tỷ euro trong 10 năm để « tăng cường khả năng phòng thủ của Liên Âu », nhưng lập tức đề xuất này đã bị phản đối mạnh mẽ.
Tuần trước, một chính khách hàng đầu của châu Âu, cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu Mario Draghi, đã đề nghị 27 nước Liên Âu cùng phát hành trái phiếu để tài trợ cho chính sách phát triển công nghiệp, bao gồm cả công nghiệp quốc phòng, nhưng ngay lập tức khối các nước « cần kiệm », đứng đầu là Đức và Hà Lan đã chống đối. Ngần ấy yếu tố báo trước đề xuất của bà von der Leyen có nguy cơ bị chìm vào quên lãng. Trong một thời gian dài nữa, chính sách « phòng thủ chung của Liên Hiệp Châu Âu » có thể vẫn là một cái « vỏ rỗng », như giới quan sát ghi nhận.