Hàng loạt máy bộ đàm cầm tay của Hezbollah đã phát nổ vào ngày 18/9 trên khắp miền nam Lebanon, đánh dấu ngày đẫm máu nhất tại đây kể từ khi cuộc giao tranh xuyên biên giới nổ ra giữa Hezbollah và Israel gần một năm trước.
Việc này càng làm leo thang căng thẳng theo sau loạt vụ nổ máy nhắn tin vào hôm 17/9.
Hezbollah là tổ chức Hồi giáo dòng Shia được Iran hậu thuẫn, có sức ảnh hưởng về mặt chính trị và đang kiểm soát lực lượng vũ trang quyền lực nhất ở Lebanon.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Lebanon, các vụ nổ máy bộ đàm vào hôm 18/9 đã khiến 20 chết và hơn 450 bị thương tại các khu ngoại ô Beirut và thung lũng Bekaa, trong khi số người chết từ các vụ nổ máy nhắn tin hôm 17/9 đã tăng lên 12, trong đó có hai trẻ em, và đã có gần 3.000 người bị thương.
Các quan chức Israel chưa đưa ra bình luận về các vụ nổ, nhưng các nguồn tin an ninh cho rằng cơ quan tình báo Mossad của Israel đứng sau vụ việc này.
Một quan chức Hezbollah nói rằng đây là sự xâm phạm an ninh lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này.
Chiến dịch nói trên, dường như đã khiến Hezbollah rơi vào hỗn loạn, diễn ra đồng thời với cuộc chiến kéo dài 11 tháng của Israel tại Gaza và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng tại biên giới Israel-Lebanon và nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến toàn diện tại khu vực.
“Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của cuộc chiến. Điều này đòi hỏi ở chúng ta lòng can đảm, quyết tâm và sự kiên trì,” Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói tại một căn cứ không quân.
Ông Ayman Safadi, Ngoại trưởng Jordan, cáo buộc Israel đang đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến khu vực bằng cách tạo ra sự leo thang nguy hiểm trên nhiều mặt trận.
Mỹ đã phủ nhận liên quan tới các vụ nổ và nói rằng đang tích cực theo đuổi những biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột leo thang.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng Washington đã được thông báo vào ngày 17/9 rằng Tel Aviv sẽ thực hiện một hành động gì đó ở Lebanon.
Tuy nhiên, Israel không cung cấp thông tin chi tiết và chiến dịch tấn công nói trên là một bất ngờ với Mỹ, quan chức này nói thêm.
Trong các vụ nổ vào ngày 18/9, ít nhất có một vụ xảy ra ở gần một lễ tang do Hezbollah tổ chức cho những người thiệt mạng ngày 17/9 khi hàng ngàn máy nhắn tin của nhóm phát nổ trên khắp Lebanon và làm nhiều chiến binh của nhóm bị thương.
Một phóng viên Reuters ở khu ngoại ô phía nam Beirut cho biết ông đã thấy các thành viên Hezbollah vội vã tháo pin ra khỏi các thiết bị bộ đàm chưa phát nổ và ném chúng vào các thùng kim loại.
Hezbollah chuyển qua dùng máy nhắn tin cầm tay và các thiết bị liên lạc công nghệ cũ khác nhằm tránh bị Israel theo dõi điện thoại di động.
Hội Chữ thập đỏ Lebanon cho biết trên mạng xã hội X rằng họ đã điều động 30 đội cứu thương đến một loạt vụ nổ ở các khu vực khác nhau, bao gồm ở miền nam Lebanon và thung lũng Bekaa.
Hình ảnh các thiết bị bộ đàm bị nổ, được cho là dòng IC-V82, cho thấy nhãn có chữ “ICOM” và “sản xuất tại Nhật Bản”.
Theo trang web của ICOM, công ty này có trụ sở tại Nhật Bản và chuyên về thiết bị liên lạc vô tuyến và điện thoại.
ICOM chưa trả lời đề nghị bình luận của Reuters.
Công ty từng nói rằng mẫu IC-V82 đã bị ngừng sản xuất vào năm 2014.
Theo một nguồn tin an ninh, Hezbollah đã mua các thiết bị bộ đàm cầm tay và máy nhắn tin cách đây khoảng năm tháng.
Về các vụ nổ hôm 17/9, các nguồn tin nói với Reuters rằng các đặc vụ của Israel đã kích nổ từ xa chất nổ mà họ đã cài sẵn trong máy nhắn tin của đơn đặt hàng 5.000 máy trước khi các thiết bị này được vận chuyển vào Lebanon.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp vào thứ Sáu để thảo luận loạt vụ nổ các máy nhắn tin sau khi có yêu cầu từ các quốc gia Ả Rập.
Theo thông tin hôm 17/9 từ hãng thông tấn tấn bán chính thức Fars của Iran, Đại sứ Iran tại Lebanon, ông Mojtaba Amani, đã bị thương bên ngoài trong các vụ nổ máy nhắn tin.
Tuy nhiên, tờ New York Times hôm thứ Tư trích dẫn hai thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói rằng ông Amani đã bị mất một mắt và mắt còn lại bị thương nặng sau khi chiếc máy nhắn tin mà ông mang theo phát nổ.
Đặc phái viên của Iran tại Liên Hợp Quốc nói trong bức thư hôm 18/9 rằng Iran “bảo lưu quyền của mình theo luật pháp quốc tế để thực hiện các biện pháp đáp trả cần thiết” đối với cuộc tấn công nói trên.
Hezbollah đáp trả bằng pháo phản lực
Hezbollah từng thề sẽ trả đũa Israel và tuyên bố vào hôm 18/9 rằng họ đã tấn công các vị trí pháo binh của Israel bằng pháo phản lực – cuộc tấn công đầu tiên vào kẻ thù không đội trời chung kể từ sau các vụ nổ.
Quân đội Israel nói không có báo cáo về thương vong hay thiệt hại nào.
“Hezbollah muốn tránh một cuộc chiến toàn diện,” ông Mohanad Hage Ali, phó giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie Trung Đông ở Beirut, nhận xét.
“Nhưng xét tới quy mô của vụ việc lần này… sẽ có áp lực [buộc Hezbollah] đưa ra phản ứng mạnh hơn.”
Israel và Hezbollah đã có những cuộc giao tranh xuyên biên giới kể từ khi xung đột ở Gaza bùng nổ vào ngày 7/10/2023, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến quy mô lớn hơn ở Trung Đông mà có thể lôi cả Mỹ và Iran vào cuộc.
Trước đó, theo thống kê chính thức, số lượng người dân Lebanon thiệt mạng trong một ngày cao nhất là 11 người khi Israel pháo kích đất nước này vào tháng Tám.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, Israel đã cam kết sẽ đưa người dân di tản về nhà ở miền bắc và đang điều động quân đội và khí tài tới khu vực biên giới Israel-Lebanon.
Các nguồn tin Israel nói với Reuters rằng Sư đoàn 98, có đơn vị biệt kích và nhảy dù, cũng đang di chuyển từ Gaza lên phía bắc.
“’Trọng tâm’ đang nghiêng về phía bắc, nghĩa là chúng tôi đang phân bổ lực lượng, khí tài và nguồn lực cho mặt trận phía bắc,” ông Gallant cho biết trong một thông cáo.
Hezbollah, lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của Iran tại Trung Đông, cho biết trong một thông cáo rằng họ sẽ tiếp tục hỗ trợ Hamas ở Gaza và Israel nên chuẩn bị hứng chịu đòn phản ứng đối với vụ “thảm sát” máy nhắn tin.
Vào ngày 18/9, một phái đoàn của Hamas đã tới thăm những người bị thương trong các vụ nổ tại các bệnh viện ở Lebanon, theo hãng thông tấn nhà nước Lebanon NNA.
Các vụ nổ xảy ra sau khi có một loạt vụ ám sát nhằm vào các chỉ huy và lãnh đạo của Hezbollah và Hamas kể từ khi chiến tranh Gaza bắt đầu, được cho là do Israel thực hiện.
Đơn vị chiến tranh mạng Unit 8200
Cuộc tấn công quy mô lớn vào hệ thống máy nhắn tin của Hezbollah ở Lebanon đã khiến Unit 8200, đơn vị tình báo bí mật của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), trở thành tâm điểm chú ý.
Theo một nguồn tin an ninh phương Tây, đơn vị này có liên quan đến việc lên kế hoạch cho chiến dịch làm phát nổ máy nhắn tin cầm tay của Hezbollah.
Các quan chức Israel vẫn giữ im lặng về chiến dịch tình báo táo bạo ngày 17/9 vốn đã khiến 12 người thiệt mạng và hàng ngàn thành viên Hezbollah bị thương.
Một nguồn tin an ninh cấp cao của Lebanon và một nguồn tin khác nói với Reuters rằng cơ quan tình báo Mossad của Israel chịu trách nhiệm về chiến dịch cài bom vào đơn hàng 5.000 máy nhắn tin cầm tay của Hezbollah.
Một nguồn tin an ninh phương Tây nói với Reuters rằng Unit 8200, một đơn vị quân sự không thuộc cơ quan tình báo của Israel, đã tham gia vào giai đoạn lên kế hoạch chiến dịch nhằm vào Hezbollah đã được chuẩn bị trong hơn một năm.
Nguồn tin này cho biết Unit 8200 đã tham gia vào mảng kỹ thuật của việc thử nghiệm cách cài chất nổ vào quá trình sản xuất.
Quân đội Israel từ chối bình luận. Văn phòng thủ tướng chịu trách nhiệm giám sát Mossad không lập tức phản hồi đề nghị bình luận của Reuters.
Ông Yossi Kuperwasser, cựu quan chức tình báo quân đội và hiện là giám đốc nghiên cứu tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Israel (IDSF), nói rằng không có lời xác nhận nào cho việc Unit 8200 có tham gia vào cuộc tấn công.
Nhưng ông nói rằng thành viên của Unit 8200 là một trong những nhóm nhân sự giỏi nhất của quân đội Israel, phục vụ trong một đơn vị trung tâm của các lực lượng phòng thủ Israel.
“Những thách thức mà họ đang đối mặt là rất lớn, với những đòi hỏi khắt khe và chúng tôi cần những người xuất sắc nhất tham gia vào đó,” ông nói.
Đơn vị này – với đội ngũ binh sĩ trẻ được tuyển chọn kỹ lưỡng – phát triển và vận hành các công cụ thu thập tình báo và thường được so sánh với Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA).
Trong một thông cáo hiếm hoi về các hoạt động của Unit 8200, IDF cho biết vào năm 2018 rằng Unit 8200 đã giúp ngăn chặn một cuộc không kích của Nhà nước Hồi giáo (IS) vào một quốc gia phương Tây.
Khi đó, IDF cho biết các hoạt động của đơn vị này trải dài từ công tác thu thập tình báo, phòng thủ mạng cho đến “tấn công và đánh phá công nghệ”.
Mặc dù Israel chưa bao giờ xác nhận có liên quan, Unit 8200 được cho là đã tham gia vào cuộc tấn công Stuxnet làm tê liệt các máy ly tâm hạt nhân của Iran, cũng như một loạt các chiến dịch nổi bật khác bên ngoài Israel.