Hôm nay, 16/09/2024, chính phủ Đức đã tái lập các biện pháp kiểm soát biên giới trong 6 tháng để đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp. Berlin sẽ bố trí cảnh sát để kiểm tra tại biên giới với các nước nằm ở phía tây và bắc của Đức, bao gồm Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch. Cho tới nay chỉ có những người đi từ các nước ở phía đông và nam gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Áo và Thụy Sĩ mới bị kiểm tra.
Đăng ngày: 16/09/2024
Về nguyên tắc, các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ như vậy bị cấm trong Khu vực Schengen, nhưng trong trường hợp có mối đe dọa đối với trật tự hoặc an ninh, các biện pháp này có thể được thực hiện trong thời hạn 6 tháng và có thể được gia hạn, nhưng không được quá 2 năm. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu lo ngại rằng điều này có thể gây ra hiệu ứng domino, khiến nhiều nước khác trong khu vực làm theo. Trong khi đó, Berlin biện minh cho quyết định trên với lý do “bảo vệ an ninh nội bộ trước các mối đe dọa hiện nay của khủng bố Hồi giáo và tội phạm xuyên biên giới“.
Từ Berlin, thông tín viên Nathalie Versieux cho biết về những hệ quả của các biện pháp kiểm soát biên giới này:
“Thành phố Frankfurt Oder khá giống với thành phố Strasbourg của Pháp nằm cạnh miền đông nước Đức. Ở phía tây sông Oder là thành phố của Đức, trong khi đó phía đông của dòng sông lại là thành phố Slubice của Ba Lan. Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, chính quyền đã nỗ lực đoàn kết hai dân tộc, gần như bị chia cắt bởi đường biên giới trong thời kỳ chế độ Cộng Sản …
Việc Đức tái lập các biện pháp kiểm soát biên giới vào tháng 10/2023 để chống nạn nhập cư bất hợp pháp đã giúp giảm bớt các vụ nhập cảnh trái phép. Nhưng những biện pháp đó cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người dân, theo giải thích của Andreas Oppermann, nhà báo địa phương làm việc cho kênh truyền thông RBB :
“Đây là một bất lợi rất lớn đối với người dân Slubice, vì thành phố này thường xuyên bị tắc nghẽn. Không chỉ vậy, đây cũng là bất lợi đối với chính những cư dân tại thành phố Frankfurt bên bờ sông Oder, chẳng hạn những người làm việc ở Slubice nhưng đã phải từ bỏ công việc, vì họ không bao giờ có thể biết liệu mình có đến đúng giờ hay liệu họ có thể trở về nhà hay không. Việc kiểm soát biên giới đã phá vỡ mọi thứ được xây dựng trong suốt 20 năm qua giữa hai thành phố.”
Trên khoảng 300 km biên giới giữa Ba Lan và Đức, những hình ảnh tương tự xuất hiện khắp nơi. Các phương tiện giờ chỉ có thể lưu thông trên một làn đường và chỉ được chạy với vận tốc 20 km/giờ tại các cửa khẩu đường cao tốc biên giới. Điều này đã gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở phía Ba Lan. Những người lao động xuyên biên giới bực tức. Trong khi đó, các tổ chức của giới chủ thì lo lắng về quyết định này của Đức, vốn đi ngược lại các hiệp định thương mại tự do của châu Âu.