Philippines muốn đưa tranh chấp Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc bất chấp nguy cơ Trung Quốc trả đũa

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, Philippines dự định sẽ đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, một chiến lược mà theo các nhà phân tích có thể khiến Bắc Kinh đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục gia tăng, tương tự như các biện pháp đã được áp dụng trong quá khứ. 

Đăng ngày: 20/09/2024

Philippine Marines raise the national flag on the first day of their deployment at the disputed Second Thomas Shoal, locally known as Ayungin Shoal, off the South China Sea, March 30, 2014.
Thủy thủ Philippines chào cờ tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), quần đảo Trường Sa, Biển Đông, 30/03/2014. AP – Bullit Marquez

Thanh Phương

Trong một phiên họp tại Quốc hội Philippines hôm thứ Tư 18/09/2024, dân biểu Joseph Gilbert Violago đã xác nhận Manila “dự định đệ trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) một nghị quyết về yêu sách chủ quyền của Philippines ở Biển Tây Philippines (tên mà Manila gọi Biển Đông)”.

Vào năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye đã ra phán quyết có lợi cho các yêu sách chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, khẳng định các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển này là “không có cơ sở pháp lý”. Bắc Kinh vẫn liên tục bác bỏ và lên án phán quyết của Tòa là bất hợp pháp. 

Trong những tháng gần đây, Manila đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng chiến thuật “vùng xám” để xác quyết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, chẳng hạn như bắn vòi rồng và chiếu tia laser cường độ cao vào các tàu của Philippines. Philippines và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau về cuộc đối đầu ở vùng biển này.

Trả lời nhật báo South China Morning Post, ông Greg Poling, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, dự báo nếu đưa ra biểu quyết tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc một nghị quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, Philippines chắc là sẽ thắng. Thế nhưng, Manila cũng lo ngại về khả năng nhiều nước thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ không tham gia bỏ phiếu và như vậy chiến thắng của Philippines chỉ mang tính tương đối.

Một điều chắc chắn, theo chuyên gia Greg Poling đó là Bắc Kinh sẽ có phản ứng mạnh nếu nghị quyết được thông qua ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Ông Poling cho biết: “Trung Quốc sẽ tìm cách trừng phạt Philippines ở những lĩnh vực khác, có thể là các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc cấm vận thương mại như những gì họ đã làm đối với ngành nông nghiệp Philippines dưới thời chính quyền của tổng thống  Benigno Aquino III”.

Năm 2012, Trung Quốc đã thi hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu chuối từ Philippines sau khi Manila kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế, cáo buộc các tàu hải quân Trung Quốc cản trở Philippines vào bãi cạn Scarborough. 

Trả lời nhật báo South China Morning Post, ông Edmund Tayao, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của nhóm nghiên cứu Political Economic Elemental Studies and Strategists, không chắc chắn là hành động của Manila sẽ mang lại kết quả khả quan. Ông nói: “Có khả năng chúng tôi sẽ thành công vì các nước châu Âu, thậm chí cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đều ủng hộ chúng tôi. Nhưng đến khi ra quyết định, chúng tôi thực sự không biết họ sẽ hành động như thế nào. Có những trường hợp các nước lớn như Hoa Kỳ nói rằng họ cam kết nhưng cuối cùng họ lại không làm theo cam kết. Khi được yêu cầu bỏ phiếu, họ sẽ không tham gia biểu quyết”. 

Ông Edmund Tayao nhấn mạnh đến ảnh hưởng của Bắc Kinh, vì Trung Quốc có rất nhiều đồng minh mà lại có quyền phủ quyết với tư cách thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Thượng nghị sĩ Francis Tolentino, chủ tịch ủy ban đặc biệt của Thượng viện Philippines về các vùng biển, tin rằng tổng thống Ferdinand Marcos Jr. sẽ ký ban hành hai luật về tăng cường an ninh hàng hải của quốc gia. Các luật này sẽ được chuyển lên Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Hàng hải Quốc tế để đưa vào áp dụng. Theo thượng nghị sĩ Francis Tolentino, là thành viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, Trung Quốc không thể phớt lờ yêu cầu của tổ chức này, nếu không sẽ gánh chịu những hậu quả, chẳng hạn như các thủy thủ của họ có thể bị từ chối cấp phép, kể cả tàu của họ và thuyền trưởng của tàu.

Vào tháng 7 năm nay, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio đã đề nghị Manila tiến hành một vụ kiện trọng tài khác chống lại Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh phản đối tuyên bố của Manila về quyền được hưởng thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông. Theo Carpio, Philippines sẽ thắng trong vụ kiện như vậy, vì phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 đã tuyên bố yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là không có giá trị. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment