Donald Trump, yếu nhân khiến Mật Vụ Mỹ đau đầu

Hai tháng sau khi cận kề cái chết trong một cuộc mít tinh  ở Pennsylvania, hôm Chủ nhật 15/09, ông Donald Trump đã thoát khỏi một vụ mưu sát mới. FBI thông báo bắt giữ một người đàn ông bị tình nghi định nhắm bắn vào cựu tổng thống trên một sân gôn ở Florida. Vụ việc một lần nữa đặt ra câu hỏi về việc triển khai hệ thống an ninh của Mật Vụ Mỹ.

Đăng ngày: 17/09/2024

Sau vụ tình nghi mưu sát Donald Trump tại Palm Beach, lực lượng an ninh triển khai bảo vệ cận khu tư dinh  Mar-a-Lago tại Florida của cựu tổng thống Mỹ ngày 16/09/2024.
Sau vụ tình nghi mưu sát Donald Trump tại Palm Beach, lực lượng an ninh triển khai bảo vệ cận khu tư dinh Mar-a-Lago tại Florida của cựu tổng thống Mỹ ngày 16/09/2024. AP – Rebecca Blackwell

Anh Vũ

Hai tháng sau khi thoát chết trong một cuộc mít tinh  ở Pennsylvania (13/07) và còn năm chục ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump lại trở thành mục tiêu của một vụ bị tình nghi là ám sát vào hôm Chủ nhật ngày 15 tháng 9 khi ông đang chơi gôn ở Palm Beach, Florida. Cựu tổng thống Mỹ, ứng cử viên đảng Cộng Hòa chạy đua vào Nhà Trắng đã nhanh chóng được sơ tán sau khi các nhân viên Mật Vụ phát hiện và nổ súng về phía một người đàn ông có vũ trang chỉ cách ông Trump 400 mét.

Vốn đã bị nhiều áp lực kể từ sau khi xảy ra vụ ám sát hụt Donald Trump hồi tháng 7, Cơ quan Mật Vụ Mỹ, chịu trách nhiệm bảo vệ các chính khách, sẽ phải thích ứng khả năng của mình để bảo vệ ứng cử viên đảng Cộng Hòa. Ngay ông Joe Biden cho rằng cơ quan này “cần được thêm hỗ trợ ”. Tổng thống Mỹ kêu gọi tăng “thêm nhân sự” trong lực lượng cảnh sát tinh nhuệ này.

Không thể bảo vệ như tổng thống đương nhiệm

Sau khi cựu tổng thống 78 tuổi bị thương ở tai do phát súng của một thanh niên Mỹ trong cuộc mít tinh ở Butler, Pennsylvania hôm 13/07, Cơ quan Mật Vụ Mỹ đã hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt. Mười ngày sau đó, lãnh đạo của cơ quan, bà Kimberly Cheatle, đã từ chức, thừa nhận phần trách nhiệm của mình trong sự việc mà bà đánh giá là “thất bại hoạt động lớn nhất của Mật Vụ trong nhiều thập kỷ.”

Từ sau vụ việc đó, Mật Vụ Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ từ quân đội trong việc bảo vệ cựu tổng thống. “Bộ Quốc Phòng sẽ cung cấp các hoạt động bảo vệ bổ sung” cho đến cuộc bầu cử vào tháng 11 và có thể cho đến lễ nhậm chức vào tháng 1 năm 2025, phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh.tuyên bố với báo chí ngày 26 tháng 8.

Mặc dù có sự tăng cường, việc bảo vệ dành cho ông Donald Trump không thể đạt mức độ như khi ông còn là tổng thống Hoa Kỳ.

Được hỏi trong một cuộc họp báo, Ric Bradshaw, cảnh sát trưởng của Quận Palm Beach, giải thích rằng không thể nào bảo đảm an ninh trên sân gôn như bảo vệ tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Ông nói : « Nếu ông ấy là  tổng thống đương nhiệm, chúng tôi sẽ triển hai hệ thống bảo vệ  bao quanh toàn bộ sân gôn. Vì không được như thế nên biện pháp an ninh chỉ giới hạn trong phạm vi mà Cơ quan Mật Vụ coi là có thể được ».

Về phần mình, Michael Matranga, cựu nhân viên mật vụ  từng bảo vệ Tổng thống Barack Obama, nói với nhật báo New York Times rằng cơ quan này nên “nghiêm túc xem xét việc dành cho cựu tổng thống Trump sự đối xử tương tự hoặc ngang bằng với tổng thống Hoa Kỳ”. Ông cũng đánh giá những sự cố xảy ra với ông Trump là  “chưa từng có”.

Trên mạng xã hội Truth Social của mình, ông Donald Trump đã gửi lời cảm ơn đến Cơ quan Mật Vụ. Ông viết bằng chữ hoa. “Nhiệm vụ đã hoàn thành một cách tuyệt đối đặc biệt”.

Sân gôn, mục tiêu dễ hành động

Theo truyền thông Mỹ, tay súng tình nghi, một người Mỹ ủng hộ Ukraina, 58 tuổi, nấp trong một bụi cây gần khu sân gôn của ứng viên tỷ phú, đang chuẩn bị vũ khí là một khẩu súng trường kiểu như AK-47. Được bao quanh bởi ba con đường nhiều người qua lại, địa hình có thể dễ dàng nhìn thấy từ nhiều nơi trong phố. Khu sân gôn có nhiều lối vào và ít điểm khuất nên khu vực này điểm rất khó bảo vệ an ninh.

Cựu tổng thống thường sử dụng xe di chuyển trên sân golf riêng của mình, ngoại trừ phù hiệu tổng thống, chiếc xe trông giống như bất kỳ chiếc xe nào khác, không có kính chống đạn. Ông thường đi một mình trên xe, các nhân viên an ninh gần nhất  thường ở cách ông vài mét.

Sân gôn này là một khu vực đặc biệt khó bảo vệ, một cựu đặc vụ FBI đã xác nhận với tuần báo Newsweek hôm thứ Hai. Đặc biệt, « hầu như không thể bảo đảm an toàn cho những người được Mật Vụ bảo vệ », nhất là khi mà «  vũ khí có ở khắp nơi (trong nước) » và « trong môi trường ngoài trời đặc biệt ».

Một ứng viên ưa mạo hiểm

Trong vụ ám sát hôm 13/07, ông Donald Trump đã không tỏ ra thận trọng. Ngay sau khi bị các nhân viên mật vụ đè xuống đất dưới làn đạn, ứng viên Cộng Hòa đã vùng dậy ngay lập tức và tay giơ cao nắm đấm trên sân khấu thay vì ông phải nhanh chóng di chuyển về chiếc xe bọc thép chống đạn của mình. Theo ông Jérôme Viala-Gaudefroy, giáo sư  thuộc trường  Khoa học Chính trị Saint-Germain-en-Laye của Pháp, đồng thời là chuyên gia về Hoa Kỳ, thì Donald Trump « đã vi phạm mọi quy tắc. Thông thường, đáng ra ông ấy phải rời khỏi ngay lập tức ra ngoài tầm nhìn. Nhưng ông ta lại cố thể hiện sự mạnh mẽ, chứng minh mình vẫn có mặt với tinh thần chiến đấu. Đây là một nhân vật khó bảo vệ ».

Sau vụ mưu sát đó, Cơ quan Mật Vụ đã khuyên cựu tổng thống tránh các cuộc tập hợp ngoài trời. Trong một tháng ứng viên Cộng Hòa đã tuân thủ khuyến cáo, chỉ tham gia các cuộc mít tinh trong không gian khép kín. Hôm 21/08, trong cuộc tập hợp đầu tiên tổ chức ngoài trời kể từ giữa tháng Bảy, tại bang Bắc Carolina, ông đã đứng sau các vách kính chống đạn để phát biểu. Mặc dù có biện pháp bảo vệ tăng tường này, cựu tổng vẫn liều mình bước xuống sân khấu hòa vào những người ủng hộ. Chuyên gia Jérôme Viala-Gaudefroy, nhận xét : «  Một lần nữa, Donald Trump lại muốn chứng minh ông không chịu gò bó. Các biện pháp bảo vệ an ninh, như kính chống đạn là trái ngược với phong cách và bản sắc chính trị của ông. »

Mỹ : Thời kỳ gia tăng bạo lực chính trị

Vụ tình nghi mưu sát thứ 2 nhằm vào Donald Trump trong một khoảng thời rất ngắn cho thấy nước Mỹ đang trong « thời điểm tối tăm » trong lịch sử chính trị, như bình luận của kênh truyền hình Mỹ CNN.

Nhà sử học Manfred Berg, thuộc Đại học Heidenberg (Đức), tác giả một cuốn sách viết về tình trạng gia tăng bạo lực chính trị tại Hoa Kỳ từ năm 1960, nhấn mạnh, « phải thừa nhận việc một ứng viên là mục tiêu của hai vụ ám sát trong hai tháng là không bình thường ». Ngoài ra, theo Clive Webb, giáo sư tại Đại học Sussex (Anh Quốc), chuyên gia về lịch sử đương đại Mỹ và các hành động bạo lực tại Hoa Kỳ, « điều ngạc nhiên là dường như không có mối liên hệ nào về hệ tư tưởng hay những điểm chung giữa hai nghi can ». Đó là hành động của các tay súng riêng lẻ, không phải âm mưu của một nhóm nào muốn loại trừ cựu tổng thống. Điều này càng khẳng định nhận xét tình trạng bạo lực đang tràn lan ở Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sử  được kênh truyền hình France 24 phỏng vấn đều không thấy có gì đặc biệt lạ với màn bạo lực chính trị mà Hoa Kỳ hiện đang trải qua.

Theo phần đông các chuyên gia, hai vụ mưu sát nhằm vào ông Donald Trump minh họa cho tình trạng « bình thường hóa bạo lực chính trị trong một đất nước như Hoa Kỳ có khoảng 400 triệu súng được lưu hành ». Giáo sư thuộc Đại học Sussex đặc biệt lo ngại những vụ tấn công này có thể  trở thành ngòi nổ cho các hành động bạo lực của nhưng thành phần ủng hộ Trump một cách cực đoan.

(Theo france24.com)

Bài Liên Quan

Leave a Comment