« Chào mừng gia nhập câu lạc bộ ! ». Tin nhắn trên mạng X của thủ tướng Viktor Orban giống như lời chế giễu những nước từng gay gắt chỉ trích chính sách nhập cư của Hungary và như tự hào rằng Budapest có lý trong hồ sơ này. « Câu lạc bộ » ngày càng được mở rộng sang các nước từ Ý, Hà Lan, Anh đến Thụy Điển, gần đây nhất là Đức. Tân thủ tướng Pháp, dưới sức ép của phe cực hữu, cũng xem nhập cư là trọng tâm hành động trong thời gian tới.
Đăng ngày: 19/09/2024
Sự trỗi dậy của cực hữu
Sự quay ngoắt đột ngột của Đức càng cho thấy « sự tiếp diễn của khuynh hướng thiên hữu trong chính sách nhập cư » ở nhiều nước châu Âu. Đối với nhà nghiên cứu Jérôme Vignon, Viện Jacques Delors, « xu hướng bảo hộ và bảo thủ khá rõ nét » đã trở lại châu Âu và thể hiện sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cực hữu, vẫn chủ trương thắt chặt nhập cư, thậm chí bài di dân. Các chính phủ hoặc Quốc Hội từ Hungary đến Ý hoặc Hà Lan, Thụy Điển đều có đảng cực hữu tham gia liên minh cầm quyền hoặc chiếm đa số.
« Những lập trường bài nhập cư, vẫn được gắn cho cực hữu, đang làn dần sang các đảng trung hữu, thậm chí là trung tả », theo nhận định với AFP của Florian Trauner, chuyên gia về di dân ở Vrije Universiteit Brussel. Chính phủ không thể không chú ý đến vấn đề nhập cư, an ninh, vốn giúp cho các đảng cực hữu trỗi dậy mạnh mẽ. Ví dụ, thủ tướng Anh, thuộc Công Đảng, dù thông báo hủy thỏa thuận Rwanda nhưng lại sang Ý « học hỏi kinh nghiệm » từ đồng nhiệm Giorgia Meloni. Tại Pháp, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc RN cảnh báo tân thủ tướng Barnier phải tính đến tiếng nói của khoảng 10 triệu cử tri đã bầu cho họ, trong đó có quan ngại về di dân.
Tuy nhiên, bước đi quay ngoắt của Đức mới là điều gây bất ngờ nhất. Đất nước tự hào « nhân văn » khi tiếp nhận 2 triệu di dân Syria và Ukraina tị nạn chiến tranh có lẽ không còn là nơi trú thân lý tưởng. Chính phủ đang đứng trước hai thách thức lớn: hai vụ tấn công do những kẻ cực đoan tiến hành gần đây và chiến thắng vang dội của đảng cực hữu AfD trong hai cuộc bầu cử cấp vùng có nguy cơ lan rộng trên quy mô toàn quốc.
Quyết định trục xuất 28 người Afghanistan là cách thể hiện cứng rắn đầu tiên của chính quyền Berlin. Ngay sau đó, Đức thông báo kiểm soát biên giới với 9 nước láng giềng với lý do « bảo vệ an ninh nội bộ trước những nguy cơ khủng bố và tội phạm xuyên biên giới », chiểu theo một điểm sửa đổi trong luật Schengen được thông qua tháng 05/2024.
Liên Âu bất lực vì mất đoàn kết
Nhà nghiên cứu Bỉ Florian Trauner đánh giá « thông điệp mạnh mẽ » này được gửi đến công luận trong nước cũng như đến các đối tác châu Âu. Trong tổng số hơn 500.000 đơn xin tị nạn ở châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2024, Đức chịu sức ép nhập cư lớn khi nhận đến 1/4 số đơn này. Berlin chỉ trích các nước Nam Âu để di dân tự do đi lại mà không xử lý trước đơn xin tị nạn theo cơ chế Dublin, trong khi những nước này chỉ trích các nước châu Âu khác là ích kỷ, thiếu tương trợ.
Chính những chính sách « mạnh ai nấy làm » hiện nay, chủ yếu nhằm mục đích đối nội và đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận cử tri, đang đe dọa Hiệp định châu Âu về Di dân và Tị nạn, đã được thông qua nhưng chỉ chính thức có hiệu lực từ năm 2026 nhằm chia sẻ gánh nặng giữa các nước tiếp nhận di dân. Bước ngoặt của Đức có thể tạo hiệu ứng vết dầu loang trong khối, bởi vì theo nhà nghiên cứu Adriana Tidona thuộc tổ chức Ân Xá Quốc Tế – Amnety International, việc Liên Âu « bất lực » trong việc buộc các nước thành viên tuân thủ chính những quy định của khối « chỉ càng làm lan rộng thêm tâm lý không bị trừng phạt ở những nước vẫn tự ban hành chính sách và biện pháp thắt chặt nhập cư ».
Dù triển khai « biện pháp kiểm tra có chủ đích », Đức, cũng như các nước châu Âu khác, không đóng hẳn cửa biên giới do phải đối mặt với những vấn đề lớn từ nhiều năm qua : thiếu nhân lực do dân số già đi, tỉ lệ sinh giảm. Tuy nhiên, những nước này muốn « kiểm soát » được làn sóng nhập cư, chủ động tìm đến những nguồn lao động có tay nghề mà họ cần.
Nhà nghiên cứu Sophie Meiner, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đức, cho biết trong tháng 9, Berlin đã ký nhiều thỏa thuận với Kenya, Uzbekistan để thu hút nhân lực trong các lĩnh vực tin học, công nghệ, hoặc chăm sóc y tế. Tương tự, Ý, nằm trong số những nước có tỉ lệ dân số già nhất thế giới, đã cho phép 452.000 người lao động nước ngoài vào lãnh thổ trong giai đoạn 2023-2025, cho dù thủ tướng Giorgia Meloni từng chỉ trích điều mà bà gọi là « kế hoạch xâm lược » hoặc « thay thế chủng tộc » khi giữ chức nghị sĩ của đảng đối lập cực hữu Fratelli d’Italia năm 2017.