Toà bác kháng cáo của luật sư bị cáo buộc vi phạm Điều 331 trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng

2024.09.17

Toà bác kháng cáo của luật sư bị cáo buộc vi phạm Điều 331 trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng

Ông Trần Văn Sỹ tại phiên tòa sơ thẩm ở TPHCM hôm 1/3/2024

 Người Lao Động

Toà phúc thẩm tại TPHCM mới đây tuyên y án hai năm tù đối với luật sư Trần Văn Sỹ (67 tuổi) trong trong vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng giám đốc Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam – người hiện đang thụ án tù hai năm chín tháng.

Cả bà Hằng và ông Sỹ đều bị cáo buộc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Ông Sỹ bị cáo buộc đã sử dụng tài khoản YouTube “LS Trần Văn Sỹ” đăng tám video có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng,  xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Đại Nam.

Bà Hằng là người nổi tiếng với nhiều phát ngôn trên mạng xã hội liên quan đến các nghệ sĩ nổi tiếng và một số quan chức Việt Nam trước khi bị bắt và kết án tù.

Sau phiên sơ thẩm vào ngày 1/3/2024, ông Sỹ đã kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt do mắc bệnh. Ông Sỹ cho biết mình bị mắc các bệnh bao gồm hở van tim và hở động mạch chủ. Tuy nhiên, toà phúc thẩm cho rằng việc mắc các bệnh này không làm giảm đi tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do bị cáo đã thực hiện, nên không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự hoặc xem xét là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Ngoài ra, toà cũng cho rằng ông Sỹ đã được toà sơ thẩm áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt hai năm tù.

Cùng bị xét xử ở phiên sơ thẩm với ông Sỹ còn có bà Đặng Thị Hàn Ni (47 tuổi, luật sư kiêm nhà báo). Bà này bị kết án 18 tháng tù với cùng tội danh nhưng bà Ni đã không kháng án. Báo Nhà nước cho biết, đến nay, bà Ni đã chấp hành xong hình phạt tù.

Điều 331 Bộ luật Hình sự được chính quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng để kết án những người lên tiếng chỉ trích chính quyền và lãnh đạo và đã bị quốc tế lên án là mù mờ. Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, Điều 331 được sử dụng để kết án tù những người tranh cãi và nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội. Đã có bốn người liên quan đến vụ án này bao gồm bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam và kết án theo Điều 331.

Bài Liên Quan

Leave a Comment