Hôm qua, 17/09/2024, lần đầu tiên Nhà nước Palestine đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Israel rút khỏi toàn bộ các vùng đất của người Palestine trong vòng 12 tháng. Văn bản dựa trên ý kiến (mang tính tham khảo) của Tòa án Công lý Quốc tế, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, theo đó, việc Israel chiếm đóng là bất hợp pháp.
Đăng ngày: 18/09/2024
Thông tín viên Carrie Nooten từ New York cho biết cụ thể:
‘‘Đại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc, Riyad Mansour, đã không bỏ phí thời gian. Ngay sau khi Tòa Công lý Quốc tế ra phán quyết, đại sứ Palestine đã làm việc với các nước Ả Rập khác để soạn thảo dự thảo nghị quyết đầu tiên do Palestine đề xuất. Nghị quyết yêu cầu Israel phải rời khỏi lãnh thổ của người Palestine trong vòng 12 tháng, ngừng lập các khu định cư mới, trả lại đất đai và tài sản bị tịch thu, đồng thời cho phép những người Palestine buộc phải di dời trở về bản quán.
Đặc biệt là để bảo đảm có được sự ủng hộ rộng rãi, đại sứ Riyad Mansour đã sử dụng chính những lời lẽ trong phán quyết của tòa án cấp cao nhất này: “Đó là một phán quyết lịch sử, bởi vì đây là lần đầu tiên Tòa án xem xét toàn bộ hoạt động chiếm đóng của Israel. Ý kiến tư vấn của Tòa án cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa về sự thật hoặc về mặt luật pháp, nhưng luật pháp không phải chỉ dùng để đo lường hành vi vi phạm. Luật pháp cũng để ngăn chặn các vi phạm, và khi điều đó không hiệu quả, luật pháp cho phép trừng phạt, chấm dứt, yêu cầu trách nhiệm giải trình và bảo đảm công lý.’’
Ngay cả khi được thông qua, nghị quyết sẽ không có tính ràng buộc, nhưng việc đệ trình nghị quyết này đã gây được tiếng vang bởi được đưa ra vài ngày trước khi bắt đầu tuần lễ họp cấp cao Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, và sẽ khiến chuyến công du của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phức tạp hơn một chút. Hôm qua, Israel đã lên án một “trò hề”.
Mỹ chỉ trích dự thảo nghị quyết của Palestine
Về phía Mỹ, đại sứ Linda Thomas-Greenfield đã chỉ trích ‘‘ngôn từ kích động’’ trong văn bản dự thảo nghị quyết của Palestine, và khẳng định một ‘‘nghị quyết thiên vị’’, không nói đến việc ‘‘Hamas, một tổ chức khủng bố, có nhiều quyền lực ở dải Gaza’’, sẽ không giúp thúc đẩy giải pháp ‘‘hai Nhà nước’’, bao gồm việc công nhận Nhà nước Palestine.
Hồi tháng 5/2024, Đại Hội Đồng đã ra một nghị quyết mang tính biểu tượng, với 143 phiếu thuận, 9 chống và 25 vắng mặt, yêu cầu Liên Hiệp Quốc kết nạp Palestine làm thành viên chính thức. Hiện tại Mỹ, với tư cách thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, có quyền phủ quyết, ngăn chặn việc kết nạp.